Trào lưu mời giáo sư hàng đầu làm hướng dẫn viên du lịch ở Trung Quốc

Du khách Trung Quốc hiện nay đang ngày càng ưa chuộng việc du lịch kết hợp học hỏi thêm nhiều kiến thức mới, vì vậy họ cần một người hướng dẫn viên có kiến thức uyên bác đồng hành trong kỳ nghỉ của mình.

Chú thích ảnh
Một chuyến tham quan kết hợp học tập tại Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, tháng 1/2024. Ảnh: Sixthtone

Xu Jilin, một nhà sử học tại Đại học sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải, đã dành tuần đầu tiên của tháng 3 để thực hiện một chuyến đi kéo dài 6 ngày đến tỉnh Vân Nam. Trong hành trình này, ông đã đến thăm các địa điểm lịch sử như: Đại học Liên kết Quốc gia Tây Nam thời chiến, Tháp Triều Dương, Cầu Song Long và một ngôi chùa Nho giáo lớn.

Chuyến đi không nhằm mục đích nghiên cứu, thay vào đó, Xu Jilin làm hướng dẫn viên cho một nhóm khoảng 20 du khách. Những người này sẽ trả 9.000 nhân dân tệ (hơn 30 triệu đồng) mỗi người, để được nghe những suy nghĩ chân thật của ông về lịch sử tư tưởng Trung Quốc trong thế kỷ 20.

Ngoài việc đi du lịch, ăn tối cùng nhóm và trả lời bất kỳ câu hỏi nào mà họ đưa ra, ông Xu còn có hai bài giảng theo lịch trình, cả về cuộc sống của những người tị nạn trí thức ở Tây Nam Trung Quốc trong Thế chiến thứ hai.

Các "chuyến tham quan học tập" như thế này đã trở nên phổ biến trong giới thượng lưu Trung Quốc trong hai năm qua. Đối với giới trí thức có tiếng một thời như ông Xu, các chuyến đi vừa mang lại nguồn thu nhập vừa mang lại một kỳ nghỉ được đài thọ toàn bộ chi phí. Đối với người hâm mộ của họ, đây là cơ hội hiếm có để kết nối lại với thần tượng sau nhiều năm vắng bóng trước công chúng và thậm chí còn hỏi ý kiến ​​họ về các chủ đề mà họ quan tâm.

Các chuyến tham quan học tập có rất nhiều ngành khác nhau. Nếu đủ kinh phí, bạn có thể du lịch vùng biển Aegean với triết gia Chen Jiaying, thăm các ngôi đền ở Kyoto và Nara với chuyên gia bảo tồn Shi Zhaozhao, hoặc khám phá các nền văn minh cổ đại trên ốc đảo con đường tơ lụa ở Trung Á với nhà kinh tế học Liang Xiaomin.

Wang Keke, người quản lý chuyến du lịch Vân Nam của ông Xu cho biết, anh bắt đầu quan tâm đến  khái niệm này khi vẫn còn là sinh viên tại Đại học giao thông Hoa Đông, tỉnh Giang Tây. Sau khi thành lập một nhóm sinh viên mang tên "Hiệp hội học tập tư duy" vào năm 2015, anh liên hệ với Liu Daoyu, cựu hiệu trưởng Đại học Vũ Hán, người nổi tiếng với việc thực hiện những cải cách giáo dục triệt để vào những năm 1980 và hỏi liệu các thành viên trong nhóm của anh có thể đi du lịch đến Vũ Hán và gặp trực tiếp ông Liu không.

Sau khi được sự đồng ý một cách nhiệt tình của ông Liu, lúc đó đã 83 tuổi, Wang Keke sắp xếp một buổi gặp gỡ để cả nhóm nói chuyện với ông Liu hai giờ. Năm 2018, không lâu sau khi tốt nghiệp, Wang quyết định coi việc tổ chức các chuyến tham quan học tập là công việc toàn thời gian của mình và thành lập tổ chức Dajia Tan (nghĩa là "mọi người cùng trò chuyện").

Wang cho biết, trong vài năm đầu tiên, hoạt động kinh doanh diễn ra có phần chậm chạp. Nhưng sau năm 2023, khi các vấn đề hạn chế du lịch liên quan đến đại dịch chấm dứt, lượng đăng ký đã tăng đột biến.

Theo Xu Yan, người tổ chức và quảng bá chuyến tham quan học tập tại "Scholar Study Tours" (Chuyến tham quan cùng học giả), sự quan tâm đến các chuyến đi như thế này tăng đột biến có thể là do sự kết hợp của nhiều yếu tố.

Đầu tiên là sự hồi sinh của cơn sốt văn hóa Trung Quốc trong vài năm qua. Các bảo tàng trước đây bị bỏ quên đột nhiên trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, đồng thời mối quan tâm đến văn hóa và lịch sử Trung Quốc nói riêng và của quốc tế nói chung đang gia tăng, đặc biệt là trong tầng lớp trung lưu.

Thứ hai, những chuyến du lịch theo nhóm truyền thống ở Trung Quốc, với việc di chuyển bằng xe buýt kéo dài và chụp ảnh chiếu không đáp ứng được lợi ích trí tuệ và tinh thần của người tham gia. Mọi người muốn tìm sự mới mẻ và thú vị hơn ở các chuyến tham quan học tập.

Cuối cùng, trong những năm gần đây, những người Trung Quốc giàu có đã thay đổi thói quen tiêu dùng của họ. Thay vì sở hữu vật chất như hàng xa xỉ thì họ bắt đầu ưu tiên những thú vui phi vật thể hơn, bao gồm các chuyến tham quan học tập, biểu diễn trực tiếp và triển lãm nghệ thuật.

Xu thừa nhận trào lưu này cũng có hiệu ứng đám đông. "Không phải ở Trung Quốc bây giờ là như vậy sao? Bất cứ nơi nào có cơ hội, xu hướng mới sẽ nhanh chóng được hình thành", cô nói.

Một chuyến tham quan học tập thường được chia thành hai phần. Đầu tiên là chuyến tham quan thực tế, đòi hỏi phải sắp xếp chỗ ở và hành trình chất lượng cao. Phức tạp hơn là yếu tố nghiên cứu, đòi hỏi phải có được những người hướng dẫn phù hợp. Vì đây là ngành đặc thù và không có sự cạnh tranh với các nhóm du lịch thông thường, đôi khi không cần đến những tên tuổi lớn như nhà sử học Xu Jilin, một giảng viên đại học bình thường cũng đã đủ để thu hút sự quan tâm.

Những người tham gia sẽ phải trả một mức phí cao. Giá của một chuyến tham quan học tập thường cao hơn từ hai đến ba lần so với giá của một chuyến tham quan theo nhóm thông thường, dù cùng một điểm đến. Điều này khiến cho thị trường của các chuyến tham quan du lịch thường giới hạn ở tầng lớp trung lưu và giàu có; hầu hết đến từ tầng lớp doanh nhân, luật sư, giáo viên và người về hưu.

Chú thích ảnh
Chuyến tham quan học tập ở tỉnh Tứ Xuyên vào tháng 2/2024 do Wang Keke tổ chức. Ảnh: Sixthtone

Đối với Ding Yifan (21 tuổi) - sinh viên ngành khoa học chính trị năm 3 tại Đại học khoa học chính trị và luật Hoa Đông, cơ hội gặp gỡ và giao lưu với những người có cùng chí hướng và học giả là một phần quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của các chuyến đi như thế này. Anh cảm thấy những kiến thức được học tập ở trường vẫn là chưa đủ và các chuyến tham quan học tập là cơ hội hiếm có để học hỏi từ các học giả hàng đầu của Trung Quốc.

Chen Xie (48 tuổi), chủ sở hữu của một công ty phát triển phần mềm, coi các chuyến tham quan là một cách để thoát khỏi việc đọc sách giải trí và thực sự gặp gỡ các tác giả yêu thích của mình. Là một người hâm mộ lâu năm của giáo sư lịch sử Qin Hui tại Đại học Thanh Hoa, Chen đã đăng ký nhiều chuyến tham quan có sự tham gia của nhà sử học lỗi lạc này trong những năm gần đây, trong đó có một chuyến đi bộ đến phía đông của Vạn Lý Trường Thành.

Các hướng dẫn viên sẽ nhận được mức lương rất cao trong các chuyến đi. Theo những người trong ngành, ngay cả những học giả bình thường cũng kiếm được từ 5.000 đến 6.000 nhân dân tệ mỗi ngày (khoảng hơn 17 - 20 triệu đồng).

Tuy nhiên, nhiều hướng dẫn viên trí thức làm việc này không chỉ vì tiền. Phần lớn người có danh tiếng đã rút lui khỏi công chúng trong những năm gần đây và các chuyến tham quan mang đến cho họ cơ hội giao lưu với người hâm mộ hay những người cùng chí hướng khác trong môi trường an toàn.

Wang Keke cho biết: "Đôi khi, các học giả thậm chí còn bỏ qua các khoản phí nếu điểm đến hấp dẫn đối với họ, miễn là bạn trang trải chi phí đi lại và ăn ở cho họ. Có lúc họ thậm chí còn đề xuất hành trình. Ví dụ, Lei Yi, một nhà sử học tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc, thích đến thăm vùng Giang Nam quanh Thượng Hải vào mùa xuân. Vì vậy, chúng tôi đã thiết kế các chuyến tham quan qua các thành phố lịch sử phía đông như Dương Châu và Nam Thông dựa trên gợi ý của giáo sư". 

Nhà sử học Xu Jilin cho biết, ông đã nhận được nhiều lời mời hơn trong năm qua. Ông sẽ đồng ý thực hiện nhiều chuyến du lịch nếu lịch trình của cho phép.

Chuyến đi Vân Nam vừa qua có ý nghĩa đặc biệt với ông vì cha Xu Jilin từng là sinh viên của Đại học quốc gia Tây Nam. Ông Xu nói: "Cho dù là du khách hay người hướng dẫn, các chuyến tham quan học tập đều mang lại giá trị tinh thần cho tất cả những người tham gia".

Trần Trang/Báo Tin tức (Theo Sixthtone)
Người trẻ Trung Quốc chuộng xem mắt trên kênh phát trực tiếp
Người trẻ Trung Quốc chuộng xem mắt trên kênh phát trực tiếp

Việc xem mắt trên các kênh phát trực tiếp thu hút hàng nghìn người độc thân tham gia mỗi ngày, khi ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc sử dụng mạng xã hội để xây dựng các mối quan hệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN