Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan tiết lộ lý do Warsaw ủng hộ Kiev mạnh mẽ trong xung đột Nga - Ukraine

Trong khi Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết Warsaw sẽ cân nhắc chuyển giao chiến đấu cơ MiG-29, Thứ trưởng Ngoại giao nước này, ông Paweł Jabłoński, đã tiết lộ lý do Warsaw ủng hộ Kiev mạnh mẽ.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan, ông Paweł Jabłoński. Ảnh: Bộ Ngoại giao Ba Lan

Hai hôm trước khi Đức đưa ra quyết định liên quan, vào ngày 23/1, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố rằng nước ông có thể gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 cho Ukraine ngay cả khi không có sự đồng thuận của Berlin.

Giờ đây, khi Kiev liên tục kêu gọi hỗ trợ vũ khí tầm xa, vào ngày 17/2, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết nước ông cân nhắc chuyển giao chiến đấu cơ MiG-29 đang phục vụ trong lực lượng không quân cho Ukraine và nếu một liên minh hàng không rộng lớn được thành lập để cung cấp máy bay cho Kiev, Warsaw chắc chắn sẽ tham gia.

Trở lại với thời gian trước đó, đài French24 của Pháp cho biết từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (24/2/2022), 8 triệu người Ukraine đã vượt biên sang lãnh thổ Ba Lan

và phần lớn viện trợ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho Ukraine là được chuyển qua Ba Lan, nước có chung đường biên giới dài 535 km với Ukraine.

Hiện nay, viễn cảnh về việc Nga mở một một cuộc tấn công mùa xuân mới ở Ukraine đang dấy lên trong tâm trí nhiều người thì Ba Lan hành động như thể họ cũng đang chuẩn bị bước vào một cuộc chiến.

Theo Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, nếu sự ủng hộ của Ba Lan dành cho Ukraine dường như là vô hạn, thì nó xuất phát từ niềm tin sâu xa rằng nếu Nga không bị đánh bại, chính Ba Lan sẽ trở thành mục tiêu.

Những lo ngại về an ninh đã khiến Ba Lan hiện đại hóa quân đội và tăng chi tiêu quốc phòng lên tới 4% GDP trong năm nay. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số tất cả các nước thành viên NATO.

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Jabłoński cho biết: “nếu chúng tôi không hỗ trợ Ukraine ngay bây giờ, sẽ có những mục tiêu mới cho (Tổng thống Nga Vladimir) Putin”.

“Gần đây có chính trị gia Nga đã gợi ý rằng Nga nên 'phi hạt nhân hóa' thêm 6 quốc gia sau Ukraine, trong đó có cả Ba Lan. Những gì chúng tôi làm bây giờ là chúng tôi làm vì sự đoàn kết và ủng hộ các nạn nhân”, ông Jabłoński cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong một quan điểm khá tương đồng, Łukasz Jankowski, một nhà báo chính trị chuyên đưa tin về Quốc hội Ba Lan, nhấn mạnh: “ý kiến trong toàn xã hội Ba Lan là nếu Nga thành công ở Ukraine bằng cách tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, dù đối với Kherson hay Zaporizhzhia, thì sẽ có cuộc chiến tiếp theo, và một cuộc chiến khác sau đó”

Nhấn mạnh rằng “có cảm giác là sự an toàn cơ bản và nền độc lập của chúng tôi sẽ gặp nguy hiểm nếu Nga chiến thắng”, nhà báo Jankowski cho biết thêm một nỗi sợ hãi khác là quân đội Nga sẽ hợp nhất các vùng lãnh thổ giành được từ Ukraine và “tạo ra một chính phủ giống như ở Minsk”.

Sau khi Liên Xô tan rã, một hiệp ước quốc tế giữa Nga và Belarus được Tổng thống Nga khi đó, ông Boris Yeltsin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ký kết vào năm 1997 đã tạo cơ sở cho sự hình thành một nhà nước liên minh.

Mới đây nhất, vào hôm 5/1, Bộ Quốc phòng Belarus cho biết nước này và Nga đang thành lập một lực lượng quân sự chung tại Belarus nhằm “tăng cường sự bảo vệ và phòng thủ” của hai nước.

Trên thực tế, quyết định liên quan được đưa ra trong cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở St.Petersburg hồi tháng 12/2022.

Căn cứ theo quyết định này, quân nhân, vũ khí và thiết bị quân sự của các lực lượng vũ trang Nga sẽ tiếp tục được chuyển đến Belarus.

Mặc dù Tổng thống Lukashenko đã nhiều lần bác bỏ tuyên bố từ Ukraine và phương Tây rằng Belarus có thể bị kéo sâu hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine theo phe Nga, nhưng lo ngại Nga sẽ dùng Belarus làm bàn đạp tấn công Ukraine từ phía Bắc vẫn dấy lên, nhất là từ phía Kiev.

Trong diễn biến mới nhất, hãng thông tấn nhà nước Belarus là Belta đưa tin ngày 16/2, ông Lukashenko cho biết trong một cuộc họp rằng ông sẽ ra lệnh cho quân đội chiến đấu bên cạnh đồng minh Nga nếu một quốc gia khác tấn công Belarus.

Ông Lukashenko nói rõ: “Tôi sẵn sàng chiến đấu với người Nga từ lãnh thổ Belarus chỉ trong một trường hợp: Chỉ cần có một binh sĩ vào lãnh thổ Belarus để giết người dân của tôi. Nếu họ gây hấn với Belarus, phản ứng sẽ nghiêm trọng nhất và cuộc chiến sẽ mang một bản chất hoàn toàn khác”.

Trước đó, ngày 13/1, quan chức Bộ Ngoại giao Aleksey Polishchuk cho biết Belarus có thể tham gia cuộc xung đột ở Ukraine nếu Nga hoặc Belarus bị xâm chiếm.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS, ông Polishchuk nói: “Từ quan điểm pháp lý, việc chính quyền Ukraine sử dụng vũ lực quân sự hoặc lực lượng vũ trang Ukraine xâm chiếm lãnh thổ Belarus hoặc Nga là đủ cơ sở để có phản ứng tập thể”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng hai nước có đưa ra quyết định đó hay không là tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo hai bên.

Thành Nam/Báo Tin tức
Tổng thống đắc cử CH Séc nêu điều kiện giúp Ukraine chiến thắng trong xung đột với Nga
Tổng thống đắc cử CH Séc nêu điều kiện giúp Ukraine chiến thắng trong xung đột với Nga

Trò chuyện với các nhà báo ở Munich (Đức), ông Petr Pavel, người sẽ trở thành Tổng thống CH Séc vào tháng 3 tới, đánh giá cao khả năng giành chiến thắng của Ukraine trong xung đột với Nga, nhưng kèm theo ba điều kiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN