Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu: 

Nghiên cứu kỹ khi bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã khai mạc tại Nhà Quốc hội, bên lề kỳ họp, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nguyễn Thị Sửu đã chia sẻ với báo chí về những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm trong kỳ họp này.

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu.

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV là Kỳ họp giữa nhiệm kỳ có nhiều nội dung quan trọng. Vậy đại biểu quan tâm nhất đến nội dung nào tại Kỳ họp này?

Chúng tôi kỳ vọng nhất vào việc Quốc hội bàn thảo, thống nhất và thông qua về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là bộ Luật nền, bộ Luật gốc để triển khai các luật khác. 

Bên cạnh đó còn có các dự án Luật khác cũng được Quốc hội thông qua trong Kỳ họp này, đó là: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, liên quan đến an sinh xã hội còn có Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Về địa phương thì có Luật Thủ đô (sửa đổi)… 

Tất cả những đạo luật này sẽ được Quốc hội thông qua sau khi đã có ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Chúng tôi thấy có sự liên kết rất chặt chẽ, đòi hỏi sự tập trung nghiên cứu sâu về thời gian, tài liệu và trách nhiệm của từng ĐBQH, trách nghiệm của các cơ quan soạn thảo sau khi tiếp thu ý kiến của ĐBQH phát biểu ở tổ, hội trường. Và sau đó còn là trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát trước khi ĐBQH bấm nút thông qua các dự án Luật.

Tại Kỳ họp này Quốc hội cũng sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đại biểu đã chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo đánh giá như thế nào trước khi bỏ phiếu?

Chúng tôi đã được gửi tài liệu trực tiếp qua đường bưu điện về thông tin của các đại biểu, các vị đại biểu được lấy phiếu tín nhiệm đợt này. 

Tôi cho rằng, việc đánh giá giữa nhiệm kỳ gắn với trách nhiệm với công việc, kết quả của các vị ĐBQH được lấy phiếu tín nhiệm đã đạt được khi điều hành công việc, lĩnh vực mình được phân công. 

Đặc biệt là mức độ hoàn thành nhiệm vụ cho đất nước, cho địa phương trong điều hành kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hệ thống chính trị, biệt là an sinh xã hội gắn với câu chuyện phát triển kinh tế. Điều ấy chúng tôi đã nghiên cứu và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Và tôi tin rằng các đại biểu khác cũng có thời gian nghiên cứu kỹ.

Các ĐBQH đều nhận tài liệu và cùng có thông tin được cập nhật như nhau; mức độ cập nhật cũng rất quan trọng và thêm vào đó chính là cái tâm, cái trí, trách nhiệm của ĐBQH khi lựa chọn, bỏ phiếu tín nhiệm đúng với chất lượng công việc, trách nhiệm của từng vị lãnh đạo đã cống hiến thời gian qua.

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ về bức tranh kinh tế - xã hội thì đại biểu kỳ vọng gì ở những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn?

Tôi kỳ vọng rằng các vị lãnh đạo sẽ đưa ra các giải pháp mới để triển khai thực hiện thật tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà chúng ta đã đặt ra ngay từ đầu nhiệm kỳ và làm sao thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2020 - 2025. 

Chúng tôi tin rằng với trách nhiệm trong công việc, cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thì những năm còn lại của nhiệm kỳ sẽ đạt được những kết quả đáng kỳ vọng và người dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023: Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tận dụng tốt cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm, lễ, Tết; tất cả các bộ, ngành, địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tích cực phục hồi, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu và ổn định thị trường, giá cả; nắm chắc tình hình, làm tốt công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, Nhân dân, nhất là trong dịp Tết. Bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5 - 4%. 

Video đại biểu Nguyễn Thị Sửu trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội:

Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bài, ảnh, video: Viết Tôn/Báo Tin tức
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Chuẩn bị kỹ công tác tổ chức, nội dung làm việc
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Chuẩn bị kỹ công tác tổ chức, nội dung làm việc

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể sáng 23/10 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN