Trung Quốc nhận định đàm phán thương mại với Mỹ khó khăn

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn ngày 5/3 cho biết các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ gặp nhiều khó khăn, song các nhóm chuyên viên từ cả hai nước vẫn đang tiếp tục nỗ lực đàm phán.

Phát biểu bên lề kỳ họp thường niên Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc, Bộ trưởng Chung Sơn nhấn mạnh các cuộc đàm phán thương mại đã đạt được đột phá trong một số lĩnh vực. Theo ông, cả Trung Quốc và Mỹ cũng như nền kinh tế toàn cầu sẽ được lợi nếu cả hai nước có thể đạt được một thỏa thuận thương mại.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 11/3/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc Quách Thụ Thanh nhận định Bắc Kinh hoàn toàn có thể đạt được thỏa thuận với Washington về việc mở cửa lĩnh vực tài chính. Ông cho biết dù hiện tại vẫn còn một số bất đồng nhỏ, song chúng không phải vấn đề lớn. Về mối quan ngại của Mỹ đối với tỷ giá đồng Nhân dân tệ, ông khẳng định Trung Quốc không hề thao túng tỷ giá đồng tiền này.

Trước đó, các nguồn thạo tin cho biết Mỹ có khả năng sẽ dỡ bỏ hầu hết hoặc tất cả các loại thuế quan áp với hàng hóa Trung Quốc vào năm ngoái như một phần của thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Theo báo Wall Street Journal, Trung Quốc đổi lại sẽ cam kết đẩy nhanh việc dỡ bỏ những giới hạn về sở hữu nước ngoài đối với các dự án xe hơi và giảm thuế đối với xe nhập khẩu xuống thấp hơn mức thuế 15% hiện nay. Đối với yêu cầu thu hẹp thâm hụt thương mại của Washington, Bắc Kinh sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ, bao gồm cả việc mua lượng khí đốt tự nhiên trị giá hàng tỷ USD của tập đoàn năng lượng Cheniere Energy.

Ngày 28/2 vừa qua, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) thông báo ngừng kế hoạch tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD trước khi công bố một thông báo vào ngày 5/3 tới. Trước đó, Tổng thống Trump cũng cho biết sẽ kéo dài thời hạn ban đầu là ngày 28/2 để đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, sau khi xem xét tiến triển đạt được trong các cuộc đàm phán gần đây giữa quan chức cấp cao hai bên tại Washington.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.

Trong cuộc gặp tại Argentina hồi tháng 11/2018, lãnh đạo hai nước đã nhất trí "đình chiến thương mại" trong 90 ngày để thương lượng một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng. Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD nếu hai nước không đạt được giải pháp cho cuộc chiến này trước ngày 1/3. Tuy nhiên, với kết quả tích cực mà đoàn đàm phán thương mại hai nước đạt được sau cuộc thương lượng mới nhất tại Washington hôm 24/2 vừa qua, Tổng thống Trump đã thông báo hoãn kế hoạch tăng thuế nói trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các vòng đàm phán tiếp theo.

Đặng Ánh (TTXVN)
Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đè nặng lên ngành sản xuất toàn cầu
Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đè nặng lên ngành sản xuất toàn cầu

Tháng 12/2018, hoạt động sản xuất dần chững lại trên toàn châu Âu và châu Á khi cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung vẫn chưa đi đến hồi kết, cùng với đó, sản lượng của không ít nền kinh tế cũng chịu tác động khi nhu cầu tiêu thụ giảm. Thực trạng này báo hiệu một triển vọng ảm đạm trong năm mới 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN