Tăng trưởng kinh tế Israel gặp nguy vì bất ổn xoay quanh cải cách tư pháp

Các nhà đầu tư và giới phân tích cảnh báo nền kinh tế Israel có thể phải đối mặt với việc xếp hạng hạ, đầu tư nước ngoài giảm và lĩnh vực công nghệ kém đi nếu tình trạng bất ổn phát sinh từ các cải cách tư pháp gây tranh cãi của chính phủ vẫn tiếp diễn.

Chú thích ảnh
Người biểu tình tập trung quanh tòa nhà Quốc hội Israel để phản đối kế hoạch cải cách tư pháp. Ảnh: TTXVN phát

Hôm 24/7, chính phủ Israel đã thông qua luật đầu tiên trong loạt dự luật nhằm vô hiệu hóa quyền hạn của Tòa án Tối cao Israel để ủng hộ nhánh hành pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Động thái này đã gây ra các cuộc biểu tình rộng rãi, với nhiều nhóm lao động từ công nhân, bác sĩ đến nhân viên tại các công ty công nghệ đình công xuống đường. Đồng tiền shekel của nước này đã giảm giá trị hơn 2% so với đồngUSD trong những ngày sau đó, kéo theo mức giảm kể từ khi dự luật lần đầu tiên được công bố vào tháng 1 xuống hơn 9%.

Hamish Kinnear, nhà phân tích cấp cao về các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi tại công ty tư vấn đầu tư Verisk Maplecroft, cho biết: “Vấn đề chính đối với các nhà đầu tư bên ngoài khi nhìn vào Israel vào lúc này là sự không chắc chắn. Không có điểm kết thúc rõ ràng. Đây sẽ là một dấu hỏi treo trên nền kinh tế của Israel”.

Thị trường chứng khoán của Israel cũng hoạt động kém hiệu quả trong bối cảnh này, với chỉ số MSCI của Israel tụt lại so với các chỉ số chứng khoán toàn cầu chính, chẳng hạn như MSCI All Country World, khoảng 14% do các nhà đầu tư trong nước xa lánh thị trường.

Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Copley Fund Research, cho đến cuối tháng 6, đầu tư nước ngoài vào cổ phiếu của Israel vẫn mạnh do bức tranh kinh tế hấp dẫn của nước này.

Tỷ lệ quỹ toàn cầu tiếp xúc với quốc gia này ở mức 35,5%, cao nhất kể từ năm 2017. Israel cũng chứng kiến ​​sự gia tăng lớn nhất về quyền sở hữu so với bất kỳ quốc gia nào trong năm nay, với mức tăng 3,44% về số lượng quỹ có tiền trong nước.

Chuyên gia Kinnear chỉ ra lạm phát tương đối thấp so với các quốc gia tương tự đã thúc đẩy đầu tư tại Israel, nhưng tình trạng bất ổn dân sự ngày một nghiêm trọng hơn có thể gây hại dòng tiền đổ vào nước này.

Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley đã cảnh báo tổng sản phẩm quốc nội dự kiến tăng khoảng 2,5% trong năm nay và 3% trong năm tới, nhưng có thể chỉ là 1,0% và 1,6% tương ứng nếu căng thẳng trong nước không được giải quyết.

"Về cơ bản, Israel vẫn là một nơi đầu tư rất hấp dẫn. Vấn đề là chính phủ nước này, họ càng theo đuổi cải cách tư pháp lâu, thì điều đó sẽ làm suy yếu vị thế này", Roger Mark, nhà phân tích thu nhập cố định tại công ty quản lý quỹ Ninety One, nhận định.

Theo ông Mark, nhiều nhà đầu tư, cũng như các cơ quan xếp hạng quan trọng, đã kỳ vọng chính phủ sẽ giảm bớt cải cách ở mức độ lớn hơn. Tuy nhiên, bây giờ hy vọng đó có vẻ khó xảy ra. “Từ góc độ trái phiếu, tôi nghĩ rằng hầu hết các nhà đầu tư trái phiếu và ngoại hối sẽ chờ đợi bên lề, có khả năng tìm cách làm giảm bớt bất kỳ thái cực nào mà chúng ta có thể thấy trong vài tuần tới”.

Các đồng minh của Thủ tướng Netanyahu cho rằng Tòa án Tối cao trong nhiều năm qua đã quá can thiệp và quyền hạn của cơ quan này cần phải bị hạn chế.

Tòa án Tối cao sẽ xét xử kháng cáo luật cải cách tư pháp vào tháng 9, điều này có thể khiến tòa án xung đột trực tiếp với chính phủ. “Trong ngắn hạn, có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp ngay tức thì”, chuyên gia Kinnear cảnh báo.

Điều đáng lo ngại là biến động từ cải cách tư pháp có thể đánh bật đầu tư vào lĩnh vực công nghệ của Israel - đứa con tinh thần của nền kinh tế chiếm gần 1/5 GDP, hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu và 1/4 doanh thu thuế thu nhập.

Công nghệ cao là lĩnh vực phát triển nhanh nhất ở Israel trong hơn một thập kỷ qua, với những đổi mới về an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực khác được áp dụng trên khắp thế giới.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Cơ quan Đổi mới Israel, môi trường kinh doanh không chắc chắn đã thúc đẩy tới 80% công ty khởi nghiệp mới của Israel đăng ký ở nước ngoài cho đến tháng 3 năm nay, tăng từ 20% vào năm 2022 và việc huy động vốn của các công ty công nghệ đã giảm 65% trong quý II năm qua.

Nicholas Farr, nhà kinh tế châu Âu mới nổi của Capital econom đã viết trong một lưu ý rằng phản ứng dữ dội về cải cách "có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào con đường tăng trưởng thấp hơn vĩnh viễn".

Ba công ty xếp hạng rủi ro tín dụng hàng đầu thế giới cũng đang cân nhắc hạ xếp hạng tín dụng của Israel trước những lo ngại về định hướng chính sách của chính phủ.

Moody's đã hạ tín nhiệm chủ quyền của Israel xuống mức "không ưa thích", trong khi S&P ngày 27/7 cho biết các cuộc biểu tình chưa từng có sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế trong năm nay. S&P cảnh báo họ có thể hạ xếp hạng kinh tế Israel nếu rủi ro chính trị trong nước hoặc khu vực leo thang mạnh, làm suy giảm các chỉ số kinh tế, tài chính và cán cân thanh toán của Israel.

Trong khi đó, Fitch, vốn đã xếp hạng quốc gia này thấp hơn một chút ở mức A+, cho biết những thay đổi về hệ thống tư pháp có thể có tác động tiêu cực đến hồ sơ tín dụng bằng cách làm suy yếu các chỉ số quản trị, hoạch định chính sách và tổn thương tâm lý nhà đầu tư.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Người biểu tình Israel bắt đầu chiến dịch phản đối tại Jerusalem
Người biểu tình Israel bắt đầu chiến dịch phản đối tại Jerusalem

Từ chiều 22/7 theo giờ địa phương, hàng chục nghìn người biểu tình đã đổ về thành phố Jerusalem sau nhiều ngày khởi hành từ các địa phương trên toàn quốc, nhằm tổ chức chiến dịch biểu tình quy mô lớn chưa từng có ở Israel trong vài ngày tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN