Quang Hải, Filip Nguyễn ‘làm nóng’ V-League

Sau Quang Hải, đến lượt một "ngôi sao Việt ở châu Âu" khác là Filip Nguyễn cũng đã về Việt Nam để khoác áo Công an Hà Nội (CAHN). Sau trường hợp của Lee Nguyễn thì có thể nói Filip Nguyễn là cầu thủ Việt kiều có đẳng cấp cao nhất sang V-League thi đấu. Những trải nghiệm của thủ môn này ở Europa League thực sự có thể "thắp sáng" sân chơi cao nhất của bóng đá Việt.

1. Thực ra chiêu mộ một thủ môn thì cũng không phải là điều gì quá nổi bật. Hà Nội FC "thống trị" V-League suốt cả thập niên cũng không phải nhờ có một thủ môn ngôi sao. Họ thậm chí còn "kiếm được" Tấn Trường tưởng chuẩn bị treo găng, rồi sau đó sử dụng luôn anh này. Nhờ bắt tốt ở Hà Nội FC thì Bùi Tấn Trường mới quay lại được với đội tuyển quốc gia.

Chú thích ảnh
Sự xuất hiện của một cầu thủ từng thi đấu ở Europa League như Filip Nguyễn sẽ góp phần nâng tầm V-League. Ảnh: TT&VH

Nhưng với trường hợp của Filip Nguyễn, chúng ta thấy rõ tham vọng của CAHN. Họ thực sự muốn tái lập công thức thành công của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tròn 20 năm trước. Ngôi đầu bảng hiện tại đem lại cho họ một cơ hội tốt và CAHN không muốn phải nuối tiếc như FLC Thanh Hóa, Xi Măng Hải Phòng hay Bình Định.

Họ muốn mỗi vị trí đều có một cầu thủ xuất sắc. CAHN có tiềm lực tài chính mạnh thì không phải bàn, vì họ đã mua sắm ồ ạt ngay từ lúc thăng hạng. Vấn đề là họ đang sử dụng đồng tiền theo cách khôn ngoan nhất. Kiểu như thà bỏ 10 tỷ để kiếm 100 tỷ chứ không phải là 100 triệu để 1 tỷ đồng. Tỷ lệ thì như nhau nhưng giá trị sau cùng thì khác nhau một trời một vực. Hàng trăm tỷ đồng đã đổ vào Thanh Hóa, Bình Định đấy thôi, nhưng không vô địch thì chẳng có kết quả gì cả!

Hiểu theo nghĩa rộng hơn, thì chức vô địch V-League quả là rất đáng giá. Chưa nói về giá trị, chỉ xét trên các cái tên thì đội hình của CAHN dư sức chia thành 2 đội khác nhau đá thong thả trụ hạng hết mùa này sang mùa khác. Tuy nhiên, chức vô địch V-League phải khó đến mức nào thì CAHN mới mạnh tay đến như vậy.

Trong 10 bản hợp đồng "bom tấn" của mùa giải này, thì hết 6 thuộc về CAHN. Chúng ta đã nghe nói nhiều về những tồn tại của V-League, nhưng qua câu chuyện của CAHN, cũng thấy rằng giải đấu này không phải là nơi dành cho những kẻ tay mơ.

2. Nhưng cũng chính vì sự trở về của Filip Nguyễn và khả năng đầu tư của CAHN, mới thắc mắc tại sao V-League chưa thực sự có tầm nhìn riêng cho mình? Rõ ràng, ở cấp độ đội tuyển quốc gia, chúng ta có những chiến lược hẳn hoi về thứ hạng châu lục hay số lần phải vô địch AFF Cup từ nay đến tận 2030-2045, nhưng tuyệt nhiên chưa thấy ai bàn về cái gọi là tầm nhìn cho V-League cả.

Hơn 10 năm trước, khi được lấy lý kiến để giúp cho V-League phát triển, cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Henrique Calisto đã có những cái "gạch đầu dòng" đáng chú ý. Thứ nhất là phải tăng số CLB hoặc số lượng trận đấu trong mùa. Thứ hai là phải mở rộng số ngoại binh.

Ông Calisto có giải thích, đó là phương pháp tốt nhất để phát triển nền bóng đá. Đá càng nhiều trận thì cầu thủ càng giỏi, cơ hội ra sân của cầu thủ trẻ cũng nhiều. Tăng số lượng ngoại binh là để thúc đẩy tính chuyên nghiệp, tăng cạnh tranh.

Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, V-League có xu hướng đi ngược với các ý kiến đó. Vì cần "đất" cho cầu thủ trẻ mà chúng ta cố gắng hạn chế ngoại binh. Điều đó chưa chắc đã làm cầu thủ trẻ có thêm thời gian thi đấu, nhưng lại khiến cho V-League không còn sức hấp dẫn như trước.

Chú thích ảnh
Quang Hải sẽ đem tới nhiều giải pháp tấn công cho CAHN nếu như được sử dụng hợp lý. Ảnh: CAHN FC

Cũng vì V-League không có chất lượng cao nên cầu thủ giỏi như Quang Hải, Công Phượng … phải xuất ngoại để tìm đường phát triển bản thân. Việc chúng ta tìm cách xuất ngoại cầu thủ đương nhiên là điều phải làm, thậm chí cần bài bản và bền bỉ vì đây là xu hướng không thể cưỡng lại.

Nhưng rõ ràng tỷ lệ thành công cũng như số lượng cầu thủ xuất ngoại khó phát triển nhanh như mong muốn do phụ thuộc nhiều yếu tố bên ngoài. Ngược lại, chuyện nâng cấp V-League, tăng tính chuyên nghiệp cho giải đấu này lại nằm trong tầm tay, chỉ cần có chiến lược phù hợp và hiệu quả.

Đó chính là "tầm nhìn cho V-League". Nếu được chơi bóng ở giải đấu có nhiều ngoại binh tốt, thì cầu thủ Việt Nam có nhất thiết phải xuất ngoại sang đá cho một giải đấu châu Âu nào đó có chất lượng tương đương? Cũng như trong chuyện học hành, đi du học cũng tốt nếu có điều kiện, nhưng "du học tại chỗ" cũng là một hình thức không tệ.

Tại giải vô địch Thái Lan, có chi tiết đáng chú ý là đa số các ngoại binh đều đến từ Brazil. Phải chăng đây là sự tính toán của người Thái Lan nếu chúng ta nhớ đến thời gian đầu của J-League (Nhật Bản) cũng chuộng cầu thủ đến từ quốc gia Nam Mỹ này. Phải chăng vì thế mà nên các CLB tại Thai-League không đánh mất bản sắc chơi bóng nhờ có sự tương đồng về phong cách thi đấu?

3. Việc các cầu thủ Việt kiều đang kéo nhau về Việt Nam chơi bóng cho thấy tiềm lực của V-League vẫn còn tốt. Có người thành công, có người chỉ ở trình độ trung bình, nhưng tựu trung họ đều hài lòng với quyết định "trở về" của mình. Có thể họ nhận định là V-League không kém chất lượng, không làm cho họ mai một tài năng. Thực tế thì không chỉ có các cầu thủ gốc Việt, tại V-League hiện nay có rất nhiều ngoại binh đã thi đấu và sinh sống lâu dài ở Việt Nam. Có thể kể tên Đỗ Merlo, Hoàng Vũ Samson, Rimario, Hendrio … Ngoài yếu tố văn hóa, xã hội có độ mở lớn, thân thiện và dễ sống, có thể V-League là giải đấu không thua kém sự hấp dẫn đối với những người chuyên nghiệp từ HLV đến cầu thủ.

Nên xem ra, bản hợp đồng với Filip Nguyễn cùng cái "mác" từng chơi bóng ở Europa League cũng đáng để tận dụng quảng bá cho V-League. Hơn 10 năm trước, V-League đã từng là giải đấu đứng đầu Đông Nam Á, lọt vào tốp 50 giải VĐQG hàng đầu thế giới. Tất nhiên là để làm được điều đó chẳng dễ dàng gì, bởi cái giá của nó là vô cùng lớn, chưa kể các áp lực đến từ cấp quản lý như trường hợp hoãn giải đấu dài ngày chỉ để phục vụ các đội U.

Chưa kể, năng lực tài chính của nhiều CLB V-League không bền vững. Nhưng nói gì thì nói, các hợp đồng bom tấn của CAHN mùa này là một cơ hội quý để "đánh bóng" lại hình ảnh của V-League, ít nhất cũng ở khía cạnh thu hút tài năng…

Filip Nguyễn có thể giải nghệ ở CLB CAHN

CLB CAHN đã hoàn tất thủ tục chiêu mộ thủ thành Việt kiều Filip Nguyễn. Thủ thành sinh năm 1992 sẽ ký vào bản hợp đồng có thời hạn 3 năm với đội bóng ngành Công an.

Sau khi mùa giải 2022/23 kết thúc, thủ môn Filip Nguyễn đã rời CLB Slovacko của CH Czech. CLB CAHN đã có những cuộc đàm phán với Filip Nguyễn. Và sau nhiều lần thương thảo, CLB chính thức thông báo: Filip Nguyễn sẽ trở thành tân binh tiếp theo của đội bóng.

Thủ thành mang 2 dòng máu CH Czech - Việt Nam sẽ đặt bút ký vào bản hợp đồng có thời hạn 3 năm với CLB CAHN. Trong hợp đồng có kèm theo điều khoản gia hạn. Trong trường hợp Filip Nguyễn thi đấu tốt cũng như cảm thấy hài lòng với CLB, anh có thể gắn bó với đội bóng cho đến khi kết thúc sự nghiệp.

Đã từ lâu, Filip Nguyễn bày tỏ mong muốn được trở về quê hương và cống hiến cho bóng đá Việt Nam. Lời đề nghị của CLB CAHN đã đến vào đúng thời điểm để giúp nguyện vọng của Filip Nguyễn sớm trở thành hiện thực. Vì vậy quá trình thương thảo đã diễn ra nhanh chóng và sớm nhận được sự đồng thuận từ cả hai bên.

Filip Nguyễn đã trở về Việt Nam vào ngày 29/6 để ký hợp đồng. Đội bóng sẽ thuê giáo viên dạy tiếng Việt và cung cấp nơi ở cho thủ thành này cùng gia đình. Thủ môn Việt kiều sẽ được đăng ký suất cầu thủ Việt kiều ở giai đoạn 2 của V-League 2023.

Filip Nguyễn sinh năm 1992, có bố là người Việt và mẹ là người CH Czech. Anh trưởng thành từ lò đào tạo trẻ Sparta Prague. Thủ môn Việt kiều từng thi đấu ở ở vòng loại UEFA Europa Conference League 2021/2022 khi CLB Slovacko có trận đấu gặp đối thủ Lokomotiv Plovdiv. Filip Nguyễn từng được triệu tập lên đội tuyển quốc gia CH Czech nhằm chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022. Tuy nhiên anh không được sử dụng nên thủ thành sinh năm 1992 vẫn có thể khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Thethaovanhoa.vn
Báo Pháp thất vọng khi Quang Hải về Việt Nam
Báo Pháp thất vọng khi Quang Hải về Việt Nam

Việc Quang Hải trở lại V-League và khoác áo CLB Công an Hà Nội (CAHN) khiến báo chí Pháp và Đông Nam Á chú ý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN