Ký ức Ngày Giải phóng Đà Nẵng của người nữ phóng viên chiến trường

Ngày 29/3/1975, Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào giải phóng thành phố Đà Nẵng, căn cứ liên hợp quân sự hải lục không quân lớn thứ 2 của chính quyền Mỹ - Ngụy tại miền Nam Việt Nam. Giữa cờ hoa đón mừng đoàn quân tiến vào thành phố, có một cô gái mặc áo lính nhưng không đeo súng mà khoác trên vai một chiếc máy ảnh. Đó là bà Triệu Thị Thùy, nữ phóng viên khóa GP10, được điều động từ Việt Nam Thông tấn xã vào tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng (nay hợp nhất thành Thông tấn xã Việt Nam).

Khí thế tuổi trẻ và những ngày đầu ở chiến khu

Đã nghỉ hưu và tận hưởng cuộc sống êm đềm bên con cháu, nhưng cứ đến những ngày cuối tháng 3 lịch sử, bà Triệu Thị Thùy lại bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm hào hùng khi xưa.

Chú thích ảnh
Vợ chồng nhà báo Triệu Thị Thùy và Hồ Phước Huề cùng nhau ôn lại những kỷ niệm trong năm tháng chiến tranh lịch sử. 

Năm 1972, cô sinh viên mới ra trường Triệu Thị Thùy vinh dự là một trong hơn 100 cử nhân ưu tú từ các trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Ngoại giao, Đại học Ngoại ngữ… được chọn lựa theo Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, về cơ quan Việt Nam Thông tấn xã để bồi dưỡng nghiệp vụ phóng viên chiến trường tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng. Sau khoảng 7 tháng đào tạo nghiệp vụ báo chí, hành quân, tự vệ... đến tháng 3/1973, lớp phóng viên có mật danh là GP10 chính thức hành quân vào miền Nam, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào thời kỳ sôi động nhất, quyết liệt nhất.

Bà Thùy nhớ lại, trên đường hành quân vào vùng chiến sự, các phóng viên trẻ luôn vui vẻ, hừng hực khí thế cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Qua nhiều phương tiện di chuyển, khi vào đến địa phận Quảng Nam - Đà Nẵng, đoàn phóng viên GP10 phải đi bộ đường rừng. “Trụ sở cơ quan” của Thông tấn xã Giải phóng khi đó là một túp lều nhỏ vách nứa, lợp tranh, giữa rừng tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Đến chiến khu, đoàn phóng viên GP10 góp toàn bộ số bắp ngô mang theo, luộc lên cho tất cả mọi người cùng ăn. “Ở chiến trường thì một hạt gạo, một bắp ngô cũng là của chung, tất cả phải góp sức vì cuộc chiến chung. Đó là bài học đầu tiên mà tất cả chúng tôi khắc cốt ghi tâm”, bà Thùy tâm sự.

Ngoài các phóng viên, kỹ thuật viên là nam giới, cùng đoàn bà Triệu Thị Thùy còn 3 nữ phóng viên khác, cả 4 chị em luôn hỗ trợ nhau trong những ngày đầu gian khổ. Vì tình hình chiến sự căng thẳng, nên sau hơn 1 tháng, cả chiến khu phải rời về huyện Hiệp Đức, lại bắt đầu với công việc dựng lán trại mới, chống chọi với thiên nhiên, dịch bệnh ổn định cuộc sống để sẵn sàng công tác thông tin.

Đã hơn 45 năm, nhưng bà Thùy vẫn nhớ rất rõ chuyến công tác đầu tiên đi chiến trường Quảng Ngãi năm 1974. Là một phóng viên trẻ, nhiệt huyết, bà Thùy luôn nóng lòng được ra tiền tuyến để ghi lại những khoảnh khắc, những bức ảnh quý giá về cuộc chiến hào hùng của dân tộc. Khi tới Quảng Ngãi, đoàn công tác hội quân với một đội du kích địa phương, toàn những thanh niên vui vẻ, yêu đời, trong đó có những cô dân quân mới 15, 16 tuổi. Bà rất muốn chụp một bức ảnh kỷ niệm với đội du kích, nhưng vì thời đó phim rất quý hiếm nên bà Thùy để dành chụp những khoảnh khắc chiến tranh ác liệt hơn.

“Ngày hôm sau, khi tiến sâu hơn vào vùng chiến sự, tôi mới nhận ra khi đó mình nhiệt tình nhưng còn quá thiếu kinh nghiệm thực tế. Phóng viên chiến trường là làm nhiệm vụ sinh tử, trên trời máy bay quần thảo, dưới đất binh lính giao tranh, đạn bom xối xả, giữ được mạng sống của mình đã khó chứ chưa nói tới chuyện tác nghiệp. Tôi bị trúng đạn vào chân và được đưa về trạm xá. Tại đây, tôi gặp lại đội du kích ngày hôm qua, quá nửa đã hy sinh, một số bị thương được chuyển về cùng điều trị với tôi. Những nụ cười, giọng nói ngày hôm qua bỗng điểm lại trong trí nhớ, nỗi đau thể xác không so sánh được với nỗi đau tinh thần dâng trào”, bà Thùy rưng rưng nước mắt nói.

Vì vậy, bài học của bà Thùy sau chuyến công tác đầu tiên là: Mỗi giây phút tại chiến trường đều là khoảnh khắc lịch sử, mỗi con người gặp trên chiến khu đều là một anh hùng, phải cố gắng ghi lại hết tất cả những gì có thể.

Với tinh thần đó, nữ phóng viên Triệu Thị Thùy đã luôn hăng say lao động, kịp thời truyền tải những dòng tin, bức ảnh về khí thế sản xuất nuôi quân, nỗ lực vượt khó xây dựng lực lượng, chiến tranh du kích và những trận đánh lớn của quân và dân ta. Bà nói: “Tôi luôn cố gắng làm chuyên môn thật tốt, kịp thời truyền tải tin chiến sự đến với độc giả của Thông tấn xã cả nước. Phải viết thật nhiều để bố mẹ, anh em ở nhà nhìn thấy bút danh Triệu Thùy còn yên tâm rằng mình còn sống”.

Hân hoan tiến về Đà Nẵng

Hơn 30 năm làm báo, từ thời chiến tới thời bình nhưng sự kiện đáng nhớ nhất trong đời của bà Triệu Thị Thùy luôn là Lễ duyệt binh ngày 29/3/1975, ngày hàng ngàn người dân Đà Nẵng ra đường đón chào đoàn quân Giải phóng.

Chú thích ảnh
Những bức ảnh quý giá thời mới vào chiến trường miền Nam của nhà báo Triệu Thị Thùy. 

Bà Triệu Thị Thùy cho biết: Ngay khi đặt chân đến thành phố, các phóng viên Thông tấn đã chia ra nhằm tìm các vị trí thuận lợi, để phối hợp làm tuyến tin, ảnh ghi lại giây phút lịch sử của Đà Nẵng. Từ trên rừng về, tôi choáng ngợp trước khung cảnh phố xá đông đúc, nhà cửa to đẹp của thành phố. Từng đoàn, từng đoàn quân từ khắp mọi nẻo đường tiến về quảng trường với đầy đủ lực lượng quân sự: bộ binh, pháo binh, thiết giáp...

Trước khi quân ta tiến về, người dân thành phố Đà Nẵng khá hoang mang, lo sợ vì bị chính quyền Ngụy tuyên truyền xuyên tạc, sai trái. Nhưng khi gặp những người lính hiền lành, chất phác của Quân đội nhân dân Việt Nam thì ai cũng mừng rỡ, tin yêu.

Bà Thùy kể: “Tuy mình không phải là lính nhưng vì mặc quần áo bộ đội nên cũng được bà con chào đón như những người lính. Các chú lớn tuổi thì nói lên xe chú chở, đỡ phải đi bộ. Các bà, các cô thì cứ xót xa là gầy yếu, xanh xao quá, mang đồ ra cho mình ăn lấy sức. Khắp quảng trường cờ hoa lộng lẫy, không khí cởi mở, vui vẻ, đúng nghĩa ngày hội giải phóng”.

Khi về giải phóng Đà Nẵng, bà Thùy càng hiểu rõ bản chất của chính quyền Mỹ - Ngụy từng tồn tại ở đây. Cùng một thành phố nhưng bờ Tây sông Hàn là trung tâm kinh tế, nhà cửa khang trang, đời sống thượng lưu của giới quý tộc thuộc chính quyền Mỹ - Ngụy; còn phía bên kia sông Hàn là những dãy nhà “chồ”, khu nhà tạm xập xệ, trên mặt nước của dân lao động, người nghèo khổ. Khung cảnh đối nghịch của hai bên bờ sông Hàn thêm thôi thúc tinh thần người chiến sỹ Giải phóng của bà Thùy, quyết tâm ở góp sức trong công cuộc xây dựng Xã hội chủ nghĩa của thành phố.

Khi đó, các phóng viên Thông tấn vừa viết các tin bài về tiếp quản thành phố, khắc phục khó khăn gửi ra Tổng xã, vừa viết tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho người dân Đà Nẵng. Đồng thời, mỗi phóng viên cũng là một chiến sỹ trên “mặt trận văn hóa”, góp phần xóa bỏ các sách báo, văn hóa phẩm đồi trụy, sai lệch của chế độ cũ và đưa văn hóa Xã hội chủ nghĩa vào miền Nam.

Những dòng tin, bức ảnh như dòng nước cứ cuốn đi, cô phóng viên Triệu Thị Thùy năm nào đã kết hôn với nhà báo Hồ Phước Huề, cũng là một phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam. Cả hai chọn thành phố Đà Nẵng, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm để xây dựng hạnh phúc gia đình và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời bình.

Theo các nhà báo lão thành Triệu Thị Thùy và Hồ Phước Huề, niềm tự hào lớn nhất của họ là được chứng kiến Đà Nẵng từ ngày giải phóng đến khi đổi thay qua từng năm tháng. Những dãy “nhà chồ” đã biến mất, thay vào đó là những cây cầu tráng lệ, những khu du lịch nổi tiếng, những dãy phố sầm uất, đời sống của người dân Đà Nẵng cũng liên tục nâng cao, phát triển từng ngày...

Bài và ảnh: Quốc Dũng (TTXVN)
Ký ức của một phóng viên chiến trường về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới
Ký ức của một phóng viên chiến trường về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới

Là một trong những phóng viên ảnh đầu tiên có mặt tại Cao Bằng khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đầu năm 1979 nổ ra, ông Trần Mạnh Thường (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã chứng kiến, ghi lại sự kiện này bằng ảnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN