Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ, 190 năm nhìn lại

Ngày 16/4, tại thành phố Cao Lãnh, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ (1834), 190 năm nhìn lại”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Võ Văn Sen, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường vụ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn, đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự có nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu về lịch sử.

Trình bày sơ lược về trận đánh quân Xiêm La trên sông Vàm Nao - Cổ Hũ (ngày 13/1 - 2/2/1834), Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Trung cho biết, đây là cuộc đối đầu giữa hai vương triều hùng mạnh nhất Đông Nam Á thời đó (Việt Nam và Xiêm La). Vua Minh Mạng quyết làm thất bại âm mưu bành trướng lãnh thổ về phía Đông của vua Rama III (Xiêm La). Khi Lê Văn Khôi cầu cứu, vua Rama III cho 5 vạn quân thủy bộ đánh vào Nam Kỳ theo 2 hướng: quân bộ do Phi nhã Chất Tri chỉ huy đánh chiếm Nam Vang, Châu Đốc và hàng trăm tàu chiến do Phi nhã Phật Lăng chỉ huy đánh Hà Tiên, Châu Đốc rồi cùng bộ binh tiến theo sông Tiền qua Sa Đéc, Mỹ Tho, Vĩnh Long lên Gia Định. Ngoài ra, quân Xiêm La còn đánh vào vùng Nghệ An, Quảng Trị… nhằm căng kéo quân binh Việt Nam.

Chú thích ảnh
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Võ Văn Sen, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường vụ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu. 

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Võ Văn Sen cho rằng, chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ (thuộc địa bàn 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp hiện nay) là một chiến công chống ngoại xâm vang dội, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia lãnh thổ của vương triều Nguyễn, một trang huy hoàng của lịch sử dân tộc, nhưng lại không được nhiều chuyên gia về lịch sử Việt Nam thời hiện đại quan tâm nghiên cứu. Trong thực tế mấy chục năm gần đây, không có một bộ thông sử quốc gia, một cuốn giáo trình đại học hay một tập sách giáo khoa lịch sử phổ thông nào chính thức đề cập đến chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ như một dấu mốc quan trọng của lịch sử đất nước.

Trong thời gian một ngày, các đại biểu dự Hội thảo đã tập trung làm rõ nguyên nhân sâu xa của cuộc đối đầu giữa hai vương triều hùng mạnh ở Đông Nam Á là Việt Nam và Xiêm La, dẫn đến cuộc tấn công quy mô lớn vào Nam Kỳ và Trung Kỳ Việt Nam của Xiêm La; bối cảnh chính trị, xã hội ở Việt Nam và Nam Kỳ sau 26 năm cai trị của vua Minh Mạng.

Hội thảo còn xác định tầm vóc, ý nghĩa, giá trị lịch sử của chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn vùng đất Nam Bộ Việt Nam; thống nhất phương pháp luận trong nhận định, đánh giá công cuộc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn vùng đất Nam Bộ Việt Nam thời vương triều Nguyễn độc lập.

Bên cạnh đó, các nội dung trao đổi tại Hội thảo góp phần làm rõ công lao của các danh tướng (Bình Khấu tướng quân Trần Văn Năng, Tham tán Trương Minh Giảng, Tham tán Nguyễn Xuân, Quản vệ Phạm Hữu Tâm…) và quân dân các tỉnh Nam Kỳ trong trận Vàm Nao - Cổ Hũ. Các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp nhằm giáo dục, tuyên truyền chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ cho thế hệ hôm nay và mai sau, tôn vinh, tri ân người xưa có công giữ gìn toàn vẹn vùng đất Nam Bộ Việt Nam.

Hội thảo nhận được 45 báo cáo khoa học của 55 tác giả ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Thừa Thiên - Huế… Trong đó, có 34 tác giả là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhiều vị là chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực lịch sử, lịch sử quân sự, lịch sử văn hóa, tư liệu học và văn hóa học của cả nước. Đây là những báo cáo khoa học rất công phu, được chia thành 3 phần chính: Bối cảnh lịch sử và các nguồn tư liệu (15 báo cáo); trận chiến Vàm Nao - Cổ Hũ đầu năm 1834 (13 báo cáo); vị trí, ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ (17 báo cáo).

Chú thích ảnh
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại hội thảo. 

Theo Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, các báo cáo không chỉ làm sâu sắc thêm mà đã xác nhận rõ ràng chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ đáp ứng được đầy đủ những tiêu chí nhận diện một trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc. Quân của triều đình nhà Nguyễn dưới sự chỉ đạo sát sao của vua Minh Mạng, sự chỉ huy trực tiếp và tài ba của các tướng lĩnh kiệt xuất đã đánh tan quân Xiêm La. Những cố gắng của vua và đội ngũ tướng lĩnh hàng đầu của triều đình không chỉ chặn đứng mưu đồ thôn tính vùng đất Nam Bộ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam thống nhất, mà còn hỗ trợ hiệu quả cho Chân Lạp chống lại cuộc chiến tranh xâm lược và thoát ra khỏi ách đô hộ của phong kiến Xiêm La.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Nguyễn Quang Ngọc đánh giá, chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ năm 1834 thực sự là một trận quyết chiến chiến lược, một trong những chiến công lừng lẫy trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và có một không hai của lịch sử vương triều Nguyễn. Chiến thắng này là một tầm cao mới của truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc, giữ vững tính toàn vẹn của quốc gia.

Tin, ảnh: Nhựt An (TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều 16/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dâng hương tại Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ; gặp mặt, tặng quà tri ân gia đình các chiến sĩ Điện Biên, gia đình chính sách tại xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN