Thế giới tuần qua: Căng thẳng Mỹ-Trung phủ 'bóng đen' lên APEC 2018

Lần đầu tiên sau 25 năm, Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) không đưa ra được Tuyên bố chung là điểm đáng chú ý trong tuần vừa qua.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Port Moresby, Papua New Guinea, ngày 18/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội nghị APEC lần thứ 26 được tổ chức tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên cuối tuần trước đã không đạt được kết quả như mong đợi.

Hội nghị cấp cao lần này được xem là cơ hội để các nhà lãnh đạo kinh tế thảo luận những thách thức kinh tế cũng như cơ hội tăng trưởng cho khu vực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu khó đoán định, những thách thức của xu thế chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Tuy nhiên, những chia rẽ sâu sắc về vấn đề thương mại và đầu tư cũng như cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực Thái Bình Dương giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc lại "phủ bóng đen" lên cuộc họp cấp cao.

Tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra lời cảnh báo đầy ẩn ý nhắm đến chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump, cho rằng các quốc gia đang theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ "chắc chắn sẽ thất bại".

Đáp lại lời chỉ trích từ phía Trung Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng trong diễn đàn phát biểu: "Mỹ sẽ không chấm dứt các biện pháp thuế quan cho đến khi Trung Quốc thay đổi hành động" và đe dọa Mỹ đang chuẩn bị để "tăng hơn gấp đôi" mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông cũng lên án quốc gia châu Á này lợi dụng sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng để khiến các quốc gia rơi vào “bẫy nợ”.

Kết quả, vì bất đồng chủ yếu xoay quanh một câu trong dự thảo mà lần đầu tiên trong lịch sử APEC, các nhà lãnh đạo không thể thống nhất về một tuyên bố chung.

Theo một bài viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, việc thiếu vắng tuyên bố chung “không phải là vấn đề lớn" và cho rằng cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Argentina mới thực sự có ý nghĩa và quan trọng hơn.

Được thành lập năm 1989 với quan điểm thúc đẩy các mối quan hệ thương mại và kinh tế xung quanh Thái Bình Dương, APEC ban đầu hoạt động ở cấp bộ trưởng cho đến năm 1993 khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton thiết lập các cuộc gặp thượng đỉnh hàng năm. Mỗi kỳ họp thượng đỉnh APEC đều ra được tuyên bố chung khi bế mạc.

Cùng trong khuôn khổ APEC, Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản và Australia công khai tìm cách đối phó với sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Cụ thể, trong ngày 17/11, Mỹ, Nhật Bản và Australia đã ra một tuyên bố chung khẳng định sẽ thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển và lĩnh vực tài chính, nhằm “tránh cho các quốc gia phải gánh những khoản nợ lớn thiếu bền vững”.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Kêu gọi các thành viên APEC tham gia hoạt động WTO tích cực hơn
Kêu gọi các thành viên APEC tham gia hoạt động WTO tích cực hơn

Ngày 23/11, Papua New Guinea - nước đăng cai hội nghị cấp cao lần thứ 26 Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) bế mạc ngày 18/11 - đã ra tuyên bố kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC tham gia tích cực hơn vào công việc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN