Cử tri Tây Ninh kiến nghị tạo cơ hội việc làm ổn định cho phạm nhân mãn hạn tù

Ngày 9/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị tiếp xúc với đại diện các sở, ban, ngành, các đơn vị Trung ương đóng quân trên địa bàn và đại diện các doanh nghiệp của tỉnh để lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tại Hội nghị. 

Trung tá Lê Duy Tân, Đội trưởng Đội giáo dục hồ sơ, Trại giam Cây Cầy thuộc Cục C10 - Bộ Công an cho biết, Trại giam hiện giam giữ trên 2.000 phạm nhân. Những phạm nhân này trước khi phạm tội đa phần là lao động tự do, không có nghề nghiệp ổn định (chiếm 83% trên tổng số phạm nhân) nên khi hoàn lương, tỷ lệ tái phạm, vướng vào lao lý trở lại chiếm trên 31,4%, trong đó đa phần là số phạm nhân không có nghề nghiệp ổn định. Để giải quyết bài toán hoàn lương cho phạm nhân, các ngành cần phối hợp, tạo điều kiện để phạm nhân được chuyển tiếp lao động từ trong đến ngoài trại giam, nhằm giúp phạm nhân sau khi mãn hạn tù được tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả hơn.

Trung tá Lê Duy Tân đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh và các sở, ban, ngành cần phối hợp tốt với Trại giam Cây Cầy thực hiện có hiệu quả những quy định tại Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Phạm nhân là đối tượng yếu thế trong xã hội, cần được hỗ trợ trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ về pháp lý, hộ tịch, hộ khẩu, vay vốn ngân hàng, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm… khi chấp hành xong án phạt tù.

Chú thích ảnh
Trung tá Lê Duy Tân, Đội trưởng Đội giáo dục hồ sơ, Trại giam Cây Cầy thuộc Cục C10 - Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị.

Luật sư Nguyễn Thế Tân, Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh thể hiện sự đồng tình với việc tại Kỳ họp lần này Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Điều này có hiệu quả ở cả hai mặt, vừa tạo việc làm cho phạm nhân, vừa đáp ứng nhu cầu tìm kiếm lao động của các doanh nghiệp. Đồng thời, cần có chính sách đối với các doanh nghiệp tiếp nhận lao động là phạm nhân để doanh nghiệp mạnh dạn tiếp nhận lao động vào làm việc - Luật sư Nguyễn Thế Tân nêu ý kiến.

Ngoài ra, Luật sư Tân cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quy trình cải cách giáo dục, tránh trường hợp phát sinh nhiều bất cập khi áp dụng như hiện nay. Để nâng cao chất lượng dạy - học, khắc phục tình trạng tha hóa và bệnh thành tích trong học đường, cần nâng cao chất lượng giáo viên, trong đó lấy đạo đức nghề giáo làm trọng tâm. 

Theo Luật sư Nguyễn Thế Tân, việc định hướng nghề nghiệp cho các em ở bậc Trung học Phổ thông hiện nay chưa thấy được tính hiệu quả, đa phần các em tự bơi, tự chọn ngành theo xu hướng; chứ không theo đam mê, sở trường hay năng khiếu. 

Góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Huỳnh Thanh Nam cho rằng nhiều vụ việc bạo lực gia đình đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội, thực sự là vấn đề nhức nhối của xã hội. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa làm rõ vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ, vai trò giám sát của cộng đồng. Quy định tại Điều 33 buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình cũng còn khá chung chung.

Chú thích ảnh
Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái phát biểu. 

Ông Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã tiếp thu các ý kiến của các cử tri và nhấn mạnh Đoàn sẽ lựa chọn, kiến nghị những nội dung cử tri quan tâm cũng như lựa chọn các vấn đề để chất vấn tại Kỳ họp lần này. Các nội dung liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền, tăng thẩm quyền cho địa phương mà cử tri còn băn khoăn sẽ được Đoàn thảo luận kỹ hơn để nêu trong kỳ họp Quốc hội tới nhằm làm rõ hơn vấn đề này, để tránh rơi vào tình trạng cơ chế “xin - cho”. Cụ thể, đối với các cơ chế nếu thấy được tính hiệu quả, linh hoạt nên cho triển khai đồng loạt đối với các tỉnh, thành trong cả nước, qua đó tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội đồng đều trong cả nước.

Tin, ảnh: Phạm Thanh Tân (TTXVN)
Tạo điều kiện cho phạm nhân về tâm lý lao động, cải tạo tốt để hoàn lương
Tạo điều kiện cho phạm nhân về tâm lý lao động, cải tạo tốt để hoàn lương

Thời gian qua, hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân tại các trại giam cho thấy ý nghĩa về môi trường lao động, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, hướng nghiệp, dạy nghề, cải thiện đời sống cho phạm nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN