'Nóng' tuần qua: Nhiều hoạt động dịp Giỗ Tổ Hùng Vương; Thêm các giải pháp bình ổn thị trường vàng

Tuần từ ngày 15/4 đến 21/4 diễn ra một số sự kiện đáng chú ý: Nhiều hoạt động dịp Giỗ Tổ Hùng Vương; thêm các giải pháp bình ổn thị trường vàng; phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ; khởi tố Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng; điều tra đối tượng xâm hại tình dục làm bé gái 12 tuổi có thai…

Thành kính Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng và nhiều địa phương

Ngày 18/4, tức mùng 10/3 âm lịch, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang trọng tại Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Chú thích ảnh
Đoàn rước kiệu lên Đền Hùng. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Trong ngày chính lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Phú Thọ và các địa phương đã thành kính dâng hương, hoa, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công dựng nước để con cháu nối tiếp truyền thống Lạc Hồng, xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh.

Trong dịp này, hàng triệu lượt khách đã về với Đền Hùng. Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội như: Hội trại văn hóa và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng; Liên hoan văn nghệ quần chúng, dân ca Phú Thọ; Trưng bày hoa lan nghệ thuật; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày; trình diễn múa Lân - Sư - Rồng và các hoạt động thể dục, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống; Lễ rước kiệu các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích về Đền Hùng…

Cũng trong ngày 18/4 (mùng 10 tháng 3 âm lịch), tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã thành kính tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - ngày lễ trọng đại của dân tộc, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đơn cử như: Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã long trọng dâng hương, dâng hoa lên Quốc Tổ Hùng Vương tại Đền Tưởng niệm các Vua Hùng nằm trong Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tại Đền thờ Vua Hùng (quận Bình Thủy); Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ dâng hương tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương Tân Hiệp (ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang)...

Thêm các giải pháp bình ổn thị trường vàng

Trong tuần qua, giá vàng liên tục biến động theo chiều hướng “hạ nhiệt”. Tính đến chiều ngày 19/4, giá vàng miếng SJC trong nước hiện được các công ty vàng niêm yết quanh mức 81,8 -  83,82 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). So với mức kỷ lục đạt được vào đầu tuần 85,52 triệu đồng/lượng, giá vàng đã giảm khoảng 1,7 triệu đồng/lượng (bán ra).

Chú thích ảnh
Đầu tuần tới ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành đấu thầu vàng. Ảnh: TTXVN

Giá vàng hạ nhiệt được nhận định do các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các giải pháp ngay sau đó của Ngân hàng Nhà nước về quản lý thị trường vàng; do sự chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Thông tin được nhiều người quan tâm là hoạt động đấu thầu vàng trong nước, góp phần bình ổn giá và thu hẹp khoảng cách giá so với thế giới. Ông Đào Xuân Tuấn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành đấu thầu vàng. Như vậy, sau 11 năm, NHNN sẽ đấu thầu vàng miếng trở lại để tăng nguồn cung vàng ra thị trường.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: NHNN luôn theo dõi sát sao, chặt chẽ các diễn biến trên thị trường vàng trong nước và quốc tế để có các giải pháp điều chỉnh phù hợp. Hiện giá vàng trên thế giới đang leo thang do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tâm lý của người dân, những diễn biến phức tạp về địa chính trị, chiến tranh căng thẳng, giá dầu tăng cao. Do đó, giá vàng tại Việt Nam cũng chịu tác động lớn từ giá vàng quốc tế.

Phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng

Trong tuần, sự kiện Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ ba thu hút sự quan tâm của nhiều người. Sự kiện diễn ra tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tại sự kiện, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc; chú trọng đầu tư, hỗ trợ, thành lập thiết chế các hoạt động khuyến đọc trong nhà trường, cơ quan, đơn vị các cấp; tăng cường, vận động sáng tác các tác phẩm sách, công trình có giá trị cao, phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của bạn đọc; đẩy mạnh chuyển đổi số trong văn hóa xuất bản, in ấn và phát hành sách, tạo giá trị mới.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba tại Hà Nội diễn ra từ ngày 17/4 – 1/5, với nhiều hoạt động, sự kiện phong phú, đa dạng nhằm tôn vinh sách và cổ vũ phát triển văn hóa đọc. Tại Phố sách Hà Nội, quận Hoàn Kiếm tổ chức chuỗi sự kiện “Ươm mầm tri thức – Kiến tạo tương lai” hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 và chào mừng kỷ niệm 7 năm thành lập Phố Sách Hà Nội.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, vào ngày 19/4, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cũng đã tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 - năm 2024 với chủ đề “Sách hay cần bạn đọc”. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 năm 2024 TP Hồ Chí Minh được tổ chức từ ngày 15/4 đến 1/5, tập trung cao điểm từ ngày 17 đến 22/4 tại đường Công trường Công xã Paris, Đường sách Nguyễn Văn Bình, Đường sách thành phố Thủ Đức cùng 21 quận, huyện... với hơn 300 các hoạt động, sự kiện

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ

Ngày 19/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy:

Đối với vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cá nhân có liên quan:

Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2011 - 2016 và 2016 – 2021 đều có những vi phạm như vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ và một số tập thể, cá nhân thuộc Bộ có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tổ chức mua, chuyển giao các bộ chương trình, đào tạo giáo viên dạy nghề; trong tham mưu ban hành, sửa đổi, tổ chức thực hiện các Đề án như: Đề án 371, Đề án 761… và làm trái quy định pháp luật trong tổ chức thực hiện đặt hàng, tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Tiến Bộ quốc tế (AIC) tham gia vào các gói thầu có giá trị lớn để thu lợi bất chính...

Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, Quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, để Bộ và một số tập thể, cá nhân thuộc Bộ có nhiều vi phạm, khuyết điểm, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền khi giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, Quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, để Bộ và một số tập thể, cá nhân thuộc Bộ có nhiều vi phạm, khuyết điểm; làm trái quy định pháp luật trong tổ chức thực hiện đặt hàng, tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia các gói thầu, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đồng chí Huỳnh Văn Tí khi giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, Quy chế làm việc, gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đối với vi phạm của một số đảng viên tại Đảng bộ các tỉnh Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, các đồng chí: Lê Viết Chữ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Doãn Hữu Long, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk; Đặng Gia Dũng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đắk Nông; Ma Ly Phước, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Phước đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương.

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Khiển trách đồng chí Đào Ngọc Dung; Cảnh cáo các đồng chí: Phạm Thị Hải Chuyền, Huỳnh Văn Tí và báo cáo, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Lê Viết Chữ; Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2011 - 2016; Khiển trách Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2021; Khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đồng chí: Phạm Hoàng Anh, Doãn Hữu Long, Đặng Gia Dũng, Ma Ly Phước.

Khởi tố Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng

Trong tuần qua , Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với: Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phẩn Tập đoàn Thuận An); Trần Anh Quang (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An); Nguyễn Khắc Mẫn (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An). Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với: Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc và Đàm Văn Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ"; Hoàng Thế Du, Trưởng phòng Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt các Quyết định, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét theo đúng quy định của pháp luật. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản.

Điều tra đối tượng xâm hại tình dục làm bé gái 12 tuổi có thai

Ngày 17/4, công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã quyết định khởi tố vụ án Hiếp dâm người dưới 16 tuổi để điều tra vụ việc liên quan đến bé L. ở xã Tam Hiệp mới 12 tuổi đã có thai. Cơ quan chức năng cũng ra quyết định ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với nghi phạm vụ án. Danh tính đối tượng này chưa được công bố.

Trước đó, chiều 6/1/2024, Cơ quan Công an triệu tập một đối tượng là hàng xóm của gia đình ông Đ.N.A lên lấy lời khai về việc xâm hại cháu gái tên L, 12 tuổi, con gái của ông A, nhưng người này không thừa nhận hành vi quan hệ tình dục với cháu L.

Theo phản ánh của ông Đ.N.A. cha của cháu L., ông nhận thấy điều bất thường của con gái vào tháng 1. Sau khi dò hỏi, ông được L. kể đã bị xâm hại. Ông A. nói người thực hiện hành vi này là một hàng xóm gần nhà tên là V.

Bố của cháu bé cho biết thêm, người hàng xóm này thường lợi dụng buổi chiều, khi bố cháu đi làm không ở nhà, để giở trò đồi bại với cháu bé. Dù đã trình báo công an nhưng vụ việc chưa được giải quyết.

Đến chiều 17/4, cháu L. đã sinh một bé trai nặng 3kg và cả hai mẹ con hiện trong tình trạng sức khỏe tốt. Đại diện Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã lấy mẫu ADN đứa trẻ này để xét nghiệm phục vụ công tác điều tra.

XM/Báo Tin tức
'Nóng' tuần qua: Thủ tướng đối thoại với thanh niên; Hà Nội công bố ba môn thi vào lớp 10 công lập
'Nóng' tuần qua: Thủ tướng đối thoại với thanh niên; Hà Nội công bố ba môn thi vào lớp 10 công lập

Tuần từ ngày 25 - 31/3, đã diễn ra một số sự kiện đáng chú ý: Thủ tướng đối thoại với thanh niên; tiếp tục xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát; Hà Nội công bố ba môn thi vào lớp 10 công lập; Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect bị tấn công mạng; khởi tố, bắt tạm giam hai quan chức Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi và Shark Thủy…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN