Tổng thống Liban khẳng định nỗ lực giải quyết căng thẳng với các nước vùng Vịnh

Ngày 2/11, Tổng thống Liban Michel Aoun khẳng định nước này đang nỗ lực giải quyết vấn đề gây tranh cãi với Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác.

Chú thích ảnh
Tổng thống Liban Michel Aoun. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp với Phái đoàn của Nghị viện châu Âu (EP) về quan hệ với các nước Arab (Mashreq), Tổng thống Aoun nhấn mạnh: "Chúng tôi đang làm việc ở tất cả các cấp với hy vọng tìm ra giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề tranh cãi với vùng Vịnh." 

Tổng thống Aoun cũng cho biết thêm rằng Liban đang đối diện với nhiều cuộc khủng hoảng, gồm hệ quả của cuộc nội chiến tại quốc gia láng giềng Syria, làn sóng người tị nạn tràn vào nước này bên cạnh tác động của các vụ nổ tại cảng Beirut và quyết định gần đây của các quốc gia vùng Vịnh cấm nhập khẩu hàng hóa từ Liban. Tổng thống Aoun lưu ý thêm rằng hiện Chính phủ Liban cũng đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dựa trên một kế hoạch phục hồi nhằm tái thiết nền kinh tế thông qua việc thực hiện những cải cách cần thiết.

Về phần mình, bà Isabel Santos, Trưởng Phái đoàn EP, nhấn mạnh chuyến thăm Liban của phái đoàn này nhằm theo dõi việc thực hiện các biện pháp cải cách đã được chính phủ nước này thông qua và tổ chức các cuộc thảo luận với các quan chức Liban về các vấn đề chính trị cũng như kinh tế đang diễn ra ở nước này.

Trong một diễn biến cùng ngày, theo Hãng thông tấn nhà nước Bahrain, Bộ Ngoại giao Bahrain "đã hối thúc tất cả các công dân (nước này) tại Liban rời đi ngay lập tức do tình hình căng thẳng tại đây đòi hỏi cần hết sức thận trọng." 

Cũng trong ngày 2/11, Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận thông báo đã triệu đại sứ nước này tại Liban để xem xét các phát ngôn thiếu thiện chí của Bộ trưởng Thông tin Liban George Kordahi liên quan đến cuộc nội chiến tại Yemen.  

Trước đó, căng thẳng đã bùng lên giữa Liban với 4 quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm Bahrain, UAE, Saudi Arabia và Kuwait, liên quan đến bình luận của Bộ trưởng George Kordahi chỉ trích chiến dịch quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen. Nhằm bày tỏ sự phản đối, cả 4 quốc gia đã triệu đại sứ của mình tại Liban về nước. Ngoài ra, Saudi Arabia, Bahrain và Kuwait còn yêu cầu đại diện ngoại giao của Liban tại nước họ rời đi trong vòng 48 giờ. Hôm 31/10 vừa qua, UAE cũng đã khuyến cáo công dân nước này nên nhanh chóng rời khỏi Liban. 

Về phía Liban, sau cuộc họp khẩn của chính phủ, Ngoại trưởng Abdallah Bou Habib bày tỏ hy vọng nước này sẽ sớm giải quyết được cuộc khủng hoảng với các nước vùng Vịnh và tái khẳng định cam kết về trách nhiệm của mình trước thế giới Arab. Ngày 1/11 vừa qua, Beirut đã đề nghị tiến hành các cuộc đàm phán với Saudi Arabia nhằm tháo gỡ vấn đề gây tranh cãi nói trên.

Minh Tâm (TTXVN)
Con đường chông gai của Liban
Con đường chông gai của Liban

Căng thẳng ngoại giao giữa Liban và các quốc gia Arab vùng Vịnh tiếp tục leo thang sau các phát biểu của Bộ trưởng Thông tin Liban George Kordahi liên quan đến chiến dịch quân sự của liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN