Trung Quốc cấm xuất khẩu công nghệ chế biến đất hiếm vì an ninh quốc gia

Động thái bảo vệ công nghệ đất hiếm diễn ra khi châu Âu và Mỹ đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc, quốc gia chiếm gần 90% sản lượng tinh chế toàn cầu.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: Bloomberg

Hãng tin Reuters mới đây đưa tin Trung Quốc, nhà chế biến đất hiếm hàng đầu thế giới, đã cấm xuất khẩu công nghệ để chiết xuất và phân tách các vật liệu quan trọng. Đây là bước đi mới nhất của nước này nhằm bảo vệ sự thống trị của mình đối với một số kim loại chiến lược.

Đất hiếm là nhóm gồm 17 kim loại được sử dụng để chế tạo nam châm biến năng lượng thành chuyển động để sử dụng trong xe điện, tua-bin gió và thiết bị điện tử.

Trong khi các nước phương Tây đang tìm cách khởi động các hoạt động chế biến đất hiếm riêng, lệnh cấm của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ có tác động lớn nhất đối với "đất hiếm nặng", được sử dụng trong động cơ điện, thiết bị y tế và vũ khí, nơi Trung Quốc gần như độc quyền về tinh luyện.

Bộ thương mại Trung Quốc đã lấy ý kiến ​​công chúng vào tháng 12 năm ngoái về bổ sung công nghệ chế tạo một số loại nam châm vào "Danh mục công nghệ bị cấm và hạn chế xuất khẩu".

Trong danh sách, nước này cũng cấm công nghệ sản xuất canxi oxyborate đất hiếm và công nghệ sản xuất kim loại đất hiếm, bổ sung chúng vào lệnh cấm sản xuất vật liệu hợp kim đất hiếm trước đây.

Mục đích đã nêu của danh mục trên là bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích công. Trung Quốc đã thắt chặt đáng kể các quy định hướng dẫn xuất khẩu một số kim loại trong năm nay, trong cuộc chiến leo thang với phương Tây về quyền kiểm soát các khoáng sản quan trọng.

Nước này đã yêu cầu giấy phép xuất khẩu vật liệu sản xuất chip gallium và germanium vào tháng 8, sau đó là các yêu cầu tương tự đối với một số loại than chì kể từ ngày 1/12.

Don Swartz, Giám đốc điều hành của American Rare Earths, công ty đang phát triển một cơ sở chế biến và khai thác đất hiếm ở Wyoming, nhận định: “Trung Quốc được thúc đẩy để duy trì sự thống trị thị trường của mình. Bây giờ, đây là một cuộc đua".

Động thái bảo vệ công nghệ đất hiếm của nước này diễn ra khi châu Âu và Mỹ đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào đất hiếm từ Trung Quốc, quốc gia chiếm gần 90% sản lượng tinh chế toàn cầu.

Trung Quốc đã thành thạo quy trình tinh chế các khoáng sản chiến lược, điều mà tập đoàn vật liệu đất hiếm của Mỹ MP Materials và các công ty đất hiếm phương Tây khác đã phải vật lộn để triển khai do sự phức tạp về kỹ thuật và lo ngại về ô nhiễm.

Cổ phiếu của MP Materials, công ty đang dần bắt đầu tăng cường chế biến đất hiếm ở California, đã tăng hơn 10% sau động thái của Trung Quốc. Công ty đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Về phần mình, Ucore Rare Metals cho biết họ đã hoàn thành việc vận hành một cơ sở để thử nghiệm công nghệ xử lý đất hiếm, cơ sở này đang được Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ một phần.

Giám đốc điều hành Ucore Pat Ryan cho biết: “Sẽ cần có các công nghệ mới để vượt qua sự kiểm soát của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng này”. 

Hiện chưa rõ công nghệ đất hiếm của Trung Quốc thực sự được xuất khẩu ở mức độ nào. Constantine Karayannopoulos, cựu Giám đốc điều hành của Neo Performance Materials, công ty chuyên phân tách đất hiếm ở Estonia, cho biết Bắc Kinh đã không khuyến khích xuất khẩu trong nhiều năm.

Công Thuận/Báo Tin tức
Tin tức TV: 'Mỏ vàng’ từ đất hiếm và cơ hội với Việt Nam
Tin tức TV: 'Mỏ vàng’ từ đất hiếm và cơ hội với Việt Nam

Cạnh tranh toàn cầu ngày càng nóng lên về đất hiếm khi loại khoáng sản này đóng vai trò quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn và cả lĩnh vực quân sự. Với nguồn dự trữ dồi dào, đất hiếm cũng là cơ hội để Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ trở thành nền kinh tế xanh, công nghiệp công nghệ cao 4.0, nhưng điều này đặt ra yêu cầu khai thác, chế biến và sử dụng bài bản, khoa học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN