Khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Trảng Bom trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Ngày 23/4, tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai, Quân khu 7, Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Chiến thắng Trảng Bom trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo là hoạt động hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Đề dẫn Hội thảo, Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài – Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho biết, cuối năm 1974, đầu năm 1975, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Trên cơ sở nhận diện đúng thời cơ, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết tâm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Căn cứ vào những chuyển biến hết sức mau lẹ trên chiến trường, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp bàn, quyết định giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4/1975, đề ra phương châm chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Chấp hành chủ trương, chỉ đạo chiến lược đề ra, trên chiến trường miền Nam, quân dân ta tiếp tục tiến công mạnh mẽ, lần lượt đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch ở Phan Rang (16/4/1975), tuyến phòng thủ “cánh cửa thép” Xuân Lộc (21/4/1975), từng bước tạo thế, tạo lực vững chắc cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Chú thích ảnh
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. 

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chia sẻ, sau khi thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc của địch, Sư đoàn 341 được giao nhiệm vụ tiến công quân địch phòng ngự ở Trảng Bom. Quán triệt tư tưởng “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Sư đoàn đã làm tốt công tác chuẩn bị, thực hành trận tiến công hiệp đồng binh chủng, nhanh chóng tiêu diệt quân địch co cụm trong Yếu khu Trảng Bom, đập tan một "mắt xích" quan trọng trong hệ thống phòng ngự vòng ngoài của đối phương, tạo thế và lực cho các lực lượng, binh khí kỹ thuật của Quân đoàn 4 và lực lượng cơ động của Bộ nhanh chóng phát triển, tiến công giải phóng Biên Hòa, Sài Gòn - Gia Định, góp phần vào thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh.

“Trận tiến công Trảng Bom là một điển hình về trận đánh hiệp đồng quân binh chủng quy mô cấp sư đoàn. Thông qua Hội thảo khoa học, chúng ta tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm vóc, giá trị, ý nghĩa của Chiến thắng Trảng Bom, rút ra những kinh nghiệm quý để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn nêu rõ.

Chú thích ảnh
Thiếu tướng, Tiến sĩ Nuyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự phát biểu tại Hội thảo. 

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu cho rằng, gần nửa thế kỷ trôi qua, trận đánh Trảng Bom vẫn luôn thu hút sự quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu của nhiều nhà khoa học, các cựu chiến binh, báo chí truyền thông. Những bài học kinh nghiệm quý báu từ trận đánh vẫn vẹn nguyên giá trị, rất cần được tiếp tục chắt lọc, vận dụng, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Với 70 tham luận đóng góp tại Hội thảo, các đại biểu đề cập khá toàn diện, hệ thống về chiến thắng Trảng Bom, trong đó nêu bật chủ trương, chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Bộ Chính trị, trực tiếp là Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 - nhân tố có ý nghĩa quyết định làm nên chiến thắng Trảng Bom.

Chiến thắng là minh chứng thực tiễn cho tư tưởng “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” và phát huy sức mạnh binh đoàn chủ lực; nêu bật được nghệ thuật quân sự trong chọn hướng và sử dụng lực lượng, tổ chức tiến công hiệp đồng binh chủng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ binh, pháo binh, xe tăng từ lúc mở đầu trận đánh đến suốt quá trình chiến đấu; nghệ thuật bao vây, chia cắt, tổ chức lực lượng thọc sâu.

Các đại biểu đánh giá, trận đánh Trảng Bỏm là một trong những trận đánh hiệu quả nhất trong toàn bộ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, có tác động trực tiếp đến cánh quân hướng Đông nói riêng và Chiến dịch Hồ Chí Minh nói chung. Đồng thời, trận đánh trực tiếp tạo thế phát triển Chiến dịch trên hướng Đông, mở đường tiến cho Quân đoàn 4 nhanh chóng cơ động lực lượng tham gia giải phóng Biên Hòa, tổ chức mũi đột kích thọc sâu, đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng trong nội đô Sài Gòn, hoàn thành nhiệm vụ đề ra, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của Chiến dịch. Chiến thắng Trảng Bom cổ vũ mạnh mẽ tinh thần, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ ta trên chặng đường cuối cùng giành toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài và ảnh: Sỹ Tuyên (TTXVN)
Chiến thắng Dầu Tiếng - tiền đề cho những thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh
Chiến thắng Dầu Tiếng - tiền đề cho những thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh

Ngày 13/3, tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương tổ chức Họp mặt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Dầu Tiếng (13/3/1975 - 13/3/2024).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN