‘Xanh hóa’ thương mại điện tử để phát triển kinh tế bền vững

Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển nhanh chóng với mức tăng trường trung bình 25% mỗi năm tiến tới 2025, điều này đã đặt ra nhiều thách thức đối với môi trường, đặc biệt là loại hình bán lẻ trực tuyến. Chính vì vậy, cần có giải pháp đẩy mạnh, tối ưu hóa hoạt động logistics, kinh tế tuần hoàn, chiến lược phát triển bưu chính xanh, góp phần phát triển thương mại điện tử bền vững.

Chú thích ảnh
Một nhà bán hàng đang livestream bán hàng trên sàn TMĐT. 

Tăng trưởng hơn 2 con số nhưng chưa bền vững

Theo nghiên cứu từ công ty phân tích dữ liệu YouNet ECI, doanh thu quý 1/2024 của các sàn TMĐT tại Việt Nam, bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop đạt hơn 79,12 nghìn tỷ đồng, tương đương 768,44 triệu đơn vị sản phẩm của hơn 510.000 nhà bán hàng online được bán ra.

Theo YouNet ECI, con số trên là doanh thu thực từ 4 sàn TMĐT, không tính trường hợp số ảo, sản phẩm quà tặng, nhà bán hàng quốc tế. Do đó, so với quý trước, doanh thu của quý 1/2024 có giảm hơn 16%. Riêng trong tháng 3, doanh thu tăng đến 39% so với tháng 2 và đạt 30,938 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Shopee đứng đầu thị phần bán hàng trên thị trường TMĐT. Nguồn YouNet ECI

Đáng chú ý, Shopee chiếm 67,9% thị phần giao dịch TMĐT, tiếp đến là Tiktok Shop với 23,2%, Lazada 7,6% và cuối cùng là Tiki với 1,3%. Tuy nhiên, xét về giá trị giao dịch, mặc dù Tiki chiếm thị phần thấp nhất nhưng doanh số bán hàng lại cao nhất với 997,06 tỷ đồng, tiếp đến Shopee là 53,74 nghìn tỷ đồng, Tiktok Shop là 18,36 nghìn tỷ đồng và cuối cùng là Lazada với 6,03 nghìn tỷ đồng.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công thương) đánh giá, từ những có số trên cho thấy, TMĐT ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng khích lệ trong thời gian qua và luôn luôn phát triển ở hai con số. Chỉ tính riêng năm 2023, quy mô tăng trưởng TMĐT tại Việt Nam đã đạt 20,5 tỷ đô la Mỹ, tức là chiếm tỷ lệ tăng trưởng đến 25% so với năm 2022 và đưa Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới. Điều đấy cho thấy, TMĐT và kinh tế số đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, theo bà Lê Hoàng Oanh, mặc dù TMĐT phát triển tích cực nhưng chưa bền vững, chưa “xanh hóa”. Ví dụ, việc đóng gói bao bì (hộp carton, bao bì nilon, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần), giao hàng (liên quan đến xe cộ chạy trên đường thải lượng lớn khí carbon) và khâu đóng gói đã tác động đến môi trường rất lớn.

Chú thích ảnh
Doanh thu thị trường TMĐT trong quý 1/2024. Nguồn YouNet ECI

Thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, dao động từ 10% - 20%. Trong chi phí logistics, vận chuyển có tỷ lệ cao nhất khoảng từ 60% - 80%. Do đó, việc tối ưu hóa chi phí vận chuyển không những giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí mà còn đóng góp đáng kể vào việc giảm lượng phát thải từ hoạt động vận chuyển.

Nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Company (công ty tư vấn toàn cầu giúp những nhà tạo thay đổi tham vọng nhất trên thế giới định hướng tương lai) cũng chỉ rõ, việc tối ưu hóa hoạt động vận chuyển, logistics trong TMĐT giúp giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện giao nhận, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện để đóng gói hàng hóa… sẽ góp phần cắt giảm được 30 - 40% lượng khí phát thải trong lĩnh vực này.

Để TMĐT phát triển thân thiện hơn với môi trường, bà Lê Hoàng Oanh cho rằng, các bên liên quan bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần phối hợp chặt chẽ và triển khai các hoạt động phù hợp. Đặc biệt, nên chuyển đổi xanh từ khâu vận chuyển.

Chú thích ảnh
Viettel Post không chỉ hỗ trợ logistics mà còn hỗ trợ bán hàng cho bà con nông dân trên sàn TMĐT.

Hiện nay, một số doanh nghiệp TMĐT và bưu chính, chuyển phát đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường, điển hình như Lazada, Grab, Xanh SM hay Bưu điện Việt Nam… đều đưa xe máy điện vào hoạt động vận chuyển.

Không chỉ giới hạn trong nội bộ doanh nghiệp, một số doanh nghiệp này còn có những sáng kiến thu hút sự tham gia của đối tác kinh doanh và người tiêu dùng, góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan như các sáng kiến LazEarth, hay Cẩm nang “Đóng gói hàng hóa hiệu quả, thân thiện với môi trường” dành cho người bán hàng trên sàn TMĐT. Qua đó, tiết giảm số lượng thùng carton, chuyển sang dùng 100% bao bì tái chế hay giảm rác thải nhựa; khuyến khích khách hàng chờ giao hàng chậm thay vì đẩy mạnh quảng bá hình thức giao hàng ngay.

Tận dụng TMĐT đưa hàng nông sản đến tay người tiêu dùng

Bên cạnh việc “xanh hóa” khâu logistics, đóng gói thì việc đẩy mạnh đưa hàng nông sản, hàng OCOP lên sàn TMĐT cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) quan tâm.

Chú thích ảnh
Tận dụng sàn TMĐT để đẩy mạnh bán hàng Việt.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, với xu hướng chuyển đổi số trong kinh doanh ngày càng phát triển mạnh mẽ thì việc tận dụng TMĐT để đưa hàng hàng Việt, trọng tâm là hàng nông sản, hàng OCOP đến tận tay người tiêu dùng cũng được thúc đẩy trong thời gian tới. Bởi thông qua sàn TMĐT, bà con nông dân sẽ giảm đi chi phí thương lái trung gian và khâu vận chuyển, theo đó giá thành sản phẩm sẽ giảm đi nhiều, đồng thời hàng Việt cũng được quảng bá mạnh mẽ hơn.

Có thể thấy, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, nếu không nhờ các sàn TMĐT như Lazada, Shopee, Sendo, Vasco… góp sức chuyển đổi số cho bà con nông dân thì hàng nông sản sẽ không thể bán được. Nhờ bước đi đầu tiên này, hiện nay bà con nông dân đã dần hình thành xây dựng được kênh bán hàng online trên các sàn TMĐT, giúp người tiêu dùng có thể mua được hàng tận vườn mà không qua một đại lý trung gian nào.

Chú thích ảnh
Trong khuôn khổ TikTok Shop Summit 2024 được tổ chức ngày 11/4, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số (giữa) và ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp chia sẻ thông tin làm thế nào để ngành TMĐT phát triển bền vững. 

“Tuy nhiên, để có thể lan tỏa hàng Việt, hàng nông sản, hàng OCOP trên sàn TMĐT một cách lâu dài và bền vững, vẫn cần có chiến dịch quảng bá. Trong năm 2024, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng Báo Nhân Dân, Truyền hình Quốc hội và TikTok Shop triển khai sáng kiến "Tự hào hàng Việt", chiến dịch Chợ Phiên OCOP… Đặc biệt, các nhà sáng tạo nội dung trong mảng video ngắn, LIVE và TikTok Shop được tạo điều kiện đến tận nơi trải nghiệm, tham quan nhà xưởng sản xuất, từ đó thực hiện các video hỗ trợ truyền thông, quảng bá sản phẩm và trực tiếp tham gia livestream bán hàng”, ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, năm 2023, Bộ NN&PTNN cũng đã cùng phối hợp với TikTok Shop thực hiện chương trình Chợ Phiên OCOP, Online Friday. Ngoài ra, sàn TMĐT cũng chủ động phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức bán hàng livestream tại chợ di sản Bến Thành, chợ Thủ Đức... nhằm tích cực thúc đẩy kinh tế, du lịch, xã hội phát triển. Nhờ các buổi livestream, các nhà bán hàng có thể kể đến câu chuyện về sản phẩm, cách tạo ra sản phẩm, đem lại sự kết nối với người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng hiểu hơn về hàng nông sản chất lượng cao, góp phần “xanh hóa” cho TMĐT.

Chú thích ảnh
Nhà báo Lê Quang Minh -Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc Hội Việt Nam, Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh  - Vụ trưởng, Trưởng ban Nhân dân Điện tử, Báo Nhân Dân và ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam cùng ký kết hợp tác thực hiện chương trình Tự hào hàng Việt. Chương trình sẽ được livestream vào thứ 7 hàng tuần trên TikTok Shop.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, với sự ủng hộ của các đối tác doanh nghiệp, cộng đồng nhà sáng tạo nội dung cũng như người dùng, TikTok Shop đã có hai năm đầu tiên đầy khởi sắc tại thị trường Việt Nam. Đây được xem là “bàn đạp” quan trọng để sàn TMĐT không ngừng cải tiến và hoàn thiện nhằm trở thành một giải pháp toàn diện, phục vụ đa nhu cầu của doanh nghiệp lẫn người dùng trên con đường phát triển bền vững, từ đó tăng trưởng doanh thu cho các sản phẩm và nhà bán trong nước, góp phần tích cực phát triển kinh tế địa phương và cả nước; đồng thời gia tăng lựa chọn, trải nghiệm mua sắm chất lượng cho người tiêu dùng, nêu cao tinh thần người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Để thương mại điện tử trở thành 'sân chơi' cho hợp tác xã
Để thương mại điện tử trở thành 'sân chơi' cho hợp tác xã

Bắt nhịp xu hướng mua sắm mới, nhiều hợp tác xã cũng đã manh nha chuyển đổi số theo nhiều hướng như đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, trực tiếp livetream bán hàng… với mục đích đưa sản phẩm của hợp tác xã tới tay người tiêu dùng nhanh nhất. Thế nhưng, bên cạnh những mô hình thành công vẫn còn khá nhiều bất cập khiến quá trình hướng thương mại điện tử trở thành sân chơi cho hợp tác xã trong việc tiếp cận khách hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm còn nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN