Sắc xanh áp đảo trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy sắc xanh áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu trong ngày giao dịch 6/2. Chốt ngày, chỉ số MXV-Index toàn bộ 4 nhóm hàng đều tăng, kéo chỉ số MXV-Index cao hơn 0,45% lên 2.111 điểm, kết thúc chuỗi giảm 4 ngày liên tiếp trước đó. Giá trị giao dịch toàn Sở ở mức 3.748 tỷ đồng. 

Chú thích ảnh

Giá kim loại phục hồi 

Theo MXV, kết thúc ngày giao dịch 6/2, sắc xanh quay trở lại thị trường kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc chốt phiên tại mức 22,47 USD/ounce sau khi tăng 0,25%, đứt chuỗi giảm hai phiên liên tiếp. Giá bạch kim duy trì đà tăng sang phiên thứ hai, đóng cửa tại mức 911 USD/ounce nhờ tăng 0,83%. Đồng USD suy yếu đã hỗ trợ dòng tiền quay trở lại thị trường kim loại quý.  

Chú thích ảnh

Sau khi tăng lên mức cao nhất trong gần 3 tháng trong phiên trước đó, chỉ số Dollar Index, thước đo đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã quay đầu giảm 0,23% trong phiên hôm qua do các đồng tiền khác mạnh lên. Đồng euro nhận được lực mua tích cực sau khi số liệu cho thấy đơn đặt hàng công nghiệp tăng vọt tại Đức, đầu tàu kinh tế của khu vực châu Âu. Cụ thể, số đơn đặt hàng tháng 12/2023 của Đức tăng 8,9% so với tháng trước, trái ngược với dự báo giảm 0,1% của thị trường và là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2020.

Ngoài ra, đồng bảng Anh cũng tăng sau khi Văn phòng Thống kê Quốc gia cho biết tỷ lệ thất nghiệp của Anh vào cuối năm ngoái thấp hơn nhiều so với số liệu sơ bộ. Cụ thể, văn phòng cho biết tỷ lệ thất nghiệp của Anh là 3,9% trong ba tháng tính đến tháng 11, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với số liệu sơ bộ.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh xung đột địa chính trị tiềm ẩn nguy cơ leo thang, nhà đầu tư phân bổ dòng tiền sang nắm giữ kim loại quý với tính trú ẩn an toàn, hỗ trợ cho giá. Mỹ vẫn tiếp tục chiến dịch chống lại lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tăng 0,25% lên 3,78 USD/pound, chấm dứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp. Thị trường đồng đón nhận lực mua tích cực hơn nhờ sự suy yếu của đồng USD và tâm lý thị trường được cải thiện. Tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, các nhà chức trách đang tăng cường hỗ trợ lĩnh vực bất động sản và thị trường chứng khoán đang suy yếu. Nhờ đó, vào hôm qua, cổ phiếu Trung Quốc đạt mức tăng trong một ngày lớn nhất trong vòng hai năm qua.
Ngoài ra, giá kẽm LME cũng phục hồi trong sắc xanh, tăng 0,52% lên 2.432,5 USD/tấn do rủi ro nguồn cung thu hẹp. Theo Reuters, việc bắt đầu sản xuất tinh quặng kẽm tại mỏ Ozernoye mới của Nga sẽ bị trì hoãn cho đến ít nhất là quý III/2024. Mỏ này ban đầu dự kiến bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2023 và được dự báo là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng sản lượng kẽm toàn cầu trong năm nay.

Giá cà phê Robusta đảo chiều tăng trở lại

Khép lại phiên giao dịch 6/2, giá Arabica giảm 0,69%, ghi nhận phiên thứ ba liên tiếp trong sắc đỏ. Tồn kho tăng mạnh phần nào giảm bớt lo ngại về khả năng đáp ứng cà phê cho thị trường. Trong báo cáo kết phiên 5/2, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tăng thêm 14.565 bao loại 60kg, đưa tổng số cà phê qua chứng nhận lên 281.455 bao. 

Chú thích ảnh

Sau 4 phiên giảm liên tiếp, giá Robusta hợp đồng tháng 5 quay đầu tăng 0,91% trong phiên hôm qua. Xung đột chính trị có tín hiệu căng thẳng trở lại, khiến thị trường chưa dứt khỏi lo ngại về nguồn cung. Theo đó, Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện chiến dịch chống lại hai máy bay không người lái trên biển của Houthi ở Yemen. Đồng thời, các cuộc tấn công từ những bên khác cũng vân thực hiện, gây ảnh hưởng lên hoạt động thương mại trên tuyến đường huyết mạch Á- Âu. 

Bên cạnh đó, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU tiếp tục giảm còn 27.250 tấn, mức thấp kỷ lục mới. Điều này góp phần làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung cục bộ, từ đó hỗ trợ giá tăng trở lại. 
Giá đường 11 biến động trong phiên hôm qua, đóng cửa giá chỉ tăng nhẹ 0,13% so với tham chiếu. Rủi ro thiếu hụt nguồn cung đường có thể kéo dài sang niên vụ 2024/25 đã tạo hỗ trợ tốt cho giá.  Nhà phân tích Green Pool dự báo sản lượng đường toàn cầu vụ 2024/25 sẽ thâm hụt 788.000 tấn. Điều này đồng nghĩa nguồn cung vẫn thắt chặt và giá có thể sẽ ở mức cao. 

Giá bông tăng 0,57%, chủ yếu nhờ hỗ trợ từ sự suy yếu của đồng USD vào phiên tối. Theo đó, chỉ số Dollar Index giảm 0,23%, đồng nghĩa đồng USD yếu đi và giá bông Mỹ bớt đắt đỏ với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Giá rẻ hơn thúc đẩy lực mua trên thị trường. Điều này cũng phần nào củng cố niềm tin nhu cầu về bông đang trở lại. 

Tình hình nguồn cung kém khả quan tại Malaysia tiếp tục hỗ trợ giá dầu cọ thô tăng 1,08%. Trước đó, tồn kho dầu cọ tính đến cuối tháng 1 của nước này ước tính đạt 2,14 triệu tấn, giảm 6,62% do sản lượng thấp hơn 11,83% so với tháng 12/2023. Hơn nữa, sản lượng dầu cọ của Malaysia được dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm trong hai tháng tới, khiến nguồn cung thắt chặt hơn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Thị trường vốn toàn cầu chuyển hướng dòng tiền tới điểm đến mới
Thị trường vốn toàn cầu chuyển hướng dòng tiền tới điểm đến mới

Thị trường toàn cầu đang xảy ra sự thay đổi lớn, cùng với việc các nhà đầu tư rút khỏi thị trường Trung Quốc, hầu hết vốn đang chảy sang Ấn Độ, quốc gia Nam Á này được coi là điểm đến đầu tư chủ yếu trong 10 năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN