Ngăn chặn tình trạng tăng giá hàng hóa do tâm lý cận Tết

Theo thông lệ hàng năm, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, giá hàng hóa sẽ tăng ở từng mặt hàng, không chỉ do nhu cầu thị trường, mà còn bị đẩy giá do tâm lý phục vụ Tết. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội.

Thưa ông, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh từ quý II/2022 đến nay nhờ COVID-19 được kiểm soát.  Dưới góc độ chuyên gia kinh tế thương mại, ông có đánh giá gì về tình hình thị trường hàng tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán 2023? 

Theo thông lệ, cứ dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm sẽ tăng đáng kể. Qua theo dõi những năm trước đây, tốc độ tăng trưởng so với tiêu dùng bình thường dịp Tết tăng 30 - 35%, ngay như Tết năm 2021 - 2022, khi COVID-19 diễn ra, nhu cầu tiêu dùng cũng tăng 15 - 20%. Năm nay, COVID-19 đang được khống chế, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng mạnh.

Dự báo Tết Nguyên đán Quý Mão, bộ phận người dân dư giả về kinh tế sẽ tăng mua sắm và hoạt động du Xuân sẽ kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, tỷ lệ người có kinh tế dư giả có thể chỉ chiếm 30 - 40% trong tổng tiêu dùng của người dân; còn lại đa số là người dân có mức thu nhập trung bình và trung bình thấp, nhất là những gia đình bị mất việc làm như tầng lớp công nhân, nên việc chi tiêu cho Tết sẽ tiết kiệm, phần lớn là mua sắm đồ thiết yếu. Có thể nói, sức tiêu dùng sẽ tăng khoảng 20 - 30%.

Về quỹ hàng hóa, không lo thiếu, đặc biệt là tại các thành phố lớn có nhu cầu mua sắm cao như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, được doanh nghiệp chuẩn bị khá dồi dào với trị giá 20.000 - 30.000 tỷ đồng, đặc biệt bánh kẹo, chè, thuốc lá.

Thưa ông, nhu cầu tiêu dùng được dự báo tăng 20 - 30% trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão sẽ khiến giá cả bị đẩy tăng cao?

Giá cả hàng hóa sẽ tăng ở từng mặt hàng, không chỉ do nhu cầu thị trường, mà còn bị đẩy giá do tâm lý phục vụ Tết Nguyên đán. Hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như: Giò, chả, gà đông lạnh có nguồn cung dồi dào nên tại các siêu thị, giá cả vẫn bình ổn. 

Tuy nhiên đối với mặt hàng tươi sống như thủy, hải sản, gà, thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán, sức mua tăng từng ngày, đặc biệt từ ngày 28 -29 Tết Âm lịch nên giá cả sẽ tăng thêm khoảng 20 - 30%. Về rau, củ, quả hiện nay đã vào vụ đông, nên không sợ thiếu hàng, giá có thể tăng nhẹ, không đáng kể.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh và siêu thị, lượng hàng càng được chuẩn bị tốt, giá cả sẽ ổn định, không tăng giá “kiểu thời vụ”, chưa kể có nhiều chương trình khuyến mại mừng Xuân nên doanh số tăng mạnh. Lưu ý cần chuẩn bị hàng hóa đầy đủ trước, trong và sau Tết. Tới ngày 29 - 30 Tết Âm lịch, người lao động nhận tiền lương tiền thưởng, sức mua sẽ càng tăng. Tuy nhiên, so với các chợ truyền thống dân sinh, giá nhiều mặt hàng bán lẻ tại một số siêu thị vẫn cao hơn 25% số với một số chợ dù đã trừ thuế VAT. Đây là vấn đề khó chấp nhận.

Để giá cả không tăng sau Tết, các doanh nghiệp tiếp tục phải đảm bảo có đủ nguồn hàng, cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Chính phủ và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về các giải pháp ổn định cung - cầu, tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịp tết để tăng giá. Trường hợp nếu phát hiện tăng giá đột biến phải kiểm soát kê khai giá, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Theo ông, còn nhân tố nào khiến mặt bằng giá cả khó tăng mạnh trong dịp Tết Quý Mão?

Một trong những mặt hàng quan trọng nhất, được tiêu dùng nhiều nhất và không thể sử dụng mặt hàng khác thay thế trong mỗi dịp Tết cổ truyền là thịt lợn. Năm 2022, giá thịt lợn bình quân giảm 10,68% so với năm trước, góp phần kiểm soát được Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) ở mức 3,15%. Nếu mặt hàng này không giảm, thì CPI năm nay ít nhất cũng lên 3,51%. Trong tháng 12/2022, mặt hàng này tiếp tục giảm 1,59% so với tháng trước đó và trong những ngày đầu năm 2023, giá thịt lợn vẫn xu hướng giảm xuống còn khoảng 50.000 đồng/kg thịt hơi.

Giá thịt lợn giảm, cộng với các loại hàng hóa thiết yếu khác rất dồi dào là nhân tố rất quan trọng khiến mặt bằng giá cả Tết Quý Mão không tăng mạnh như mọi năm. Tuy nhiên, giá đầu vào chăn nuôi nói chung, nuôi lợn nói riêng năm 2022 đã tăng khá mạnh và giữ ở mức cao, với giá thịt lợn hơi 50.000 đồng/kg sẽ khiến người chăn nuôi bị thua lỗ, giỏi lắm là hòa vốn, nên sẽ lại tái diễn tình trạng “treo chuồng”, giảm đàn. Nếu việc này diễn ra phổ biến, thì ra Xuân sẽ dẫn tới thiếu nguồn cung thịt lợn, trở thành mối lo tiềm tàng trong việc kiểm soát lạm phát.

Vấn đề quan tâm đối với người tiêu dùng là làm sao mua được hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm, không phải mua phải hàng giả, hàng nhái. Ông có lời khuyên gì với người tiêu dùng?

Để hạn chế tối đa rủi ro mua phải hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng nên chọn mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích có thương hiệu bán hàng quanh năm. Tiền nào của ấy không nên quá ham hàng rẻ, hàng khuyến mại mà mua phải sản phẩm không tương ứng với chất lượng sản phẩm, nhất là đối với hàng hóa là thực phẩm.

Ở góc độ cơ quan quản lý, lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng về an toàn thực phẩm cần tăng cường các biện pháp kiểm soát hàng giả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh đầu cơ tăng giá đột biến.

Các siêu thị, chợ truyền thống cần đảm bảo an ninh chống trộm cắp, đảm bảo an toàn cháy nổ để người dân yên tâm mua sắm Tết. Nếu để cháy nổ tại bất cứ siêu thị, hay chợ truyền thống nào trong thành phố, sẽ dẫn đến nguy cơ đảo lộn cung cầu, an ninh trật tự xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 đã nằm trong tầm kiểm soát theo đúng mục tiêu đề ra. Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, "đến hẹn lại lên", dịp lễ tết nhiều mặt hàng sẽ tăng giá theo quy luật. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải cùng vào cuộc để bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra thiếu hàng sốt giá. Đó là nội dung chính Chỉ thị số 03 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. 

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có giải pháp ứng phó phù hợp; cập nhật sát tình hình cung cầu, giá cả thị trường trong nước để kịp thời tham mưu các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong thời điểm trước, trong và sau Tết; tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; qua đó tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế, công tác hoàn thuế.

Hình ảnh người dân mua sắm hàng hóa Tết tại hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Winmart trên phố Bạch Mai và Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng:

Chú thích ảnh
Giá bưởi Diễn giảm khá sâu.
Chú thích ảnh
Các siêu thị lớn có chương trình khuyến mại với rất nhiều mặt hàng để kích cầu.
Chú thích ảnh
Những khách hàng có thẻ hội viên của Winmart sẽ được mua rau WinEco và thịt Meat Deli với giá giảm tới 20%.
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Càng cận Tết, nhiều hộp bánh kẹo và đồ dùng hóa mỹ phẩm thiết yếu được hạ giá.
Chú thích ảnh
Siêu thị tràn ngập các hộp quà rất đẹp, mẫu mã đa dạng với giá từ trung bình tới đắt tiền, tùy theo loại.
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Tràn ngập táo các loại tại siêu thị

 Clip chia sẻ của nhân viên Winmart+ và người dân mua sắm Tết trong ngày 17/1/2023, tức 26 Tết Âm lịch:

 

Bài, ảnh, video: Minh Phương/Báo Tin tức (thực hiện)
Định giá hàng hóa cần có căn cứ và đảm bảo không tư lợi
Định giá hàng hóa cần có căn cứ và đảm bảo không tư lợi

Chiều ngày 11/11, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XV tiếp tục thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi). Đa số đại biểu đều đồng tình về tính cấp thiết phải điểu chỉnh các quy định về giá; đồng thời sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN