Phế liệu nhập khẩu sẽ tiếp tục tràn về Việt Nam nếu không sớm có biện pháp xử lý

Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp liên ngành tìm giải pháp xử lý phế liệu tồn đọng tại các cảng biển. Theo đánh giá chung, tình trạng tồn đọng phế liệu nhập khẩu thời gian gây tình trạng ô nhiễm môi trường, do vậy, liên ngành cần sớm có động thái ngăn chặn nếu không lượng phế liệu nhập khẩu sẽ tiếp tục tràn về Việt Nam.

Vì sao nhiều container không chủ?

Theo báo cáo công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, tổng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng 2 lần so với khối lượng nhập khẩu 2016. Trong đó khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy, xỉ hạt nhỏ là những phế liệu có khối lượng tăng gấp 2-3 lần. Đặc biệt chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, khối  lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến 2 lần so với cả năm 2017. Tính đến 26/6/2018 số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại Tân cảng Sài Gòn là 4480 container, trong đó riêng cảng Cát Lái là 3.464 container. Tại Hải Phòng, đang tồn đọng số container quá hạn trên 90 ngày là 737 container.

Nguyên nhân khách quan của tình trạng tồn đọng, theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, từ cuối năm 2017, Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu khiến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu phải tìm đối tác khác, thị trường khác như Việt Nam, Malaysia. Do đó, một lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước đang phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi họp. Ảnh: Khương Trung

Về nguyên nhân chủ quan, theo ông Hoàng Văn Thức, xuất hiện tình trạng một số tổ chức, cá nhân đăng ký địa chỉ ma nhưng cố tình nhập khẩu phế liệu không đáp ứng quy chuẩn nên cơ quan hải quan không thể liên hệ được. Một số lượng lớn container tồn tại tồn đọng lâu ngày, có thể tồn đọng đến 5-6 năm mà không có người đến nhận ảnh hưởng đến kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp cảng biển và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

“Cùng với đó, Việt Nam hiện chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới, chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển, sắp xếp lên bờ lúc đó mới làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Vì thế, chúng ta luôn bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép vẫn nhập về. Đây là một tồn tại rất lớn", ông Thức nói.

Xem xét lại các tiêu chuẩn, quy định

Theo Tổng cục Môi trường, thông tin từ một số hãng tàu lớn cho thấy hàng phế liệu nhựa, giấy sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do các hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn đang tìm hướng giải quyết số lượng container tồn đọng tại các cảng.

Ông Trần Đức Phương, Phó Cục trưởng cục điều tra buôn lậu Bộ Công An cho biết, trong hoạt động điều tra thực tế, phế liệu tồn đọng ở cảng hiện nay chủ yếu là những mặt hàng tạm nhập tái xuất và thị trường lớn nhất là thị trường Trung Quốc, những mặt hàng tồn đọng ở đây có 20% là giấy, 80% là phế liệu.

Ông Phương cũng cho biết, việc xử lý chuyên ngành với những trường hợp vi phạm được rất ít, thậm chí là những hàng phế liệu khó có thể khởi tố vì không có giá, hội đồng định giá không ai dám định giá mặt hàng đó để đưa ra khởi tố hình sự.

“Hoạt động tạm nhập tái xuất là hoạt động đem lại ngân sách lớn cho địa phương có cảng biển và DN logistics, tuy nhiên chúng ta cần xem xét nếu  không căn cứ những cái thị trường cần để đưa ra quy định phù hợp với hàng tạm nhập tái xuất thì tôi khẳng định hàng tồn tiếp tục gia tăng”, ông Phương cho hay.

Ông Phương kiến nghị, Bộ Luật Hình sự hiện đã có quy định pháp nhân chịu trách nhiệm nên chúng ta cần xem xét vai trò pháp nhân trong việc nhập khẩu phế liệu để có căn cứ xử lý hình sự. Cùng với đó phải xác định rõ các khái niệm về phế liệu, chất thải vì hiện nay khái niệm còn rất mơ hồ.

“Cũng cần xem xét có chế tài với các hãng tàu, khi cho thuê công thì phải xem xét hàng hóa đóng trong đó là hàng gì, có đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn Việt Nam không vì hàng hóa đưa về Việt Nam thì các hãng tàu phải có đại diện ở Việt Nam. Tôi cũng chưa thấy vai trò của UBND tỉnh được nhắc đến ở đây, khi họ phải đứng ra chủ trì, xử lý như thế nào đảm bảo thỏa đáng, làm sao các hãng tàu và cảng phải chia sẻ xử lý hàng hóa”, ông Phương cho hay.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Lê Công Thành kiến nghị, hiện nay Tổng cục Hải Quan không nhận được danh mục các đơn vị được cấp phép nên cần có sự liên thông hơn nữa giữa hai ngành. Cùng với đó,  hiện nay mới có quy chuẩn kỹ thuật sắt, thép, nhựa, các mặt hàng khác không có nên cơ quan hải quan không có cơ sở nào để xác định sản phẩm được hay không được nhập.

Đại diện Bộ Công Thương cũng kiến nghị cần có cơ chế xử lý đối với các hãng tàu vận chuyển hàng không đúng quy định. Hiện chúng ta chưa thể cấm ngừng 100% phế liệu nhưng phải có chiến lược sử dụng, trong đó việc nhập khẩu phải tính đến khả năng ô nhiễm môi trường, nguồn cung ở trong nước và công nghệ chế biến, nếu không có công nghệ xử lý an toàn thì không nhập khẩu nữa.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất những việc cần làm ngay:

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các đơn vị liên quan và đưa góp ý vào cơ chế chính sách sửa đổi trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng chỉ ra những việc cần làm ngay:

Thứ nhất, tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị: Hải quan, Tài nguyên & Môi trường, Tài chính, Công Thương, Công an…để xem xét tình hình hiện nay và đánh giá được nhu cầu nhập khẩu phế liệu thực tế.

Thứ hai, những doanh nghiệp, lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam không chứng minh được có giấy phép nhập khẩu thì chúng ta không cho nhập. Kiên quyết không dỡ hàng khi không có giấy phép nhập khẩu phế liệu.

Thứ ba, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương trong thẩm quyền của mình có văn bản với các hãng tàu, đề nghị có hồ sơ hoàn chỉnh, nếu không có giấy nhập khẩu phế liệu của bên xuất khẩu, nhập khẩu thì về Việt Nam không được nhập khẩu . Hãng tàu phải chịu trách nhiệm về việc này.

Thứ tư, yêu cầu chính quyền địa phương kiểm tra và kiên quyết đóng cửa kể cả làng nghề, doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, đóng cửa doanh nghiệp không đủ điều kiện năng lực xử lý tái chế theo quy định.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN&MT sẽ điều chỉnh lại quy định, người đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu chỉ có nhà sản xuất và trên cơ sở tiêu chuẩn điều kiện kho bãi, xử lý môi trường mới được nhập. Cùng với đó, sẽ xem xét ban hành danh mục, hàng hóa nào thuộc loại hiệu quả sử dụng thấp và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải bỏ đi, chỉ nhập những loại thật sự cần thiết và có hiệu quả kinh tế rõ ràng.

Đối với số lượng container tồn đọng, Bộ sẽ kiến nghị Bộ GTVT phối hợp với chủ tàu, hãng tàu xử lý lô hàng tồn đọng. Lựa chọn nhà xử lý đáp ứng yêu cầu, vừa xử lý thành nguyên liệu vật liệu nhưng phải đảm bảo môi trường. Xem xét các bên đứng ra chịu trách nhiệm, ví dụ như cảng vụ cùng địa phương….
Trang Thu/Báo Tin Tức
Kiến nghị rà soát hồ sơ về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu
Kiến nghị rà soát hồ sơ về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu

Bộ Tài chính vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các hồ sơ xin cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, thông báo cơ quan hải quan danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN