Mùa xuân này ở đất mũi Cà Mau

Cà Mau cách Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến hàng ngàn cây số, nhưng trong tâm khảm của người dân nước Việt, Cà Mau luôn hiện hữu với Mũi Cà Mau - điểm cực Nam của Tổ quốc. Đồng bào cả nước vẫn nhìn về Cà Mau với tình cảm chân thành, dõi theo từng bước đi của Cà Mau.


1. Tự hào về quá khứ


Không tự hào sao được, thế hệ chúng tôi, những người vừa tròn mười tám đôi mươi chứng kiến thời khắc của năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hồi đó Cà Mau đi ra khỏi cuộc chiến tranh với một đống tro tàn. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả phải làm lại từ đầu. Nỗi đau lớn nhất của Cà Mau là qua 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã có hơn 20.000 người, số hy sinh, số bị thương tích trên mình, có không ít bà mẹ Việt Nam Anh hùng 5 lần tiễn chồng, con đi chiến đấu rồi cũng bao nhiêu lần khóc thầm trong lặng lẽ.

Mũi Cà Mau - điểm cực Nam của Tổ quốc.

Có người hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình như nữ Anh hùng Phạm Thị Bay, ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước. Trước năm 1975 bà từng giữ chức Bí thư xã đã chỉ huy nhiều trận đánh đồn, khiến bọn Mỹ - ngụy phải khiếp sợ khi nghe nói tới tên bà. Bà được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhưng trong cuộc sống riêng bà lại không may mắn, cô đơn trong căn nhà tình nghĩa. Dù vậy nhưng bà vẫn lạc quan, tin tưởng thế hệ sau này sẽ có cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.


Còn nhớ thời điểm từ 1975 - 1985 thời gian chỉ có 10 năm thôi mà tưởng chừng dài như vô tận. Lúc ấy mùa xuân nhưng lại không thấy mùa xuân. Vừa mới kết thúc chiến tranh nhưng đất nước lại còn chịu ảnh hưởng của cơ chế quan liêu bao cấp. Do không giải phóng được sức sản xuất nên cuộc sống của người Cà Mau gặp vô cùng khó khăn. Thế mạnh kinh tế của địa phương là cây lúa nhưng sản xuất theo kiểu độc canh nên năng suất thấp, cung không đủ cầu dẫn tới tình trạng dân thiếu đói, tỷ lệ hộ nghèo lên tới trên 30%. Xuất khẩu lúc bấy giờ cho dù có nằm mơ cũng không dám thấy. Cuộc sống của người dân đối diện với 5 không: Không điện, không nhà, không đường, không trường, không trạm. Tuy nhiên, người dân Đất mũi Cà Mau vốn giàu truyền thống cách mạng, lạc quan, cần cù, chịu thương chịu khó.


2. Phấn đấu từ 5 không đến 5 có


Người dân Cà Mau vốn ngoan cường trong chiến đấu giờ tiếp tục ngoan cường trong lao động. Đảng bộ, chính quyền cùng với người dân chung sức chung lòng bàn chuyện sản xuất phát triển kinh tế với mục tiêu là cải thiện cuộc sống cho người dân. Làm thế nào biến từ 5 không trở thành 5 có. Câu chuyện nóng bỏng kéo dài giữa người dân và chính quyền suốt 15 năm ròng, đó là chuyện con tôm và cây lúa. Với kinh nghiệm đầu đội trời chân đạp đất, in đậm dấu chân trên mặt ruộng, người nông dân Cà Mau đã xác định rõ ràng, cây lúa không thể trở thành loại cây làm thay đổi cuộc đời của người nông dân mà phải có cuộc cải cách mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.


Vậy là người dân Cà Mau ôm ấp ý tưởng chuyển hướng từ trồng lúa sang nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, để thực hiện ý tưởng ấy là cả một vấn đề, bởi nếu trồng lúa thì nước ngọt, nuôi tôm thì nước mặn, nhưng việc chuyển đổi sản xuất từ hệ sinh thái ngọt sang hệ sinh thái mặn là một chủ trương lớn, trong khi người dân thì nóng lòng muốn chuyển dịch sớm, chính quyền thì chần chừ do dự không dám quyết. Đúng như thực tiễn đã tổng kết, đó là nông dân luôn đi trước, ý tưởng chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm đã được Chính phủ đồng ý, mở ra cho nông dân Cà Mau chân trời mới sau hàng trăm năm gắn bó với cây lúa.


Năm 2000, tỉnh Cà Mau bắt đầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế được xác định lại từ nông - lâm - ngư nghiệp sang ngư - nông - lâm nghiệp và dịch vụ, theo đó đã quy hoạch, chuyển 300.000 ha từ trồng lúa sang nuôi tôm. Mùa xuân này, vừa tròn mười ba mùa xuân Cà Mau thực hiện cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp, thời gian tuy không dài nhưng đủ để chứng minh rằng nhờ chuyển dịch cơ cấu sản xuất mà kinh tế của tỉnh Cà Mau phát triển nhảy vọt, đời sống của người dân được cải thiện qua từng năm. Xin nêu một vài con số để chứng minh cho sự thành công đó, nếu như năm 2000 kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt vài chục triệu USD thì nay kim ngạch xuất khẩu đã đạp ngưỡng 1 tỷ USD. Thu ngân sách xấp xỉ 5.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người là 1.250 USD. Sản lượng lương thực đạt 600.000 tấn. Tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 10.000 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2000 là 15% nay giảm xuống chỉ còn 6%.

Cà Mau có nhiều tiềm năng về du lịch.


Đi đôi với chuyển dịch cơ cấu sản xuất, Cà Mau còn có khu công nghiệp khí - điện - đạm mỗi năm nộp vào ngân sách địa phương gần 2.000 tỷ đồng, trở thành động lực thúc đẩy kinh tế Cà Mau đi lên.


Nhờ kinh tế phát triển mà cơ sở hạ tầng cũng dược đầu tư thỏa đáng, trong đó là cơ sở hạ tầng xã hội. Hiện nay Cà Mau đã có đường giao thông cho mô tô về tới 80 trung tâm xã, ô tô về tới 40 trung tâm xã. 92% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Trường học, trạm y tế đã được đầu tư xây dựng tới tận xã, vùng sâu vùng xa. Như vậy, sau 13 năm chuyển dịch cơ cấu sản xuất, Cà Mau đã biến từ 5 không thành 5 có.


3. Tương lai phía trước


Khi hương xuân bắt đầu lan tỏa, len lỏi tới từng nhà cũng là lúc vạn cánh hoa xuân đâm chồi nẩy lộc, đơm hoa kết trái giao thoa với ý xuân, tình xuân làm ấp áp tình người. Cà Mau xa lắm nhưng không có nơi nào mà mùa xuân không tới. Xuân tới trong niềm vui trúng mùa, trong tình dân nghĩa Đảng, trong niềm tin hướng tới tương lai. Mùa xuân Giáp Ngọ 2014 này cũng là mùa xuân Cà Mau đang trên đường triển khai thực hiện nhằm đạt nhiều mục tiêu cơ bản; đó là tiếp tục khơi dậy tiềm năng kinh tế thủy sản với sản lượng ước đạt 450.000 tấn để kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD. Thu ngân sách đạt 5.200 tỷ đồng. Sản lượng lương thực đạt 600.000 tấn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 1.300 USD. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng cũng được xác định thời gian về đích như cầu qua sông Cửa Lớn (sông Năm Căn), đây là cây cầu huyết mạch, thông xe cây cầu này ô tô sẽ đi thẳng về Đất mũi mà theo dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2014. Rút ngắn lộ trình làm cầu, đường cho ô tô về trung tâm xã. Kế đến là bảo đảm 95% hộ dân nông thôn có nước sạch sử dụng; 98% hộ dân dùng điện lưới quốc gia, rồi đầu tư xây dựng mới trường học, trạm y tế cơ sở đáp ứng cho nhu cầu phát triển nguồn nhân lực và dân sinh. Phấn đấu đến năm 2015 có 22 xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới.


Ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2013 có 15/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt. Với niềm vui đó hòa cùng với niềm vui đón xuân Giáp Ngọ về trên quê hương, Cà Mau sẽ đón một năm mới vui tươi, đầm ấm và tiết kiệm, bảo đảm mọi người điều được đón năm mới ấm áp tình dân, ý Đảng.


Tuy nhiên, con đường đi lên phía trước của Cà Mau không phải là con đường bằng phẳng mà còn đó những khó khăn, thách thức phải lo toan. Đó là cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Kinh tế phát triển thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sản phẩm nông nghiệp chưa có sức cạnh tranh cao. Là địa phương có chiều dài bờ biển tới 252 km nên đang chịu sự tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Công tác quản lý rừng còn nhiều bất cập, đời sống của lâm dân còn gặp nhiều khó khăn. Tất cả những vấn đề trên đòi hỏi phải được giải quyết ngay trong năm 2014.


Năm cũ đi qua, năm mới đến hòa lẫn với niềm vui trọn vẹn và nỗi lo toan. Nhưng với truyền thống đoàn kết, cần cù trong lao động, chịu thương chịu khó, Cà Mau sẽ tiến lên phía trước bằng đôi chân của mình.


Trần Thành Nên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN