Bên lề Quốc hội: Đề nghị nâng chế tài xử lý sau vụ 'thỉnh vong' tại chùa Ba Vàng

Những vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trước đây ít được chú ý tới, nhưng sau sự việc chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) đã lộ ra, chế tài xử lý còn chưa đủ sức răn đe.

Đó là ý kiến của đại biểu Đỗ Thị Lan, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sáng 6/6.

Chú thích ảnh
Đại biểu Đỗ Thị Lan trao đổi bên hành lang Quốc hội.

Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, sau khi có thông tin phản ánh của báo chí về tình trạng mê tín dị đoan, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận thấy, tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc, trong đó giao cho UBND TP Uông Bí và Sở Nội vụ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các sở ngành có liên quan vào làm việc ngay với trụ trì chùa Ba Vàng để làm rõ chùa đã thực hiện quy định của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam như thế nào, thực hiện Luật Tín ngưỡng tôn giáo, đăng kí nội dung hoạt động với chính quyền ra sao. Công an vào cuộc kiểm tra, xử lý với những vi phạm pháp luật nếu có. Các cơ quan ban ngành của tỉnh cũng đã yêu cầu dừng ngay những trang mạng của chùa Ba Vàng, tránh phát tán, vận động tuyên truyền không đúng giáo lý nhà Phật.

“Sai phạm chính ở đây là của bà Yến. Còn việc bà Yến có liên quan đến chùa hay không thì sư trụ trì phải chịu trách nhiệm với TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh. Mức xử phạt 5 triệu là mức cao nhất có thể xử với bà Yến. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nói trên hội trường là xem xét để tới đây có mức xử phạt cao hơn”, bà Đỗ Thị Lan cho hay.

Cũng theo đại biểu, chế tài quy định hiện nay chưa đủ mạnh. Lĩnh vực tâm linh trước đây chưa được quan tâm xử lý vi phạm thường xuyên thì sau vụ việc chùa Ba Vàng, tỉnh có xem xét xử lý nghiêm  thì mới thấy cần phải nâng chế tài cao hơn.

Bên cạnh đó, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định không có chuyện “BOT chùa” tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh. Bà giải thích: Chùa đã được công nhận là khu tích lịch sử cấp tỉnh. Chùa có sự xã hội hóa vận động xây dựng chùa, đáp ứng nguyện vọng tín ngưỡng của nhân dân, không có chuyện mang tiền đi đóng góp để thu lại lợi nhuận từ khu chùa đó.

Video đại biểu Đỗ Thị Lan đề xuất quản lý hoạt động tâm linh, tôn giáo:

Đồng quan điểm, đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đề nghị, chế tài không phù hợp với sự phát triển của tín ngưỡng, tôn giáo thì cần sửa đổi. Nếu có chế tài mạnh thì những đối tượng như bà Phạm Thị Yến sẽ không dám lợi dụng niềm tin của người dân để trục lợi như vậy.

“Tôi hi vọng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu để Chính phủ sửa đổi những nghị định quy định xử phạt trong lĩnh vực văn hóa, tôn giáo ở mức cao hơn”, đại biểu Hồ Thị Minh nêu ý kiến.

Đại biểu Hồ Thị Minh cũng lo ngại, nếu Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch không quản lý tốt thì sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng như chùa Ba Vàng. Người sống kiếp này nhưng bị phán kiếp trước, kiếp sau, lấy vong linh người đã khuất ra giảng... Đó là điều đáng lo ngại.

Đại biểu Dương Minh Tuấn, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần phải rà soát các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi để có giải pháp điều chỉnh kịp thời, có tham mưu cho Chính phủ làm tốt hơn trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Đại biểu Dương Minh Tuấn trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

“Bộ phải rà soát kĩ hơn các chùa, những nơi đặt quá nhiều hòm công đức. Bộ trưởng cần đi thực tế nhiều hơn để nắm bắt kịp thời”, đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị.

Trước đó, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chiều 5/6,  đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, việc xử phạt vi phạm tại chùa Ba Vàng 5 triệu đồng là quá nhẹ so với mức độ vi phạm. Sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn cho biết, mức phạt đó theo quy định của Nghị định 158/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, và quảng cáo là mức phạt cao nhất.

“Chúng ta phải tăng nặng xử phạt của quản lý nhà nước, nhưng đồng thời quan trọng hơn, chúng ta phải lên án, phê phán những hành vi phản văn hóa, phi đạo đức. Vừa kết hợp xử phạt, vừa kết hợp dư luận xã hội sẽ tốt hơn”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Sáng 6/6, tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, hành vi của bà Phạm Thị Yến là vi phạm hình sự, chứ không chỉ là vi phạm hành chính.

“Đây rõ ràng là hành vi vi phạm hình sự với hai lẽ: một là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thứ hai là truyền bá mê tín dị đoan, cái này rất rõ nhưng chúng ta không ngăn chặn kịp thời, có trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp ở địa phương, Trung ương và đặc biệt là vai trò quản lý ngành của Bộ trưởng”, đại biểu Thái Trường Giang giải thích và đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, từ hôm qua đến hôm nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã trả lời vấn đề này nhiều nhưng thực sự chưa thỏa đáng với các đại biểu Quốc hội, đề nghị Bộ trưởng phối hợp cơ quan địa phương trả lời chất vấn của đại biểu.

 

Bài và ảnh: Hoàng Dương/Báo Tin tức
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã 'chạm' tới những vấn đề  xã hội đang 'nóng'  
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã 'chạm' tới những vấn đề  xã hội đang 'nóng'  

Qua theo dõi buổi chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ tại hội trường chiều 5/6, cử tri tại nhiều địa phương cho rằng, các đại biểu đặt câu hỏi và các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các ngành liên quan trả lời rất thẳng thắn, không né tránh những thiếu sót, hạn chế và đưa ra những giải pháp thiết thực để khắc phục khó khăn …

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN