Sắc đỏ ‘chiếm lĩnh’ thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch hôm qua (6/12), sắc đỏ áp đảo trên thị trường hàng hoá nguyên liệu. Chốt ngày, chỉ số MXV-Index của cả bốn nhóm mặt hàng đều rơi điểm kéo theo chỉ số chung hạ phiên thứ 5 liên tiếp, giảm 2,19% xuống 2.099 điểm. Tuy nhiên, nhờ ưu điểm giao dịch hai chiều nên giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đạt 5.835 tỷ đồng. 

Chú thích ảnh

Đáng chú ý, giá trị giao dịch của nhóm hàng nông sản tăng mạnh đến hơn 92% so với hôm qua, chiếm khoảng 43% tổng giá trị giao dịch của toàn sở.

Giá dầu WTI lao dốc xuống dưới 70 USD/thùng

Kết thúc ngày giao dịch hôm qua, giá dầu lao xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6 do lo ngại nhu cầu yếu. Ngoài ra, nguồn cung từ Mỹ có xu hướng gia tăng làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung trên thị trường, góp phần gây sức ép lên giá.

Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 4,07%, lần đầu tiên trong hơn 5 tháng qua xuống dưới mốc 70 USD/thùng, đóng cửa ở mức giá 69,38 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại 74,30 USD/thùng, giảm 3,76% so với phiên trước.

Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo tồn kho xăng của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 1/12 tăng 5,42 triệu thùng, cao hơn nhiều so với mức tăng 1 triệu thùng theo dự báo của giới phân tích và mức tăng 2,8 triệu thùng theo báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API). Đối tác của Again Capital LLC cho biết mặc dù đây không phải là mùa xăng cao điểm nhưng nhu cầu trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn vẫn mờ nhạt. Nhu cầu xăng trong tuần trước thấp hơn 2,5% so với mức trung bình theo mùa 10 năm.

Chú thích ảnh

Nhu cầu yếu tại châu Á cũng thúc đẩy lực bán trên thị trường. Ít nhất hai khách hàng nhận nguồn cung theo hợp đồng của Saudi Arabia đang xem xét giảm lượng tiêu thụ trong tháng 1/2024. Nguyên nhân là do mức giảm giá bán chính thức (OSP) đối với dầu Arab Light của vương quốc này chỉ bằng một nửa so với mức dự báo giảm 1,05 USD/thùng theo khảo sát của Bloomberg. Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy chênh lệch giữa hợp đồng tương lai Oman so với hợp đồng hoán đổi Dubai, thước đo chính về nhu cầu dầu thô châu Á, đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 tháng, phản ánh lượng tiêu thụ giảm đối với các lô hàng giao tháng 2/2024.

Làm tăng mối lo ngại về nhu cầu, dữ liệu từ khu công nghiệp dầu Fujairah (FOIZ) cho thấy dự trữ sản phẩm dầu tại cảng Fujairah của UAE trong tuần kết thúc vào ngày 4/12 tăng 1,25 triệu thùng lên 18,66 triệu thùng. Trong đó, tồn kho sản phẩm chưng cất bậc trung tăng 541.000 thùng lên 3,19 triệu thùng. Tồn kho sản phẩm chưng cất bậc nặng tăng 1,17 triệu thùng lên 10,68 triệu thùng.

Về phía nguồn cung, dữ liệu từ các công ty theo dõi tàu biển Kpler và Vortexa cho thấy các chuyến hàng xuất khẩu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 1/12 có thể đạt kỷ lục khoảng 5,7 triệu thùng/ngày. Trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện nhằm cân bằng thị trường, nguồn cung ngoài OPEC tiếp tục tăng là lực cản lớn đối với giá dầu.

Giá đậu tương và ngô đồng loạt giảm

Giá đậu tương sụt giảm phiên thứ 5 liên tiếp và đóng cửa sát vùng tâm lý 1300. Những thông tin liên quan đến Brazil tiếp tục là yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường ngày hôm qua. 

Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) cho biết Brazil sẽ xuất khẩu khối lượng đậu tương kỷ lục trong năm 2023 trong tháng 12. Cụ thể, cơ quan này ước tính các lô hàng đậu tương trong năm nay sẽ đạt 101,1 triệu tấn, tăng vọt so với mức 77,8 triệu tấn của năm ngoái. Tính riêng trong tháng 12, ANEC dự báo Brazil sẽ xuất khẩu 3,58 triệu tấn đậu tương, tăng hơn gấp đôi so với mức 1,52 triệu tấn cùng kỳ năm trước.  

Giá khô đậu đã quay đầu giảm hơn 2% vào hôm qua, xóa đi hoàn toàn mức tăng trong phiên trước đó. Theo dữ liệu từ ANEC, Brazil dự kiến sẽ xuất khẩu 2,04 triệu tấn khô đậu tương trong tháng này, vượt xa mức 1,35 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung từ Brazil dự kiến sẽ phần nào bù đắp sự thiếu hụt hiện tại ở Argentina.  

Chú thích ảnh

Giá ngô bất ngờ lao dốc với mức giảm 1,27%, qua đó chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp. Giá chịu sức ép chốt lời ở vùng tâm lý 500. Ngoài ra, diễn biến suy yếu của giá dầu thô trong phiên hôm qua cũng phần nào tác động đến mặt hàng này. 

Trong bối cảnh thị trường còn chờ đợi thêm các số liệu dự báo về triển vọng sản lượng các loại cây trồng ở Brazil trong báo cáo CONAB vào tối nay, thông tin trên đã góp phần gây áp lực đến thị trường ngô trong phiên vừa rồi. 

Trong khi đó, giá lúa mì rung lắc mạnh trong phiên hôm qua và kết thúc phiên với mức hồi phục nhẹ, chỉ 0,36%. Đà tăng của giá đã phần nào bị hạn chế bởi lực bán chốt lời của thị trường. Việc tiếp tục xuất hiện các đơn hàng lúa mì mới từ Mỹ là động lực chính hỗ trợ tới giá trong phiên.  

Trên thị trường nội địa, ghi nhận ngày hôm qua (6/12), giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam đi ngang. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân ở mức 14.100 - 14.200 đồng/kg đối với kỳ hạn giao tháng cuối năm. Đối với kỳ hạn giao quý I năm sau, giá khô đậu tương vẫn dao động quanh mức 13.300 - 13.600 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 150 đồng so với cảng Cái Lân.

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)
Giá dầu thế giới thấp nhất kể từ tháng 6/2023
Giá dầu thế giới thấp nhất kể từ tháng 6/2023

Giá dầu giảm gần 4% trong phiên giao dịch 6/12 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023, do lo ngại về nhu cầu nhiên liệu toàn cầu gia tăng sau khi dữ liệu của Mỹ cho thấy mức tồn kho xăng tăng lớn hơn dự kiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN