WHO cảnh báo số ca mắc COVID-19 đang tăng mạnh trở lại tại Đông Nam Á

Theo một báo cáo hằng tháng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố mới đây, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng gần 481% ở Đông Nam Á và 144% ở khu vực Đông Địa Trung Hải trong 1 tháng qua. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong liên quan đến COVID-19 trên toàn cầu đang giảm.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á dẫn báo cáo của WHO cho biết ở cấp khu vực, số ca mắc mới được báo cáo trong 28 ngày, từ ngày 13/3 - 9/4, đã giảm ở 4 trong số 6 khu vực: châu Phi giảm 45%, Tây Thái Bình Dương giảm 39%, châu Mỹ giảm 33% và châu Âu giảm 22%); trong khi tăng ở 2 khu vực Đông Nam Á tăng 481% và Đông Địa Trung Hải tăng 144%.

Tỷ lệ mắc bệnh tăng cao nhất được ghi nhận ở Nepal, tăng 1.198% từ 49 lên 636 ca mắc mới. Tại Ấn Độ, số ca mắc mới tăng 937% từ 6.374 lên 66.124 ca và ở Maldives tăng 614% từ 21 lên 636 ca. 

Bên cạnh đó, số ca tử vong liên quan đến COVID-19 đã tăng 109% ở Đông Nam Á và 138% ở khu vực Đông Địa Trung Hải trong giai đoạn báo cáo.

Theo báo cáo, từ ngày 13/3 - 9/4, thế giới ghi nhận thêm 3 triệu ca mắc mới và trên 23.000 ca tử vong vì COVID-19, giảm lần lượt 28% và 30% so với tháng trước. Tính đến ngày 9/4, trên 762 triệu ca mắc đã được xác nhận và trên 6,8 triệu ca tử vong liên quan đến COVID-19 đã được ghi nhận trên toàn thế giới.

Trước tình hình gia tăng số ca mắc mới COVID-19, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 13/4 khẳng định Indonesia vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh và khuyến cáo người dân nên sớm tiêm nhắc lại vaccine phòng căn bệnh này.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ông Joko Widodo cho biết mức độ gia tăng số ca mắc mới vẫn trong tầm an toàn so với các tiêu chuẩn đề ra của WHO về đại dịch. Tổng thống cũng nhấn mạnh việc tiêm nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 là biện pháp quan trọng hàng đầu để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. 

Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia đã tiếp nhận tài trợ thuốc Paxlovid kháng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 từ Mỹ và Australia với tổng số thuốc được viện trợ là 24.096 viên nén. Số thuốc này sẽ được phân phối đến các trung tâm dược phẩm và các bệnh viện, dịch vụ y tế.

Paxlovid được Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) cấp phép sử dụng. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng, Paxlovid có hiệu quả đối với các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ nhưng nguy cơ cao phát triển thành các triệu chứng nghiêm trọng. Paxlovid được khuyến cáo không sử dụng cho trẻ em.

Theo Dữ liệu về COVID-19 của Bộ Y tế Indonesia, ngày 13/4, Indonesia ghi nhận thêm 900 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca bình phục là 714 người và 14 người tử vong.

Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cũng xác nhận có 2 trường hợp nhiễm biến thể mới XBB.1.16 hay Arcturus của virus SARS-COVID-2. Cơ quan dữ liệu sáng kiến toàn cầu về chia sẻ dữ liệu dịch bệnh truyền nhiễm (GISAID) đã phát hiện 2 ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể Arcturus sau khi giải trình tự bộ gene được gửi đến từ cuối tháng 3.

Hai trường hợp đến từ thủ đô Jakarta gồm 1 nam giới 54 tuổi và 1 phụ nữ 33 tuổi đều có triệu chứng nhẹ như ho, sổ mũi, đau nhức cơ. Theo Trưởng phòng Giám sát Dịch tễ học và tiêm chủng thủ đô Jakarta, Tiến sĩ Ngabila Salama, cả hai bệnh nhân đã tiêm vaccine nhắc lại mũi thứ ba. Riêng bệnh nhân nam nhiễm Arcturus đã đến Ấn Độ từ ngày 13 - 18/3. Hiện bệnh nhân này đã bình phục. Bệnh nhân nữ đang được cách ly và tiếp tục theo dõi.

Hằng Linh - Đào Trang (TTXVN)
Những điều cần biết về biến thể phụ mới khiến COVID-19 bùng phát trở lại châu Á
Những điều cần biết về biến thể phụ mới khiến COVID-19 bùng phát trở lại châu Á

Phần lớn các ca mắc COVID-19 mới tại Ấn Độ nhiễm biến thể XBB.1.16 – một biến thể phụ mới của Omicron, được đặt tên là Arcturus.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN