Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý cho dự án Luật hành chính công

Chiều 9/5, tại Hà Nội, Ban soạn thảo Dự án Luật hành chính công (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật hành chính công.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIV; Trưởng Ban soạn thảo Luật hành chính công cho biết, mục đích của Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các Nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; cụ thể hóa các nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013 về quản lý hành chính nhà nước và cung ứng dịch vụ công; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn trong thực tiễn xây dựng, thực hiện pháp luật hành chính công; góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; xây dựng “Chính phủ kiến tạo”, “nền hành chính phục vụ” hiện đại, minh bạch, có hiệu lực, hiệu quả; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững, đảm bảo quốc phòng-an ninh và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.

Nêu ý kiến đóng góp cho dự án Luật hành chính công, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng, việc ban hành Luật hành chính công là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh đất nước đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo ông Nguyễn Văn Chương, về thủ tục hành chính, mỗi bộ, ngành, địa phương lại có những quy định riêng, đặc biệt là đối với các quy định về thời gian, quy trình nhận trả hồ sơ, công bố kết quả... Chính vì vậy, Ban soạn thảo nên nghiên cứu nội dung cụ thể để khi ban hành Luật hành chính công thì tất cả các thủ tục hành chính phải được thống nhất.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chí Đoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội cho rằng, việc ban hành Luật hành chính công là hết sức cần thiết. Luật này nếu được ban hành và đi vào thực tiễn sẽ là bước tiến trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, bởi đây là luật khung điều chỉnh các mối quan hệ và trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức được nhà nước ủy quyền với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công; tạo hành lang pháp lý, bảo đảm cho hoạt động của cơ quan nhà nước, hoạt động thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, phù hợp với quy định.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTXVN phát

Bên cạnh đó, việc ban hành Luật hành chính công còn tạo cơ hội cải cách mạnh mẽ mối quan hệ phối hợp trong nội bộ các cơ quan nhà nước, trong giải quyết các công việc có liên quan đến tổ chức và cá nhân; tạo điều kiện để xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ công, từ đó giảm gánh nặng ngân sách nhà nước; tạo điều kiện để cá nhân và tổ chức doanh nghiệp tham gia giám sát có hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.

Ông Nguyễn Chí Đoàn cũng đánh giá, việc ban hành Luật này sẽ khắc phục khoảng trống trong luật đối với việc một số vấn đề của hành chính công đang được quy định tại những văn bản dưới luật mà chưa được quy định trong luật như dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích, hiện đại hóa hành chính...

Góp ý với Ban soạn thảo về việc bổ sung thêm một số quy định đối với thủ tục dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích để phân biệt với thủ tục hành chính, ông Nguyễn Chí Đoàn cho rằng, việc bổ sung các quy định trên là cơ sở quan trọng cho quá trình kiểm soát thủ tục dịch vụ công, vấn đề tổ chức triển khai cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích.

Tại Hội thảo, các đại biểu đề nghị sử dụng tên Luật là “Luật hành chính công” để phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị đổi tên là “Luật họat động hành chính công” để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Về quản lý và cung ứng dịch vụ công, đa số ý kiến đồng ý với quy định về “Quản lý dịch vụ công” trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nên quy định giao cho cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước quản lý và cung ứng dịch vụ công.

Ban soạn thảo Dự án Luật hành chính công đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp để chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật.

Dự thảo Luật Hành chính công gồm 5 chương, 40 điều quy định về hành chính công gồm: Những quy định chung; Nguyên tắc chung của hành chính công; Thủ tục hành chính; Quản lý và cung ứng dịch vụ công; Mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong hành chính công và xử lý vi phạm, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; Điều khoản thi hành.

Dự án Luật hành chính công đã được đại biểu Quốc hội đề xuất từ năm 2013 cho đến tháng 5/2015 lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII; chính thức được Quốc hội khóa XIV đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2017; được Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên cho ý kiến vào tháng 8,9/2017; được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lùi thời gian trình đến kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) để Ban soạn thảo có đủ thời gian tiếp thu ý kiến của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thu Phương (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng bộ máy hành chính công
TP Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng bộ máy hành chính công

TP Hồ Chí Minh tập trung nâng cao chất lượng bộ máy hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn gắn với đạo đức; tập trung nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền kiến tạo phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN