Công khai, minh bạch công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức

Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia lớn - xa lộ thông tin quan trọng. Đây cũng là cơ sở dữ liệu cốt lõi góp phần trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, một trong những công cụ hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong công tác quản lý tổng thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chú thích ảnh
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Cơ sở dữ liệu đã đi vào hoạt động được hơn nửa năm, chuẩn bị một bước cho thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành Nội vụ và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Bộ Nội vụ đã trao đổi với phóng viên TTXVN về những kết quả đạt được bước đầu của Cơ sở dữ liệu này.

Quản lý tốt công tác cán bộ

Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức là một trong những điểm nhấn về chuyển đổi số của Bộ Nội vụ. Ông có thể khái quát lại đến thời điểm này?

Sau 2 năm triển khai quyết liệt với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, đến thời điểm này, Trung tâm dữ liệu của 63 tỉnh, thành phố và 33 bộ, ngành Trung ương đã kết nối đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức. Bộ Nội vụ đã xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn việc cập nhật, khai thác dữ liệu, quy định về cấu trúc dữ liệu; xây dựng danh mục các trường thông tin để mã truy xuất dữ liệu thống nhất trong toàn quốc.

Giai đoạn 1 vất vả nhất vì phải xây dựng một kiến trúc tổng thể về cơ sở dữ liệu; xây dựng 5 phần mềm tích hợp với nhau, đồng bộ, xác thực, khai thác và sử dụng, đảm bảo an toàn thông tin ở mức độ 3. Cơ quan quản lý phải xây dựng cấu trúc dữ liệu thống nhất, xác định các trường thông tin, xây dựng cơ chế cập nhật, đồng bộ dữ liệu, phân quyền khai thác sử dụng dữ liệu… Hiện chúng tôi đã hoàn thành các bước đó.

Tính đến hết ngày 30/6/2023, cả nước có 100% bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (33 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố); trong đó có 54 bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ 100% dữ liệu, 25 bộ, ngành, địa phương đồng bộ trên 90% dữ liệu. Tổng số dữ liệu được đồng bộ đạt trên 2 triệu hồ sơ (trong đó bộ, ngành là 125,7 nghìn hồ sơ; địa phương là hơn 1,9 triệu hồ sơ).

Các bộ, ngành đã chủ động xây dựng phần mềm để nhập dữ liệu. Tuy nhiên, thời gian qua, sự quan tâm chưa nhiều nên dữ liệu chưa đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”. Chúng tôi đang đề nghị các bộ rà soát lại.

Thưa ông, Cơ sở dữ liệu này có ý nghĩa như thế nào trong quản lý, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức?

Qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, có thể thống kê chính xác theo thời gian thực từng bộ, ngành, địa phương có bao nhiêu công chức, người lao động, trình độ học vấn của đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, giúp cho quy trình làm nhân sự, bởi qua đây có thể tìm kiếm thông tin để quy hoạch, bổ nhiệm, tìm người đáp ứng tiêu chuẩn điều kiện trong thời gian rất nhanh.

Trong việc nâng lương, công chức nào đến hạn nâng lương hệ thống sẽ thông báo, máy sẽ tự động in danh sách để giúp tổ chức xem xét trình. Như vậy, đỡ mất thời gian tìm kiếm, không bị nhầm lẫn hoặc sót.

Quan trọng hơn, qua Cơ sở dữ liệu giải quyết được vấn đề công khai, minh bạch trong việc sử dụng biên chế. Sẽ thấy rõ được giữa con số được giao và con số tuyển dụng, rất minh bạch, qua đó giúp cho cơ quan quản lý giám sát được.

Việc tích hợp được với hệ thống dữ liệu, đưa được các văn bằng chứng chỉ, quyết định nhân sự sẽ giúp cho tổ chức quản lý tốt cán bộ. Ví dụ, khi làm công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, người làm tổ chức chỉ cần truy cập vào hệ thống sẽ thấy rõ các văn bằng chứng chỉ, các quyết định đã được xác thực điện tử, không cần phải tìm hồ sơ đi in sao, mất rất nhiều thời gian, chi phí.

Dữ liệu được cập nhật phải chính xác. Từng cán bộ, công chức, viên chức phải chịu trách nhiệm về dữ liệu cá nhân của mình. Nếu khai sai - giống như trước đây là khai man lí lịch - là hành vi thiếu trung thực và sẽ bị xử lý. Do vậy, công chức phải có trách nhiệm với thông tin của mình.

Giai đoạn này mới là thành công bước đầu. Giai đoạn sau đến 31/12/2023 phải rà soát dữ liệu từng cơ quan, đơn vị để đảm bảo 109 trường thông tin “đúng, đủ, sạch, sống”. Thời gian không còn nhiều, chưa đầy 6 tháng nữa. Trước mắt, chúng tôi phải kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo độ chính xác của dữ liệu, dùng mã định danh cá nhân của từng người khớp nhau như nơi thường trú, nguyên quán…, sau đó đẩy lại dữ liệu này cho các bộ, ngành, địa phương rà soát, đồng bộ, đẩy lên hệ thống cơ sở dữ liệu để thống nhất, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”.

Việc này không thể nhanh được, thuật toán không khó nhưng do có rất nhiều trường thông tin, phải kiểm tra thông tin của từng cán bộ, công chức, viên chức cho chính xác.

Khắc phục tình trạng “bổ nhiệm nhầm”

Cơ sở dữ liệu này có khắc phục được tình trạng “bổ nhiệm nhầm” cán bộ (người bị kỷ luật vẫn được bổ nhiệm) hay thất lạc hồ sơ trong quá trình làm quy trình nhân sự như đã từng xảy ra, thưa ông?

Như tôi nói, có cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức, câu chuyện minh bạch thông tin là rất quan trọng. Với hệ thống dữ liệu này, mỗi cán bộ, công chức, viên chức chỉ có một dữ liệu duy nhất với một mã số duy nhất đến suốt đời, kể cả khi họ về hưu, không trùng với ai.

Chính vì dữ liệu được đưa lên hệ thống minh bạch như vậy, khi điều động, luân chuyển công tác dữ liệu đó sẽ được chuyển trên hệ thống tới cơ quan họ đến làm việc. Chúng tôi vẫn lưu dữ liệu đó ở “ngăn kéo”, ví dụ như nghỉ hưu, luân chuyển… Vì vậy, hệ thống sẽ thể hiện rõ quá trình cán bộ đó đi từ đâu đến đâu, trong hồ sơ sẽ lưu trữ đầy đủ cả thành tích lẫn các lỗi kỷ luật…, cán bộ không thể giấu được.

Vừa rồi xử lý một loạt trường hợp bổ nhiệm sau quy định. Qua đó mới thấy, nếu có cơ sở dữ liệu này, chắc chắn minh bạch ngay. Tất cả quyết định bổ nhiệm ngày nào trên hệ thống đều có số, có chữ ký và kèm với dữ liệu văn bằng, chứng chỉ…

Như vậy, Cơ sở dữ liệu cũng giúp cho cơ quan quản lý thẩm định hồ sơ nhân sự, truy vết trách nhiệm của những người liên quan trong trường hợp bổ nhiệm có vấn đề?

Đúng vậy. Khi bổ nhiệm mà thiếu điều kiện, tiêu chuẩn có thể vào hệ thống để xem ai thẩm định, ở khâu nào, rất là minh bạch. Hồ sơ của từng cán bộ, công chức, viên chức đều ghi lại lịch sử về việc chỉnh sửa, cập nhật thông tin…

Tờ trình địa phương hay bộ, ngành gửi về Bộ Nội vụ, thiếu thông tin, chuyên viên của Bộ có thể vào hệ thống dữ liệu để truy xuất thông tin, đối chiếu một cách chính xác cho người thẩm định công tác nhân sự, hoặc nghiên cứu về quá trình công tác của nhân sự để tham mưu chính xác thuận tiện hơn, tránh được tình trạng “so bó đũa chọn cột cờ”.

Cơ sở dữ liệu này giải quyết được rất nhiều vấn đề, trong đó giải quyết khâu đầu tiên là rất tiện ích trong công tác quản lý cán bộ, từ quá trình tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, khen thưởng, xếp lương…

Ngoài ra, qua hệ thống dữ liệu, chúng ta có một bức tranh tổng thể về cán bộ, công chức, viên chức từ số lượng, cơ cấu nam nữ, trình độ, vùng miền…, có thể thống kê các số liệu chính xác để có những hoạch định chính sách phù hợp.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước được liên thông với cơ sở dữ liệu nào, thưa ông?

Trước mắt, Cơ sở dữ liệu này được liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm. Sau này, cao hơn nữa là kết nối với Cơ sở dữ liệu thuế, kho bạc để trả lương…

Trân trọng cảm ơn ông!

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử
Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN