Trung Quốc cảnh báo đáp trả trước nguy cơ Mỹ siết chặt thêm các hạn chế công nghệ

Trung Quốc không muốn một cuộc chiến thương mại hay công nghệ nhưng chắc chắn sẽ đáp trả nếu Mỹ tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp hạn chế đối với lĩnh vực chip của Bắc Kinh.

Chú thích ảnh
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Xie Feng cảnh báo trước việc Mỹ áp đặt thêm các lệnh hạn chế đối với lĩnh vực chip của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen, Đại sứ Trung Quốc tại Washington Xie Feng ngày 19/7 cho biết Trung Quốc không né tránh sự cạnh tranh, nhưng cách Mỹ định nghĩa nó là không công bằng. Ông nhấn mạnh đến các lệnh cấm hiện tại của Mỹ đối với việc nhập khẩu thiết bị của Trung Quốc để sản xuất chip tiên tiến.

Đại sứ Xie đề cập đến các thông tin cho rằng Washington đang cân nhắc siết chặt cơ chế đầu tư ra nước ngoài và tiếp tục cấm xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc.

"Chính phủ Trung Quốc không thể chỉ ngồi yên nhìn. Người Trung Quốc có câu nói rằng chúng tôi sẽ không khiêu khích, nhưng chúng tôi sẽ không nao núng trước các hành động khiêu khích. Trung Quốc chắc chắn... sẽ có phản ứng. Nhưng chúng tôi không hy vọng một hình thức ăn miếng trả miếng. Chúng tôi không muốn một cuộc chiến thương mại, chiến tranh công nghệ. Chúng tôi chỉ muốn nói lời tạm biệt với Bức màn Silicon mà thôi”, Đại sứ Xie nêu rõ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hoàn thiện một sắc lệnh hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực bao gồm chất bán dẫn tiên tiến, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Một quan chức cấp cao của chính quyền tiết lộ mục tiêu hiện tại là hoàn thành các đánh giá về sắc lệnh này trước ngày Ngày Lao động 4/9.

Trước đó, Trung Quốc đã có hành động đáp trả, nhắm mục tiêu vào nhà sản xuất chip Micron Technology của Mỹ sau khi Washington áp đặt một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các linh kiện và công cụ sản xuất chip của Mỹ.

Cục An ninh mạng Trung Quốc cho biết vào tháng 5, công ty Micron đã thất bại trong quá trình đánh giá bảo mật và cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng trong nước mua sản phẩm của họ.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bà đã nói chuyện với những người đồng cấp Trung Quốc về lệnh được đề xuất, nói rằng bất kỳ hạn chế đầu tư nào cũng sẽ có mục tiêu và được định hướng rõ ràng, chỉ nhắm vào một số ít lĩnh vực mà Mỹ có mối quan tâm cụ thể về an ninh quốc gia. Nữ quan chức cấp cao cho biết lệnh sẽ được ban hành một cách minh bạch, thông qua quy trình công khai phép công chúng đóng góp ý kiến.

Trong khi đó, những người quản lý của một số công ty công nghệ lớn của Mỹ như Intel, Qualcomm, Nvidia đã bày tỏ lo ngại về các lệnh trừng phạt đối với việc mua bán chip sang Trung Quốc. Họ cảnh báo những lệnh cấm này có thể phản tác dụng và gây hại đối với các công ty trong nước.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) cho biết các nhà sản xuất chip của Mỹ cần tiếp tục tiếp cận Trung Quốc - thị trường thương mại lớn nhất thế giới về chất bán dẫn hàng hóa - bất chấp những lo ngại về kinh tế và an ninh quốc gia của Washington.

SIA lập luận những hạn chế “quá rộng, mơ hồ và đôi khi đơn phương” của các quan chức Mỹ có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, gây ra sự bất ổn đáng kể cho thị trường và khiến Trung Quốc tiếp tục gia tăng trả đũa.

Các giám đốc điều hành tại Intel, Qualcomm và Nvidia được cho là đang lên kế hoạch vận động chính quyền Tổng thống Biden kiềm chế các biện pháp tiếp theo “cho đến khi họ phối hợp với ngành và các chuyên gia để đánh giá tác động của các lệnh cấm hiện tại”.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Tác động từ việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đối với kim loại làm chip
Tác động từ việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đối với kim loại làm chip

Việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu hai kim loại quan trọng để sản xuất chất bán dẫn là lời cảnh báo đối với châu Âu và Mỹ trong cuộc chiến thương mại công nghệ đang leo thang của họ về quyền tiếp cận vi mạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN