Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương góp ý hoàn thiện các dự thảo luật

Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương góp ý cho dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thể dục Thể thao

Quang cảnh Hội thảo Góp ý dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Ảnh: Tiến Lực /TTXVN .

Xây dựng Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt mang tính tổng quát, bền vững


Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cần mang tính tổng quát với các quy định lớn; các vấn đề cụ thể sẽ quy định tại Nghị quyết của Quốc hội về thành lập các đơn vị này. Đây là nội dung được các đại biểu, chuyên gia nêu ra tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 10/4.

Theo chuyên gia Trần Du Lịch, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu) không thay thế được Nghị quyết của Quốc hội về thành lập 3 đặc khu sau này. Quốc hội sẽ có 3 Đề án cho 3 đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). Để "rộng đường", những chính sách đặc thù cho từng đặc khu sẽ do Quốc hội quyết định, phù hợp đặc thù của từng đặc khu thông qua Nghị quyết thành lập.
         
Đối với các chính sách ưu đãi tại các đặc khu, nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách miễn giảm, ưu đãi đất đai hay miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân tại các đặc khu cần tính toán chặt chẽ, tránh đi vào “vết xe” của một số khu kinh tế hiện nay.
         

Chuyên gia Trần Du Lịch đề xuất nhiều nội dung tại Hội thảo. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Dẫn chứng thực tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng: Các khu kinh tế ven biển thời gian qua cho thấy, ưu đãi đất chỉ tạo điều kiện để nhà đầu cơ chiếm đất. Khi giao đất xong, họ để “nằm đó”, chờ được giá sang nhượng lại lấy lời. Đối với thời hạn cho giao đất, chỉ nên kéo dài trong trường hợp đặc biệt là 70 năm, không nên kéo dài 99 năm, bởi vòng đời đầu tư hiếm khi dài như thế. Chúng ta chỉ nên tập trung vào ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút đầu tư và thuế thu nhập cá nhân để thu hút nhân tài.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Anh (Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, nếu những đặc khu lại tìm cách miễn giảm tiền thuê đất, nhìn góc độ khác lại là sự bất công. Đất phải tính đúng, tính đủ mới có sự cạnh tranh công bằng. Ưu đãi thuế đất là Nhà nước thiệt hại từ đầu, sau 20 – 30 năm Nhà nước cũng không được gì.

Trong khi đó, nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo đề xuất, đối với nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia… Luật cần quy định cụ thể về miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, có thể miễn thuế 10 năm đầu và giảm 50% trong 10 năm kế tiếp. Đối với doanh nghiệp, chỉ nên ưu đãi thuế đối với các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao; các lĩnh vực thức khác theo quy định chung.
         
Về tổ chức bộ máy, nhiều đại biểu cho rằng, Chủ tịch UBND đặc khu (hay Trưởng đặc khu) nên bổ nhiệm thay vì bầu thông qua HĐND. Bên cạnh đó, vận dụng Điều 111 Hiến pháp năm 2013 để tăng quyền cho người đứng đầu đặc khu. Trong khi đó, Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu như trong Dự thảo là không rõ ràng và không cần thiết, có thể dẫn đến chồng chéo; cần tách chức năng tham mưu ra khỏi chức năng quản lý của các cơ quan chuyên môn đặc khu…

Góp ý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thể dục Thể thao

Chiều 10/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã tổ chức hội nghị góp ý kiến dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thể dục Thể thao để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.


Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho rằng, dự thảo Luật lần này nên bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư, xây dựng, khai thác các công trình thể dục, thể thao phục vụ hoạt động thể dục thể thao quần chúng, đặc biệt phục vụ cho trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi, bởi thực tế tại tỉnh, những công trình này hiện còn thiếu rất nhiều. Luật cũng nên bổ sung các tiêu chí để đánh giá đúng thực trạng phong trào thể dục, thể thao quần chúng hiện nay.

Đặt cược thể thao là một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Theo đó, đa số đại biểu cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy cần phải có thời gian đánh giá, tổng kết Nghị định số 06/2017/NĐ- CP ngày 24/01/2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế trước khi quy định trong luật để đảm bảo tính khả thi của điều luật.

Về thể thao thành tích cao, nhiều đại biểu cho rằng, các quy định về chế độ dành cho các vận động viên thi đấu thành tích cao hiện nay còn nhiều thiệt thòi trong quá trình tập luyện, thi đấu và chấn thương. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Luật nên quy định cụ thể về quyền của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao, bổ sung chính sách ưu tiên đối với các vận động viên không còn đủ khả năng thi đấu. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần quan tâm đến việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, bổ sung quy định cấm phân biệt đối xử về giới trong hoạt động thể dục thể thao, bổ sung chính sách đặc thù cho vận động viên, huấn luyện viên nữ.

Một số ý kiến cho rằng, quỹ đất dành cho thể dục, thể thao đang dần bị thu hẹp. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định khu chế xuất, khu công nghệ cao phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao.

Tất cả các ý kiến, đóng góp của đại biểu sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội ghi nhận và báo cáo trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Phải bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Phải bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia

Chiều nay (22/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nhiều đại biểu cho rằng cần phải bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia và bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN