Lo chỗ ở chứ không lo sở hữu nhà cho dân

Tại buổi đối thoại trực tuyến về gói hỗ trợ mua nhà 30.000 tỷ đồng do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 11/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Với gia đình thu nhập quá thấp nên chọn phương thức thuê nhà, rồi tích lũy dần hoặc vay vốn mua nhà diện tích nhỏ. “Nhà nước cố gắng lo chỗ ở chứ không cố gắng lo sở hữu nhà cho người dân”, ông Nam nói.


Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng, đối tượng được thụ hưởng mua nhà với lãi suất 6% năm đầu tiên thuộc gói hỗ trợ còn dành cho người thu nhập thấp (TNT). “Tuy nhiên với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng, tôi không được ngân hàng cho vay 500 triệu đồng (50% trị giá ngôi nhà). Vậy, gói tín dụng này có dành cho người TNT?”, anh Nguyễn Huy Tuấn, ngõ Tự Do, phố Đại La - Hà Nội thắc mắc.


Khu đô thị Đặng Xá (Hà Nội) đang là đích nhắm của những gia đình thu nhập thấp. Ảnh: CTV


Không chỉ anh Tuấn mà thời gian qua, đã có nhiều ý kiến của người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp trăn trở về điều này. Với tổng thu nhập ít ỏi, chi tiêu phải chật vật thì việc được vay vốn sở hữu căn nhà chỉ là “trong mơ” đối với họ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: Trong quy định của NHNN và Bộ Xây dựng, đối tượng được vay vốn với lãi suất 6% của gói tín dụng trên còn để thuê, thuê mua chứ không chỉ đơn thuần là mua, sở hữu nhà xã hội hoặc thương mại giá rẻ.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh):

“Nên khống chế số tiền vay tối đa; nới lỏng quy định diện tích nhà”

 Vấn đề hiện nay là nguồn cung nhà ở xã hội ít, một số dự án xây dựng mới đang trong quá trình đầu tư, xây dựng; mà tâm lý người mua thì muốn mua nhà càng sớm càng tốt. Do đó, cần chú ý đến vấn đề làm sao để giá nhà thương mại giảm xuống gần với nhu cầu của người dân hơn. Ngoài ra, cũng không nên quá tập trung vào việc xây dựng nhà ở xã hội để bán mà nên chú trọng việc xây dựng để cho những người thu nhập thấp thuê. Theo tôi, cần mở đối tượng thuộc diện được vay vốn hỗ trợ mua nhà trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng bằng cách nới lỏng quy định: “Các đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2”. Cụ thể, chỉ nên khống chế số tiền cho vay tối đa, tùy từng địa phương mà quy định cho vay ở mức 500 triệu hay 1 tỷ đồng; đồng thời nên nới lỏng diện tích nhà ở, không nên bó hẹp là 70 m2 như hiện nay. Bởi lẽ, giá nhà ở 80 m2 tại các tỉnh, thành phố khác cũng có thể bằng với nhà ở hơn 60 m2 tại TP Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.


Ông Trần Xuân Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trả lời: Với mức vay 500 triệu đồng mà thu nhập chỉ 4 - 5 triệu đồng/tháng thì việc vay vốn mua căn hộ hoàn toàn không khả thi. Bởi vì thu nhập đó còn bị trích ra để phục vụ cho sinh hoạt trong gia đình. “Tôi cho rằng, những gia đình có thu nhập quá thấp nên chọn phương thức đi thuê, rồi tích lũy dần. Người dân nhiều nước, kể cả những nước phát triển họ cũng làm như vậy. Tôi vừa có cuộc làm việc với Viện Phát triển Hàn Quốc, họ khuyến cáo: Việt Nam nên có nhiều gói sản phẩm bất động sản khác nhau để phục vụ nhu cầu về chỗ ở cho dân. “Nhà nước cố gắng lo chỗ ở cho người dân chứ không lo sở hữu nhà cho người dân. Việc này chúng ta phải giải quyết trong hàng chục năm, chứ không phải chỉ làm trong một vài năm”, ông Nam nhấn mạnh.


Đại diện Bộ Xây dựng cho hay: Những người có TNT nhưng đủ khả năng vay ngân hàng các doanh nghiệp nên có các dải sản phẩm từ nhỏ tới lớn. Trên thực tế, đã có những sản phẩm có diện tích từ 30 - 70 m2 được bán trên thị trường mà công năng được thiết kế rất tốt, phù hợp với những gia đình trẻ mới kết hôn hoặc là gia đình đã có 1 con nhỏ.


“Hiện dự án nhà ở khu Đặng Xá - Gia Lâm của Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera có căn hộ diện tích 30 m2. Theo tôi biết, rất nhiều vợ chồng trẻ đã mua nhà với giá bán 8,5 triệu đồng/m2 và khá hài lòng. Như vậy, giá bán toàn bộ căn hộ trên là khoảng 250 triệu đồng. Ngay tháng đầu tiên, số tiền mà người dân phải trả là cả gốc và lãi là 2,8 triệu đồng. Với thu nhập của những gia đình khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng, dành 30 - 35% thu nhập để trả ngân hàng cùng với sự hỗ trợ của gia đình thì tôi nghĩ là trả được ngân hàng”, đại diện Bộ Xây dựng dẫn chứng.


Theo Bộ Xây dựng, nếu những hộ dân có thu nhập quá thấp, chúng ta sẽ có chính sách để phát triển và hỗ trợ người dân về nhà ở cho thuê (đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ). Ngành xây dựng tính toán để trong trường hợp các hộ gia đình thuê căn hộ khoảng 40 - 45 m2 chỉ mất khoảng 2 triệu đồng/tháng. Chính sách này dự kiến được ban hành trong tháng 7/2013 để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân có thu nhập thấp.


Theo ông Hoàng, trong 10 ngày triển khai gói tín dụng hỗ trợ mua nhà cho khách hàng, BIDV đã phổ biến hướng dẫn các quy định nghiệp vụ cho các bộ phận cho vay để nghiên cứu, triển khai. Người đi vay cũng đang trong giai đoạn tìm hiểu về các điều kiện tiếp cận nguồn vốn, để đối chiếu khả năng, điều kiện, thu nhập của bản thân và bàn bạc với gia đình để đưa ra quyết định vay vốn phù hợp. “Tôi nghĩ phải chờ thêm thời gian nữa thì các khoản vay cụ thể mới có thể giải ngân”, ông Hoàng nhận định.


Giải thích việc doanh nghiệp tiếp cận vay ngân hàng thì dễ nhưng người dân gặp khó, lãnh đạo BIDV cho hay: Riêng đối với BIDV, không phải tất cả các phòng giao dịch của BIDV đều có chức năng cho vay. Một số phòng giao dịch chỉ có chức năng huy động vốn, dịch vụ. Nếu khách hàng có nhu cầu thì nên đến ngay trụ sở chính hoặc các phòng giao dịch lớn chắc chắn sẽ được trả lời cụ thể và hướng dẫn làm thủ tục cho vay.



Minh Phương - Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN