Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV: Lĩnh vực giao thông vận tải rất khó kêu gọi đầu tư PPP

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội chiều 9/6, trả lời về vấn đề thực hiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Luật này đã đi vào cuộc sống rất tốt ở các lĩnh vực như xây dựng, điện lực, tuy nhiên, ở lĩnh vực giao thông, với nhiều công trình có chi phí dự án lớn, mặt bằng yếu, xử lý cầu cống nhiều nên rất khó kêu gọi PPP.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực giao thông vận tải. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Trước đây, những dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP thành công thì vốn của nhà nước đã chiếm từ hơn 50 - 60%. Đối với ngành giao thông có những dự án lớn lên tới 7.000 tỷ đồng, do vậy, việc huy động PPP sẽ rất lớn. Do đó, phương thức đầu tư PPP trong lĩnh vực giao thông vận tải cần nghiên cứu, rà soát để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc.

Đối với ý kiến một số đại biểu cho rằng các dự án lớn của ngành vẫn bị chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ ra rằng, thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các vùng và cả nước. Tuy nhiên, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nên một số dự án chậm so với kế hoạch ban đầu.

Khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án; yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm và rà soát, giảm bớt các thủ tục hành chính; đồng thời, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông.

Còn đối với những dự án nhóm nhỏ, đa số đảm bảo đúng tiến độ khi dự án đã được bố trí đủ vốn trong 3 năm hoặc 4 năm và đảm bảo theo yêu cầu của Luật Đầu tư công.

Tư lệnh ngành giao thông vận tải cho biết thêm, khi Bộ Giao thông Vận tải đăng ký kế hoạch vốn, tất cả các danh mục, Bộ đều phải tổ chức họp, rà soát kỹ, không chỉ là chủ đầu tư đăng ký, mà các đơn vị, lãnh đạo bộ đều dựa trên tình hình thực tế để xem xét, xác định số vốn đăng ký.

Nhìn chung, trong hai năm vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân khoảng 95 - 96%. Còn phần chưa được giải ngân còn lại là do các yếu tố bất khả kháng như: khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thời tiết, địa chất…

“Để các dự án đầu tư triển khai đúng tiến độ, trong năm nay và những năm tiếp theo, khi trình với Chính phủ, Quốc hội và được bố trí vốn, Bộ sẽ chỉ đạo, điều hành chặt chẽ theo từng tháng để đảm bảo đúng tiến độ, sớm đưa dự án vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, không để vốn dư, gây lãng phí”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Thảo Nguyên – Thúy Hiền  (TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giải thích lý do chưa dỡ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giải thích lý do chưa dỡ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, về trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, Bộ đang rà soát kiểm tra, khi đủ điều kiện để kết thúc hợp đồng thì sẽ dừng ngay trạm BOT này và khi dừng sẽ không để tồn tại trạm thu phí ở vị trí này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN