Kiểm tra các điểm hạn hán, thiếu nước sinh hoạt ở Bình Thuận

Chiều 9/4, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra thực địa các điểm hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và hiện trạng các hồ chứa nước trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam.

Chú thích ảnh
Đoàn kiểm tra hạn hán tại hồ Tà Mon, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), hiện hồ này đã hết nước và dừng hoạt động từ đầu tháng 3/2024. 

Đoàn đã tiến hành kiểm tra thực tế công tác chống hạn tại các hồ: Ba Bàu, Tân Lập, Tà Mon, Nhà máy nước Thuận Nam; kiểm tra phòng chống cháy rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú. Bên cạnh đó, đoàn cũng kiểm tra tình trạng thiếu nước sản xuất sinh hoạt của các hộ dân trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam.

Trao đổi với các hộ dân có cây trồng bị ảnh hưởng do khô hạn, ông Đoàn Anh Dũng chia sẻ, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ đầu năm 2024 đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao dẫn đến mực nước ngầm nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh hạ thấp, lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên bị cạn kiệt, gây thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại một số địa phương và thiếu nước tưới cho cây trồng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh mong muốn người dân cùng chia sẻ những khó khăn hiện tại do hạn hán gây ra, cùng nhau phối hợp vượt qua giai đoạn khó khăn, giảm thiểu thiệt hại cây trồng; đồng thời cũng cần sử dụng nguồn nước hết sức tiết kiệm để tưới cho cây trồng, hoặc có thể sử dụng các phương pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước hiện nay để áp dụng trong tình trạng thiếu nước tưới.

Ông Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh, tỉnh Bình Thuận cùng các đơn vị liên quan cũng đã họp bàn đề ra nhiều giải pháp chống hạn, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, hiện do nguồn ngân sách có hạn, nên việc sửa chữa và xây dựng hồ thủy lợi chứa nước chống hạn phải thực hiện lâu dài và theo từng giai đoạn cụ thể.

Đối với các đơn vị liên quan, ông Đoàn Anh Dũng yêu cầu với lượng nước còn lại trong các hồ chứa phải sử dụng một cách hợp lý và tiết kiệm nhất. Ưu tiên thứ nhất là nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân, tiếp đến là nguồn nước cho vật nuôi và mới đến cây trồng. Các đơn vị liên quan và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng, ngăn chặn kịp thời tình hình cháy rừng trong mùa khô năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Chú thích ảnh
Hồ Ba Bàu, huyện Hàm Thuận Nam đã dừng cấp nước sản xuất từ ngày 2/4, lượng nước ít ỏi còn lại dùng cung cấp cho sinh hoạt. 

Huyện Hàm Thuận Nam đang đối diện với tình trạng hạn hán nghiêm trọng, nhiều khu vực đang đối mặt với tình trạng không có nước sản xuất, người dân thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù các đơn vị đã tích cực chủ động các phương án ứng phó, điều tiết nguồn nước nhưng nhiều hộ dân vẫn thiếu nước sinh hoạt và hàng nghìn ha đất nông nghiệp phải ngưng sản xuất. Từ đầu tháng 2/2024, hầu như các con sông, suối, kênh dẫn nước tại địa bàn một số xã như: Mỹ Thạnh, Hàm Cần, Hàm Thạnh, Tân Lập… đã trơ đáy.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Hàm Thuận Nam, tính đến ngày 8/4/2024, lượng nước hữu ích các hồ chứa trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam còn lại khoảng 11,1 triệu m3 đạt 24,3% dung tích thiết thiết kế, thấp hơn so với cùng kỳ khoảng 6,2 triệu m3. Toàn huyện có 8 hồ chứa và 13 đập dâng lớn nhỏ; tuy nhiên hiện chỉ còn hồ Đu Đủ và hồ Tân Lập còn tưới 1 phiên cuối cho cây trồng và dự kiến kết thúc phiên cuối vào ngày 4/5/2024. Các công trình còn lại đã hết nước hoặc đã nhưng cấp nước tưới để dành cho nước sinh hoạt. Theo dự báo trong thời gian tới, nắng nóng sẽ kéo dài và khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6 mới có mưa, do đó tình trạng thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt sẽ rất gay gắt.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết, Hàm Thuận Nam hiện là huyện khô hạn nhất cả tỉnh, nguồn nước đang thiếu hụt trầm trọng; nước thủy lợi hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 50% diện tích cây trồng hiện có của địa phương. Vào những năm thời tiết thuận lợi, cuối mùa mưa các hồ đã tích đầy nước thì cũng không đảm bảo đủ nước tưới cho cho cây trồng vào mùa khô.

Tin, ảnh: Nguyễn Thanh (TTXVN)
Khoảng 50.000 hộ dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sạch sinh hoạt
Khoảng 50.000 hộ dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sạch sinh hoạt

Đó là thông tin được nêu tại lễ phát động Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024 với chủ đề “đảm bảo cấp nước sạch an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu” diễn ra ngày 9/4, tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN