Từ Libya tới Trung Quốc, thế giới hứng chịu 8 đợt lũ lụt thảm khốc chỉ trong 11 ngày

Trận lũ lụt thảm khốc ở thành phố Derna (Libya) chỉ là trường hợp mới nhất trong chuỗi các trận mưa dữ dội tấn công nhiều nơi trên thế giới trong hai tuần qua.

Chú thích ảnh
Cảnh tàn phá sau trận lũ quét do bão Daniel tại Derna, miền Đông Libya, ngày 11/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CNCB, trong 11 ngày đầu tháng 9, có 8 trận lũ lụt kinh hoàng đã xảy ra trên bốn châu lục. Trước khi miền Đông Libya hứng cơn bão Địa Trung Hải Daniel gây ngập lụt kinh hoàng, mưa lớn cũng đã làm ngập các vùng miền Trung Hy Lạp, Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, miền Nam Brazil, miền Trung và ven biển Tây Ban Nha, miền Nam Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Tây Nam nước Mỹ.

Theo ông Andrew Hoell, nhà nghiên cứu khí tượng học tại Phòng thí nghiệm Khoa học Vật lý của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan không liên quan đến nhau và xảy ra trên khắp thế giới trong thời gian ngắn như vậy là điều bất thường.

Ông nói: “Đôi khi chúng ta trải qua một loạt các sự kiện này ở một quốc gia nào đó, ở một bán cầu nào đó hay trên toàn cầu. Nhưng có vẻ như hiện tại, trên toàn cầu, đây là thời điểm cao điểm xảy ra một số đợt lũ lụt”.

Cũng như nhiều hình thái thời tiết khắc nghiệt khác, các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu rất có thể có tác động đến lượng mưa và lũ lụt, nhưng có thể rất khó khăn nếu muốn biết chính xác mối quan hệ đó là gì.

Nhìn chung, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng ấm lên toàn cầu đang tăng cường vòng tuần hoàn nước của hành tinh. Nhiệt độ ấm hơn làm tăng lượng nước bốc hơi, có nghĩa là bầu không khí ấm hơn có thể giữ được nhiều hơi ẩm hơn. Kết quả là khi có bão, nó có thể gây ra lượng mưa dữ dội hơn và do đó gây ra lũ lụt nghiêm trọng.

Các nhà nghiên cứu đã quan sát những thay đổi đó trong thời gian thế giới ấm lên. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, kể từ năm 1901, lượng mưa toàn cầu đã tăng với tốc độ trung bình 1mm mỗi thập kỷ.

Chú thích ảnh
Ngập lụt sau mưa lớn do ảnh hưởng của bão Haikui tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 8/9. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến các đợt lũ lụt và mức độ nghiêm trọng. Ngoài ra, không dễ tìm ra dấu vết của biến đổi khí hậu khi tất cả các yếu tố này tương tác với nhau.

Ông Hoell nói: “Từ độ cao khoảng 300m, điều chắc chắn đúng là nếu nhiệt độ cao hơn, sẽ có nhiều hơi nước hơn và do đó có thể có nhiều mưa rơi hơn. Nhưng khi xem xét một sự kiện cụ thể và một loạt quá trình vật lý cụ thể có liên quan đến sự kiện đó, thì việc quy cho từng quá trình đơn lẻ trong chuỗi nhân quả đó sẽ trở nên khó khăn”.

Các kiểu thời tiết khắc nghiệt đã gây ra 8 đợt lũ lụt thảm khốc trong tháng này đều có nguồn gốc khác nhau.

Cơn bão Địa Trung Hải có tên Daniel đã gây mưa lớn ở miền Trung Hy Lạp và Libya. Bão Haikui và hoàn lưu đã tấn công đặc khu Hong Kong và miền Nam của Trung Quốc với lượng mưa kỷ lục, gây ngập úng các khu vực thành thị và nông thôn, phá hủy đường sá và gây ra hơn 100 vụ lở đất.

Chú thích ảnh
Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Karditsa, Hy Lạp, ngày 8/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, những trận mưa như trút đã gây ra lũ quét ở các vùng miền Trung và ven biển Tây Ban Nha, Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ và cách đó hàng nghìn km ở bang Rio Grande do Sul của Brazil.

Những cơn giông bão di chuyển nhanh ở miền Nam bang Nevada (Mỹ) trong tháng này đã gây ra lũ quét khắp khu vực, làm ngập Dải Las Vegas và khiến trên 70.000 người mắc kẹt tại lễ hội Burning Man ở sa mạc Black Rock.

Với một số loại sự kiện lũ lụt cực đoan nhất định, như những sự kiện liên quan đến cơn bão ở Địa Trung Hải Daniel, đơn giản là không có đủ dữ liệu để quan sát các thay đổi.

Ông Hoell nói: “Chúng tôi thực sự không có mẫu hoặc hồ sơ đủ dài để có thể phát hiện ra thay đổi, bởi vì chúng không thực sự xảy ra phổ biến như vậy”.

Trong các trường hợp khác, các yếu tố tại nơi xảy ra lũ lụt, như mặt đất ướt hay khô, hoặc địa hình cơ bản của khu vực đó, có thể có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành lũ lụt và hậu quả.

Ngoài thiệt hại về người và tài sản, lũ lụt còn làm tăng nguy cơ con người tiếp xúc với các mầm bệnh lây qua đường nước, gây ra bùng phát các căn bệnh chết người.

Ông Hoell cho rằng số lượng các đợt lũ lụt tàn khốc trong tháng này thật đáng lo ngại, nhưng ông đặc biệt lo ngại về tình hình đang diễn ra ở Libya. Ông nói: “Nếu nhìn vào thiệt hại và số lượng người chết, tình hình ở đây sẽ khiến bạn choáng váng”.

Theo Sky News, Thị trưởng thành phố Derna ở Libya cho biết, số người chết ở thành phố này có thể dao động từ 18.000 đến 20.000 sau trận lũ lụt thảm khốc. Con số ước tính này là dựa trên số quận bị lũ lụt xóa sổ trong thành phố Derna. Derna là thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận lũ lụt do cơn bão Daniel gây ra ở Libya.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Thảm họa lũ lụt tại Libya: 20.000 người có thể đã tử vong ở thành phố Derna
Thảm họa lũ lụt tại Libya: 20.000 người có thể đã tử vong ở thành phố Derna

Theo Thị trưởng thành phố Derna ở Libya, số người chết ở thành phố này có thể dao động từ 18.000 đến 20.000 sau trận lũ lụt thảm khốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN