Dấu ấn 40 năm phát triển của Phật giáo TP Hồ Chí Minh

Ngày 18/6/2022, Đại hội đại biểu Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027 với chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hội nhập và phát triển” sẽ diễn ra tại Việt Nam Quốc Tự, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Việt Nam Quốc Tự, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại hội với mục tiêu suy cử Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố nhiệm kỳ mới và đề ra những phương hướng, mục tiêu hoạt động của Phật giáo Thành phố trong thời gian tới. Nhân sự kiện này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện bài viết giới thiệu về những dấu ấn của Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh sau 40 năm thành lập và trưởng thành qua 9 nhiệm kỳ của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thành phố.

Phát triển vượt bậc về hoạt động Tăng sự

Tháng 6 năm 1982, chỉ một năm sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập tại Đại hội đại biểu Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ I (diễn ra từ ngày 4 - 6/6/1982), trở thành một trong 3 tỉnh, thành phố của cả nước thành lập Ban Trị sự. Sau 40 năm với 9 nhiệm kỳ Ban Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu Phật sự quan trọng, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển Thành phố và đất nước.

Từ trên 1.000 tăng, ni vào năm 1982, đến nay, toàn Thành phố Hồ Chí Minh có trên 13.000 tăng, ni của nhiều hệ phái như Bắc tông trên 12.000 vị; hệ phái Khất sĩ trên 800 vị, Nam tông gần 200 vị. Toàn Thành phố ước có khoảng trên 6 triệu Phật tử, tín đồ Phật giáo. Phật giáo Thành phố hiện có gần 1.500 cơ sở tự viện, 12 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung và một trụ sở làm việc độc lập của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố đặt tại Việt Nam Quốc Tự. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố cũng đã hoàn thiện cơ cấu với có 12 ban chuyên môn, Phân ban Ni giới; cùng Ban Trị sự Giáo hội tại thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện.

Đánh giá về sự phát triển của Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh: Sự phát triển Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh là bức tranh hoàn hảo như hiện nay thấy rõ. Đó là hoàn thiện bộ máy, cơ chế tổ chức hành chánh Giáo hội, đáp ứng theo từng thời kỳ, từng giai đoạn, tuân thủ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương; các quy định, hướng dẫn của Trung ương Giáo hội; cơ sở hành chánh Giáo hội từ thành phố đến địa phương; cơ sở tự viện đã hoàn thành, được kết nối hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ. 

Cùng với sự phát triển, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hành chính trong lĩnh vực Tăng sự, Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi dấu những thành tựu Phật sự trong các lĩnh vực Hoằng pháp, Giáo dục đào tạo Phật giáo, Văn hóa Phật giáo, Đối ngoại Phật giáo…

Trong 40 năm qua, Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 15 Đại giới đàn truyền giới cho hơn 18 nghìn người xuất gia thọ giới; hơn 20 nghìn Phật tử tại gia và duy trì liên tục truyền thống an cư kết hạ hàng năm dưới hình thức an cư tập trung và an cư tại chỗ. Ngoài các buổi thuyết giảng định kỳ, các khóa tu truyền thống như Ban quan trai được duy trì và liên tục mở rộng tại các tự viện. Bên cạnh gia đình Phật tử, các đạo tràng, các mô hình thu cũng được tổ chức, thu hút nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội, phù hợp với nhịp sống và tâm lý thời đại. 

Đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc

40 năm thành lập và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cũng là 40 năm Phật giáo Thành phố nêu cao truyền thống “đồng hành cùng dân tộc”, dấn thân nhập thế làm tốt đời đẹp đạo, đóng góp vào những thành tựu chung trong công tác xây dựng và phát triển Thành phố. Các tăng, ni, Phật tử Thành phố với tinh thần “Phụng sự đạo pháp, phục vụ dân tộc” đã luôn tuân thủ pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn đồng hành cùng nhân dân thành phố ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử phát triển Thành phố.

Qua 9 nhiệm kỳ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố đã triển khai các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố và nhiều địa phương khác trên cả nước với tổng kinh phí khoảng hơn 5.867 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2017-2021 ước hơn 3.500 tỷ đồng. 

Các hoạt động đa dạng như tổ chức lớp học tình thương, trường dạy trẻ mồ côi, cơ nhỡ, nhà dưỡng lão, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, hỗ trợ khắc phục thiên tai, dịch bệnh, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, tặng học bổng khuyến học… đã thể hiện trách nhiệm cao cả của Phật giáo Thành phố với cộng đồng xã hội. 

Trong những lần thăm, chúc mừng tăng ni, Phật tử Thành phố nhân những ngày đại lễ của Phật giáo và dân tộc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thành phố Hồ Chí Minh luôn khẳng định, biểu dương vai trò to lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố trong tiến trình xây dựng và phát triển Thành phố cũng như đất nước nói chung.  

Đặc biệt, Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã có những đóng góp tích cực trong việc củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo; thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước, nhất là công tác an sinh xã hội; tích cực hướng dẫn, vận động đồng bào Phật tử chung tay cùng các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân thành phố xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, góp phần xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Là một chứng nhân của 40 năm phát triển Phật giáo Thành phố, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đúc kết: “Thấy được lịch sử dân tộc, tình hình đất nước trong bối cảnh chung của nhân loại để có những uyển chuyển trong hành động, đóng góp thiết thực cho cộng đồng, tôn giáo không còn giới hạn trong hoạt động lễ nghi tín ngưỡng mà còn tham gia rộng hơn vào giáo dục, đối ngoại… nhằm tạo nhịp cầu cảm thông, cùng nỗ lực xây dựng đất nước, góp phần xây dựng nền hòa bình, an vui cho nhân loại trong tinh thần duyên sinh. Đó là thành tựu quan trọng nhất của 40 năm hình thành và phát triển của Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Bài và ảnh: Xuân Khu (TTXVN)
Kỷ niệm 83 năm Ngày khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo
Kỷ niệm 83 năm Ngày khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo

Sáng 16/6, tại An Hòa tự, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang), Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo tổ chức Đại lễ kỷ niệm 83 năm Ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN