VND vẫn ghi nhận tăng giá so với các đồng tiền khác trong khu vực

"VND vẫn ghi nhận tăng giá so với các đồng tiền khác trong khu vực" là nhận định của nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI tại Báo cáo Chiến lược tháng 9 mới phát hành.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Báo cáo này chỉ ra rằng, tỷ giá chịu áp lực từ đồng USD. Tỷ giá VND/USD bật tăng trong tháng 8, khi tăng tới 1,7% trong bối cảnh đồng USD ghi nhận tăng 1,6%. Tuy nhiên, VND vẫn ghi nhận tăng giá so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Theo báo cáo này, biến động của VND nghiêng nhiều về yếu tố mùa vụ và việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá trong quý III.

"Tác động của chính sách tiền tệ nới lỏng đến VND khá hạn chế và vị thế của Ngân hàng Nhà nước tương đối khác so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Nhờ lượng dự trữ ngoại hối đã được bổ sung trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, cũng như nguồn cung ngoại tệ tích cực từ lượng FDI giải ngân 8 tháng hay cán cân thương mại ước tính đạt thặng dư kỷ lực ở mức 20,6 tỷ USD", báo cáo này cho hay. 

Để ổn định tỷ giá, theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu để hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại hối.

Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDIRECT đánh giá, bước đi này của Ngân hàng Nhà nước không phải nhằm thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại, mà chỉ là một giải pháp tình thế, tạm thời trong ngắn hạn nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa để góp phần hạn chế đầu cơ tỷ giá.

Động thái này cũng nhằm trung hòa việc Kho bạc Nhà nước mua vào ngoại tệ và bơm thanh khoản tiền đồng ra thị trường trước đó. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn tiếp tục các giải pháp nhằm duy trì thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế.

Trước đó, sau cuộc họp kéo dài hai ngày 20 - 21/9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách trong khoảng 5,25 - 5,5%, trong khi các dự báo cập nhật cho thấy 12/19 nhà hoạch định chính sách của cơ quan này ủng hộ một đợt tăng lãi suất nữa vào năm 2023 để đảm bảo lạm phát tiếp tục giảm tốc.

Ngân hàng trung ương Mỹ cũng dự báo chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng ít hơn trong năm 2024, nhờ vào sự mạnh mẽ của nền kinh tế và thị trường lao động.

Ngay sau quyết định này của Fed, giới giao dịch đã hạ các dự đoán về mức giảm lãi suất trong năm sau. Đồng USD thu hẹp đà giảm và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên sau quyết định này.

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 16 đồng. 

Trong ngày giao dịch cuối tuần (22/9), tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.060 VND/USD.

Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 25.254 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.846 VND/USD.

Cùng lúc, giá đồng USD được niêm yết ở mức 24.100 - 24.470 VND/USD (mua vào - bán ra). Tuần qua, giá đồng USD tại ngân hàng tăng 40 đồng ở chiều mua vào và bán ra.  

Tại BIDV, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức  24.130 - 24.430 VND/USD (mua vào - bán ra). Cả tuần, đồng bạc xanh tăng 20 đồng ở chiều mua vào và bán ra.

Diệp Anh  (TTXVN)
Nguyên nhân kích hoạt đà bán tháo cổ phiếu
Nguyên nhân kích hoạt đà bán tháo cổ phiếu

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch đầy “sóng gió” vì chịu tác động của nhiều thông tin tiêu cực. Chỉ số giảm sâu, thanh khoản sụt giảm và khối ngoại bán ròng mạnh trong tuần qua. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III đang đến gần với kỳ vọng cải thiện tích cực hơn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong những tuần giao dịch tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN