Vì sao giá dịch vụ Internet ở Bỉ đắt nhất châu Âu?

Ông Damien Gerard, Tổng kiểm toán của Cơ quan cạnh tranh Bỉ, cho biết giá dịch vụ viễn thông ở Bỉ và đặc biệt là dịch vụ Internet cố định, thuộc hàng đắt nhất ở châu Âu.

Chú thích ảnh
Biểu tượng của nhà mạng Orange. Ảnh: latribune.fr

Giải thích về điều này, ông Kristof Van Ostaede, chuyên gia viễn thông tại Test-Achats, cho rằng nguyên nhân chính của việc này là sự thiếu cạnh tranh trên thị trường này. Chuyên gia này cho biết: “Bỉ đang thiếu một nhà mạng có tính cạnh tranh cao như Free ở Pháp. Sự có mặt của Free đã làm rung chuyển chính sách giá của các nhà khai thác khác".

Tại Bỉ, kể từ khi nhà mạng Orange tiếp quản Voo, ở miền Nam đất nước, 99% số thuê bao Internet trên thực tế là sử dụng Proximus hoặc Orange. Vì ở vùng Wallonia, số lượng nhà mạng cung cấp dịch vụ Internet cố định đã giảm từ ba xuống còn hai, nên nhà điều hành chỉ cần xem xét mức giá mà đối thủ cạnh tranh đưa ra và điều chỉnh cho phù hợp. Vấn đề đặt ra là khi xem xét mức giá không bao gồm khuyến mãi cài đặt, gói Internet - TV - di động của các nhà mạng đang có mức giá gần bằng nhau.

Mặc dù Bỉ chưa thấy một nhà mạng nào đủ sức đột phá để giảm giá trong thời gian dài, người ta vẫn hy vọng về một sự cải thiện đáng kể trong thời gian tới. Ông Jimmy Smedts, người phát ngôn của Viện Dịch vụ Bưu chính và Viễn thông Bỉ (BIPT), cho biết: “Trong những năm 2010, chúng tôi đã yêu cầu các nhà khai thác cáp mở cơ sở hạ tầng của họ để tăng tính cạnh tranh”.

Nhờ chính sách đó, một nhà mạng có thể thuê mạng Voo ở Wallonia và Telenet ở Flanders để cung cấp kết nối Internet cho khách hàng của mình. Điều này cho phép Orange nổi lên như một kẻ thách thức. Người phát ngôn của BIPT cho biết: “Ít nhất trong một thời gian, sự xuất hiện của các nhà mạng mới này đã tạo ra động lực cạnh tranh trong nước, từ năm 2016 đến năm 2022. Nhờ có chính sách này, người tiêu dùng đã được tiếp cận với nhiều loại dịch vụ rộng hơn và đa dạng hơn. Nói chung, họ nhận được nhiều hơn cho số tiền của mình". Tuy nhiên, điều này không ngăn cản những nhà mạng lớn như Proximus thường xuyên tăng giá trong giai đoạn này.

Một yếu tố khác kìm nén cuộc chiến về giá là việc các nhà mạng đã bỏ ra một khoản đầu tư lớn đối với cơ sở hạ tầng mạng và cần thời gian để thu hồi vốn. Như BIPT đã chỉ ra, Proximus đã tăng tốc đáng kể việc triển khai cáp quang kể từ năm 2020, trong khi Telenet vừa công bố hợp tác với Fluvius để phủ sóng 78% vùng Flanders vào năm 2029. Cuối cùng, Orange-Voo đang chuẩn bị hoàn thành việc hiện đại hóa mạng cáp của mình để có thể cung cấp tốc độ rất cao một gigabit mỗi giây (Gbps) trên toàn lãnh thổ của mình. Rõ ràng với những khoản đầu tư lớn trên, người tiêu dùng còn phải đợi rất lâu nữa mới hy vọng có một mức giá hợp lý.

Về ngắn hạn chắc chắn sẽ không có sự đột phá nào về giá. Mọi hy vọng của người tiêu dùng hiện nay đều hướng về một nhà mạng mới đầy tiềm năng trong tương lai. Bộ trưởng Bộ Viễn thông và Bưu điện Petra From Sutter cho biết: “Năm ngoái, liên danh Citymesh/DIGI, một nhà khai thác mạng di động mới trên thị trường Bỉ, đã mua giấy phép tần số 5G. Điều này được kỳ vọng sẽ khiến giảm giá cước. Trên thực tế, giá viễn thông ở Bỉ đang cao so với các nước láng giềng châu Âu của chúng tôi. Trong bối cảnh hiện nay, một nhà mạng mới có thể thay đổi tình hình".

Không chỉ đầu tư về mạng 5G, tham vọng của Digi còn liên quan đến Internet cố định. Nhà mạng này không phải là ẩn số. Đây là nhà mạng hoạt động tại Romania, một trong những quốc gia có giá Internet thấp nhất châu Âu. Cuối cùng, sự xuất hiện sắp tới của Telenet ở miền Nam đất nước, sau thỏa thuận song phương với Orange, có thể góp phần vào việc khơi mào cuộc chiến về giá. Đây cũng là yêu cầu của Ủy ban châu Âu để cho phép Orange tiếp quản Voo.

Nhưng những nhà mạng mới này sẽ phải có những dịch vụ hấp dẫn đủ sức thuyết phục nếu muốn giành đủ khách hàng từ tình trạng gần như độc quyền, và thúc đẩy các nhà cung cấp truyền thống xem xét lại thang giá của họ. Đặc biệt, Digi biết rằng thành công lâu dài của mình đòi hỏi một danh mục dịch vụ kết hợp cố định và di động vì các dịch vụ hội tụ chiếm hơn 50% thị trường Bỉ.

Và rõ ràng, phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục người Bỉ thay đổi nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của họ. Ông Kristof Van Ostaede phân tích: “Người tiêu dùng Bỉ tương đối ít thay đổi những thói quen cũ. Điều này cũng được quan sát thấy trong lĩnh vực năng lượng, nơi họ có xu hướng không thay đổi nhà cung cấp truyền thống của mình”. Vị chuyên gia viễn thông kết luận, có lẽ sẽ cần những mức giá đặc biệt hấp dẫn và một chiến dịch thật lớn để thuyết phục người tiêu dùng và thúc đẩy các "ông lớn" giảm giá.

Duy Tùng (PV TTXVN tại Brussels)
ChatGPT đã có thể lấy dữ liệu trực tiếp trên internet 
ChatGPT đã có thể lấy dữ liệu trực tiếp trên internet 

Nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh ChatGPT hiện nay đã có thể truy cập Internet để thu thập dữ liệu và các thông tin thời gian thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN