Kỷ niệm 59 năm Chiến thắng Ấp Bắc (2/1/1963-2/1/2022):

Phấn đấu xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao ở xã anh hùng

Cách đây 59 năm, vào ngày 2/1/1963, tại xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Ấp Bắc lẫy lừng, bẻ gãy chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận của quân địch; mở ra một giai đoạn mới tất thắng trên chiến trường chống Mỹ ở miền Nam.

Chú thích ảnh
Di tích Chiến thắng Ấp Bắc. Ảnh: baoapbac.vn

Ngày nay, Tân Phú có qui mô 5 ấp, 1.470 ha, 1.520 hộ dân với 5.470 nhân khẩu đang sinh sống, là một xã thuần nông của thị xã Cai Lậy, tiếp giáp vùng Đồng Tháp Mười.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Phú - Nguyễn Văn Nha, những năm qua, phát huy truyền thống cách mạng hào hùng trong cuộc kháng chiến chống giải phóng dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương ra sức phát huy tốt các tiềm năng đất đai, lao động, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và nâng cao mức sống nhân dân. Tân Phú đã xây dựng thành công và ra mắt xã nông thôn mới vào năm 2018.

Tân Phú hưởng ứng chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới với những việc làm thiết thực như: Hiến đất làm đường, kiện toàn cơ sở kiến thiết hạ tầng nông thôn giao thông – thủy lợi… Thành quả trong xây dựng nông thôn mới ở xã thuần nông, căn cứ kháng chiến ở ven Đồng Tháp Mười nhiều khó khăn trước đây có sự góp sức to lớn của những lão nông tri điền trung kiên, chí cốt của cách mạng qua các thời kỳ, được Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen. Điển hình là tấm gương ông Trần Văn Phỉ (ấp Tân Hòa), ông Nguyễn Văn Sáu (ấp Tân Hiệp), ông Nguyễn Văn Hải (ấp Bắc), ông Lê Văn Trưng (ấp Tân Thới)…, luôn tiên phong, học và làm theo Bác Hồ, hết lòng vì cộng đồng. Mỗi người đã hiến từ vài trăm đến hàng ngàn mét vuông đất giúp địa phương kiện toàn giao thông nông thôn theo chuẩn quốc gia.

Ba năm sau khi trở thành xã nông thôn mới, có dịp về Tân Phú ai cũng vui mừng khi nhìn thấy diện mạo quê hương Ấp Bắc hào hùng và lẫm liệt một thời đã khang trang, đẹp đẽ hơn. Từ một xã thuần nông, kinh tế chỉ dựa vào cây lúa và con lợn, con gà thì ngày nay, Tân Phú đã chuyển đổi mạnh mẽ sang cơ cấu đa dạng hóa ngành nghề, mở mang thương mại – dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn, đưa miền quê nghèo khó ngày nào vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hàng năm, địa phương đạt diện tích gieo trồng 3 vụ lúa trên 1.000 ha, sản lượng trên 7.500 tấn lúa hàng hóa, diện tích cây ăn quả phát triển lên gần 200 ha, tổng đàn lợn trên 1.400 con, đàn gia cầm trên 10.000 con… Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đang trên đà phát triển với 5 doanh nghiệp tư nhân, 1 hợp tác xã xây dựng, 1 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, hàng chục cơ sở xay xát và may mặc, làm bánh…, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn. Đặc biệt, nhờ Chương trình mục tiêu nông thôn mới, Tân Phú cũng đã xây dựng được chợ nông thôn khang trang làm nơi kinh doanh, mua bán cho hàng trăm hộ tiểu thương. Chợ Tân Phú buôn bán tấp nập quanh năm, cung ứng đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống người dân nông thôn. Kinh tế phát triển, nông nghiệp, nông thôn đổi mới đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2021 xuống còn 0,76%, nâng thu nhập bình quân đầu người toàn xã lên mức trên 50 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 10 triệu đồng/người so với năm 2018.

Chú thích ảnh
Bộ mặt nông thôn ở xã Tân Phú nhiều khởi sắc. Ảnh: baoapbac.vn

Năm 2021 vừa qua dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống nhân dân, Tân Phú giữ vững địa bàn là một trong những “vùng xanh” của tỉnh Tiền Giang. Đây là tiền đề để năm 2022, địa phương hướng đến phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao khi chuyển sang giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Phú - Nguyễn Văn Nha cho biết, ngay từ đầu năm 2022, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tình hình mới dựa trên phương châm “Vaccine + 5 k + ý thức người dân”, tổ chức các đội y tế lưu động thăm khám và điều trị cho F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà; tuyên truyền, thông tin biện pháp chủ động phòng, chống COVID-19 rộng rãi trong nhân dân nhằm bảo vệ tốt sức khỏe cộng đồng, không để dịch bệnh tái bùng phát trở lại. Song song đó, Tân Phú tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cũng như phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương chung sức xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trong toàn hệ thống chính trị.

Lãnh đạo địa phương kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng xã nông thôn mới nâng cao các cấp, Ban Giám sát cộng đồng và Ban Phát triển các ấp, tập trung mọi nguồn lực, giải pháp, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống, đồng thuận, chung sức, chung lòng, phấn đấu hoàn thành và ra mắt xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2022, thiết thực lập thành tích tiến tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc vào ngày 2/1/2023.

Lãnh đạo xã chia sẻ: Trong năm 2022, địa phương huy động trên 24 tỷ đồng xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, trong đó vốn ngân sách trên 6,1 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp 17,2 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 0,5 tỷ đồng và các nguồn huy động khác. Theo lộ trình, trong năm 2022, Tân Phú tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt được trong năm 2021 đồng thời tập trung hoàn thiện các tiêu chí có tính chất nền tảng làm cơ sở để thực hiện các nội dung tiếp theo còn lại. Phấn đấu trong quí III/2022, xã sẽ hoàn thành 100% tiêu chí để được thẩm định công nhận và ra mắt xã nông thôn mới nâng cao vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc (2/1/1963-2/1/2023). Đây sẽ là sự kiện quan trọng làm nức lòng quân dân địa phương, đánh dấu một thắng lợi mới, mở ra giai đoạn phát triển mạnh mẽ trên quê hương Ấp Bắc anh hùng thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Minh Trí (TTXVN)
67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức mạnh Việt Nam - tầm vóc thời đại
67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức mạnh Việt Nam - tầm vóc thời đại

Chiến tranh đã lùi xa hai phần ba thế kỷ, nhưng dư âm 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” của quân và dân Việt Nam vẫn lắng đọng trong những trang sử vàng hào hùng của dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN