Tổng thống Putin tiết lộ chi tiết dự thảo hiệp ước về vai trò trung lập của Ukraine

Theo Tổng thống Nga, văn bản có tên Hiệp ước về Trung lập vĩnh viễn và Đảm bảo an ninh cho Ukraine đã từng được phái đoàn Ukraine ký kết hơn một năm trước.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin trình chiếu tài liệu tại một sự kiện ở St. Petersburg, ngày 17/6/2023. Ảnh: Sputnik

Theo đài RT, Moskva và Kiev đã từng đồng ý với các điều khoản chung về đảm bảo tính trung lập và an ninh của Ukraine trong các cuộc đàm phán hòa bình vào tháng 3/2022, nhưng Kiev sau đó đột ngột hủy bỏ các tài liệu mà phái đoàn của họ đã ký kết - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ngày 17/6.

Trong cuộc gặp với một nhóm các nhà lãnh đạo châu Phi ở St. Petersburg, ông Putin lần đầu tiên tiết lộ các tài liệu dự thảo đã được các phái viên Nga và Ukraine thảo luận ở Thổ Nhĩ Kỳ hơn một năm trước.

Theo Tổng thống Nga, văn bản có tên Hiệp ước về Trung lập vĩnh viễn và Đảm bảo an ninh cho Ukraine đã được phái đoàn Ukraine ký kết.

Dự thảo Hiệp ước quy định rằng Ukraine phải tôn trọng “sự trung lập vĩnh viễn” trong Hiến pháp của mình. Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc và Pháp là những bên bảo lãnh an ninh.

Phần phụ lục của dự thảo, cũng do ông Putin hé lộ, đã phác thảo các đề xuất của cả Nga và Ukraine về quy mô quân đội thường trực của Ukraine trong thời bình, cũng như trang thiết bị của lực lượng này. Moskva đề xuất giới hạn số lượng thành viên lực lượng quân sự ở mức 85.000 và số lượng thành viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia ở mức 15.000. Trong khi đó, Kiev đề xuất rằng Lực lượng Vũ trang của họ có tới 250.000 quân.

Phía Moskva đề xuất rằng Ukraine nên được phép sở hữu 342 xe tăng, 1.029 xe bọc thép, 96 bệ phóng tên lửa đa năng, 50 máy bay chiến đấu và 52 máy bay “phụ trợ”. Trong khi đó, Kiev ủng hộ việc có 800 xe tăng, 2.400 xe bọc thép, 600 bệ phóng tên lửa đa năng, 74 máy bay chiến đấu và 86 máy bay "phụ trợ".

Các bên cũng trao đổi các đề xuất về giới hạn súng cối, vũ khí chống tăng, hệ thống tên lửa phòng không của Ukraine, cùng các thiết bị khác.

Các cuộc đàm phán hòa bình đã đổ vỡ vào mùa xuân năm 2022 ngay sau khi các quan chức Ukraine cáo buộc quân đội Nga giết hại dân thường ở một số thành phố nhỏ xung quanh Kiev. Cáo buộc được đưa ra ngay sau khi binh lính Nga rút khỏi các khu vực ngoại ô thủ đô Ukraine, điều mà Điện Kremlin vào thời điểm đó mô tả là “một cử chỉ thiện chí”, trong khi Kiev coi là thất bại. Nga đã nhiều lần phủ nhận việc thực hiện các hành động tàn bạo ở Ukraine.

Phát biểu ngày 17/6, Tổng thống Nga Putin nói rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm về việc phá hoại các cuộc đàm phán. “Sau khi chúng tôi rút quân khỏi Kiev – như chúng tôi đã hứa – chính quyền Kiev đã ném [dự thảo hiệp ước] vào sọt rác lịch sử. Họ đã từ bỏ mọi thứ", ông nói.

“Đâu có gì đảm bảo rằng họ sẽ không từ bỏ các thỏa thuận trong tương lai?”, nhà lãnh đạo Nga nói thêm. “Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp như vậy, chúng tôi chưa bao giờ từ chối tiến hành đàm phán".

Hiện tại Ukraine chưa đưa ra bình luận chính thức về phát biểu trên.

Phái đoàn châu Phi, bao gồm các tổng thống Nam Phi, Senegal và Zambia, và thủ tướng Ai Cập, đã đến Moskva sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev vào ngày 16/6. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã trình bày một lộ trình gồm 9 điểm để chấm dứt chiến sự, kêu gọi cả hai bên xuống thang.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ sáng kiến hòa bình của Liên minh châu Phi, khẳng định không thể đàm phán với Nga. Ông Zelensky nhắc lại lập trường của Kiev rằng các cuộc đàm phán chỉ có thể bắt đầu sau khi Moskva trả lại Crimea, nơi đã bỏ phiếu gia nhập Nga vào năm 2014, và bốn khu vực khác, gồm Donetsk, Luhansk, Zaporizhia và Kherson. Ông cũng cho rằng, để có hòa bình, binh sĩ Nga cần phải rời khỏi toàn bộ lãnh thổ của Ukraine. 

Mặc dù bác bỏ sáng kiến của châu Phi, nhưng Tổng thống Zelensky đã mời các nhà lãnh đạo châu Phi tham gia hội nghị thượng đỉnh về hòa bình toàn cầu. Phát biểu họp báo với các nhà lãnh đạo châu Phi tại Kiev, ông Zelensky nói: "Tôi nhìn thấy triển vọng công việc của chúng tôi về những điểm cụ thể của công thức hòa bình, và chắc chắn, tôi đã mời các quốc gia châu Phi tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình mà chúng tôi đang chuẩn bị".

Hôm 17/6, ông Putin lập luận rằng việc Nga mua lại các lãnh thổ là “hoàn hảo về mặt luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc". Ông nói thêm rằng Moskva có quyền can thiệp để bảo vệ người dân Donbas.

Kiev chưa bình luận về lập luận mới nhất này, nhưng trước đó, họ và các đồng minh phương Tây cho rằng hành động của Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine là trái luật pháp quốc tế.

Ukraine đã từ bỏ tất cả các cuộc thảo luận về khả năng trung lập vào năm ngoái và kể từ đó đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Mỹ 'không đơn giản hóa' tiến trình gia nhập NATO cho Ukraine
Mỹ 'không đơn giản hóa' tiến trình gia nhập NATO cho Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 17/6 tuyên bố Washington sẽ không tiến hành “thu xếp” đặc biệt để Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN