“Dopping”... tiền thưởng

Với thành tích ấn tượng (Huy chương bạc) tại Giải vô địch U19 Đông Nam Á vừa kết thúc tại Indonesia, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) bày tỏ thiện chí muốn thưởng tiền cho đội tuyển U19 Việt Nam nhằm khích lệ tinh thần các em. Nhưng ngay lập tức, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai đã lên tiếng yêu cầu các cầu thủ của Học viện HAGL khoác áo U19 quốc gia không được nhận tiền thưởng từ VFF. Theo bầu Đức, các cầu thủ còn trẻ nên dễ nảy sinh tâm lý tự mãn, ảnh hưởng tới quá trình rèn luyện và sự nghiệp thi đấu của các em sau này.


Việc bầu Đức không cho các cầu thủ của mình nhận tiền của VFF nhận được sự đồng thuận của đông đảo người hâm mộ. Nhiều người cho rằng, các cầu thủ còn rất trẻ và nếu mang tiền thưởng ra có thể sẽ làm hư các em, như những gì lứa cầu thủ trưởng thành đã và đang phải “gánh chịu”.


Dễ nhận thấy là cầu thủ ta đã quá quen với “văn hóa” tiền thưởng. Nhưng việc thưởng tiền giống như con dao hai lưỡi, có lúc phát huy tác dụng tốt, nhưng có lúc lại dẫn đến hiệu ứng tiêu cực. Cứ nhìn vào các giải đấu quốc gia những mùa giải gần đây (V.League và hạng nhất) sẽ thấy rõ điều đó. Các ông bầu đội bóng có thể đạt được mục đích là giành thắng lợi ở những trận cầu “buộc” phải thắng. Nhưng các cầu thủ cũng sẵn sàng “đá giả” nếu như mức tiền thưởng “quá bèo”. Cầu thủ nhìn mức thưởng để đá. Thậm chí, họ còn gây áp lực với các ông chủ bằng cách buông xuôi ở nhiều trận đấu. Thế mới có chuyện, ở V.League vừa rồi, không ít trận, cầu thủ thi đấu như đi bộ trên sân, khi mà ông bầu đội bóng “quên” treo thưởng. Với chính sách treo thưởng, giờ đây, ông chủ của không ít đội bóng như ngồi trên lưng cọp. Còn nhớ, ở mùa giải 2011, ông bầu Đỗ Quang Hiển đã chi tới 2 tỷ đồng cho một trận thắng của Hà Nội T&T. Hay như Vicem Hải Phòng, đội bóng đất Cảng đã chi ra tới 10 tỷ đồng để thưởng cho việc trụ hạng thành công. Mùa giải 2012 cũng vậy, đặt mục tiêu vô địch, Hà Nội T&T được bầu Hiển treo thưởng 500 triệu đồng cho mỗi trận thắng (đúng mức trần quy định của Công ty CP Bóng đá Việt Nam), nhưng thực tế, không ít trận, bầu Hiển đã chi trên dưới 1 tỷ đồng để thưởng.


Mặt trái của việc vung tiền thưởng của các ông bầu ai cũng thấy. Các nhà quản lý bóng đá cũng rất muốn hạn chế, kiểm soát nó, nhưng để làm được việc này lại không đơn giản. Ngay cả khi đưa việc này vào quy chế, các ông bầu vẫn tìm mọi cách để lách luật. Hệ quả là người hâm mộ vẫn phải đối mặt với những trận cầu “giả”, những trận cầu kém chất lượng; nghiêm trọng hơn là bóng đá nước nhà ngày càng tụt hậu. Mức thưởng mỗi ngày một cao, không thưởng không được, đã gây nhiều biến chứng cho bóng đá Việt Nam: Nội tình các đội luôn rối ren, bạo lực sân cỏ gia tăng, đạo đức cầu thủ bị tha hóa... Giới chuyên môn nhận xét, sở dĩ V.League 2013 ở những vòng đấu cuối đã xuất hiện không ít trận cầu bất thường, mà nguyên nhân của nó xuất phát từ những khoản tiền thưởng.


Với tuyên bố của ông Chủ tịch HAGL, hy vọng chuyện thưởng tiền cho các cầu thủ sẽ được xem xét thấu đáo ở cả cấp câu lạc bộ, cũng như các đội tuyển quốc gia.


Yến Nhi

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN