Để các khoản hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn sớm đến được tay doanh nghiệp

Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2021 cả nước có 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch bệnh kéo dài khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nên rất mong chờ các chính sách hỗ trợ mới sớm đi vào cuộc sống.

Chú thích ảnh
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Phóng viên báo Tin tức đã trao đổi vấn đề này với ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình “sức khỏe” và định hướng phát triển của các doanh nghiệp khi phải trải qua 4 lần bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng?

Dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực và nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, khiến các đơn hàng bị sụt giảm, sản xuất kinh doanh khó khăn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã và đang xoay xở, vượt khó thành công để duy trì hoạt động, góp phần giữ ổn định nền kinh tế.

Dự báo năm 2021, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát ở Việt Nam và trên thế giới, sản xuất toàn cầu sẽ tăng dần trở lại. Để chuẩn bị cho giai đoạn đó, thời gian qua, các công ty đã tập trung đầu tư máy móc, nhân sự, đào tạo để sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Khi đạt được những quy chuẩn này, các doanh nghiệp Việt sẽ có thêm cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài. 

Sau dịch COVID-19 cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất thay đổi phương thức kinh doanh, bán hàng. Vì vậy thời gian tới, các công ty cũng sẽ đẩy mạnh việc sử dụng thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, đào tạo kỹ năng cho người lao động bước vào cuộc chơi mới.  

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, sản xuất, hồi phục dần sau đại dịch, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đơn vị rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn, thuê đất, tập trung nguồn lực cho phát triển, từ đó thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất lao động tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh, giảm giá thành phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, trong bối cảnh COVID-19, Chính phủ đã có hàng loạt chính sách toàn diện về tài khoá, tiền tệ, bảo hiểm… nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Dù các chính sách được đánh giá là hữu ích, nhưng nhiều doanh nghiệp phản ánh, vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế. 

Theo ông, các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp cần có những cải tiến ra sao để việc tiếp cận được hiệu quả và công bằng hơn? 

Từ đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy với các chính sách toàn diện về tài khoá, tiền tệ, bảo hiểm… để hồi phục nền kinh tế, Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020. Có thể nói đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam.

Đặc biệt, các chính sách tài khoá như: Giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số chính sách gia hạn đóng TNDN, gia hạn đóng thuế GTGT nhìn chung các doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn. Riêng gói cho vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động có nhiều rào cản về tiêu chuẩn nên các doanh nghiệp khó tiếp cận nhất.

Ví dụ, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như: Số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp… Trong khi đó, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.

Các gói hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết nhưng doanh nghiệp kỳ vọng sự hỗ trợ này phải triển khai càng nhanh càng tốt, đến tay doanh nghiệp để tạo sức bật cho doanh nghiệp vượt khó. Song song với đó, các cấp ngành phải cải tiến quy trình thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục tiếp nhận… để các khoản hỗ trợ sớm đến được tay các doanh nghiệp. Thêm vào đó, chính sách ưu đãi của Việt Nam cần xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng, đặc biệt cần giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả của chính sách…

Ngoài ra, với ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, Nhà nước cần sớm có chính sách phát triển cụ thể. Các doanh nghiệp xuất khẩu hy vọng, khi dịch bệnh được kiểm soát, đặc biệt tại châu Âu, các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hơn nữa vào thị trường này. Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ giúp cho doanh nghiệp có lợi thế hơn nữa khi xuất khẩu hàng sang thị trường này. Chúng tôi mong muốn, gói hỗ trợ lần 2 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trong đó có chính sách hoãn giãn miễn giảm các loại thuế phí sẽ được triển khai nhanh nhất có thể để "cứu" doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Chú thích ảnh
Minh Phương (thực hiện)/Báo Tin tức
Thủ tướng: Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Bắc Giang trên tinh thần '3 không'
Thủ tướng: Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Bắc Giang trên tinh thần '3 không'

Chiều 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã về Bắc Giang chủ trì cuộc họp với lãnh đạo tỉnh về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Cùng đi có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN