Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006

Sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006 là rất cần thiết và cần phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương, các ngành để đảm bảo yêu cầu thực tiễn.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại buổi Khảo sát “Tình hình thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2023”, do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố tổ chức, sáng 19/4.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi khảo sát. 

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, sau gần 20 năm triển khai, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 cần được bổ sung, sửa đổi để theo kịp với yêu cầu của xã hội. Khi Luật được xây dựng, Việt Nam chưa gia nhập WTO. Đến nay, Việt Nam đã là thành viên WTO và đã ký hàng chục thỏa thuận FTA với các nước, trong đó có nội dung tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế. Vì thế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong lĩnh vực này cho phù hợp.

Một ví dụ cụ thể tại Thành phố Hồ Chí Minh, do thiếu những quy định chuẩn về tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thống đường sắt đô thị, ga ngầm… dẫn đến việc đưa hệ thống này đi vào hoạt động bị chậm trễ cũng như việc chưa có các quy định cụ thể về chứng chỉ carbon, rác thải, khí thải nhà kính… sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tận dụng lợi thế của Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội cho sự phát triển của Thành phố.

Nhất trí với ý kiến của nhiều đại biểu dự buổi khảo sát, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập với thế giới, Dự thảo Luật (sửa đổi) cần phân cấp nhiều hơn cho các địa phương và các ngành để thích ứng với những diễn biến nhanh, bất định của tình hình thế giới và những yêu cầu mới phát sinh của tình hình thực tế tại các địa phương. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng cần quy định cụ thể về quá trình chuyển tiếp (giữa Luật 2006 và Luật sửa đổi), để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và đảm bảo quyền, lợi ích của người dân.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi khảo sát. 

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thực tế triển khai Luật cho thấy, những quy định về công tác hậu kiểm đối với các đơn vị, doanh nghiệp công bố QCVN (tiêu chuẩn quốc gia) còn chưa rõ ràng. Có những khác biệt lớn giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ về sự quan tâm thực hiện các quy định của Luật vì các quy định của Luật còn thiếu, chưa cụ thể. Các doanh nghiệp lớn quan tâm thực hiện các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật vì sợ dính đến kiện tụng, mất uy tín, ảnh hưởng đến thương hiệu thì các doanh nghiệp nhỏ lại không có mối quan tâm đầy đủ trong việc thực hiện các quy định của Luật.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, quá trình xây dựng Dự thảo Luật (sửa đổi) nên tham khảo các quy trình xây dựng luật của các nước, nhất là các nước phát triển, có những quy định tiêu chuẩn kỹ thuật mang tính chuẩn quốc tế để đảm bảo cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhất là hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, đầu tư quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài cũng như quá trình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Trao đổi về mối quan tâm của các đại biểu về nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật, bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề nằm ở chính các hiệp hội ngành nghề chưa quan tâm phát huy vai trò của mình trong vấn đề này khi trong Luật 2006 đã có những quy định khá cụ thể. Các quy định về trình tự, thủ tục phê duyệt kế hoạch và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương còn phức tạp, thiếu những hướng dẫn cụ thể và thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh đến nay cũng chưa ban hành được bất cứ tiêu chuẩn kỹ thuật địa phương nào.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi khảo sát. 

Về vấn đề hậu kiểm đối với hoạt động công bố tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở của các doanh nghiệp, ngành nghề, bà Nguyễn Thị Kim Huệ cho biết, thực tế hiện nay, do nguồn lực còn hạn chế, hoạt động hậu kiểm mới được thực hiện chủ yếu trong nhóm “quy chuẩn”, còn nhóm “tiêu chuẩn” tại cơ sở chưa thực hiện được như yêu cầu. Để làm tốt được vấn đề này, rất cần những quy định chặt chẽ của pháp luật cũng như sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.

Tại buổi giám sát, các đại biểu từ HĐND Thành phố, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, An toàn vệ sinh thực phẩm và Công an Thành phố, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3… chia sẻ thực tiễn triển khai Luật, trao đổi về những nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật.

Bài và ảnh: Xuân Khu (TTXVN)
Luật Đất đai 2024: Luồng gió mới góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam
Luật Đất đai 2024: Luồng gió mới góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tháng 1/2024 được xem là bước đột phá trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, có thể tác động đến nhiều khía cạnh của cuộc sống cũng như hoạt động kinh doanh của kiều bào, đặc biệt là đối với cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Australia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN