Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Dễ dãi khi sử dụng internet dẫn đến nguy cơ bị lấy cắp thông tin

Cứ thấy tin nhắn đến điện thoại là ấn ok đọc, email quảng cáo khuyến mại cũng đọc mà không biết mình đang bị lấy cắp thông tin cá nhân. Đây là hiện trạng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc đến khi báo cáo giải trình trước Quốc hội về an toàn thông tin mạng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Báo cáo giải trình những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Chúng ta chưa nhận rõ nguy cơ của mất an toàn, an ninh thông tin. Điều này thể hiện ở việc đầu tư cho an toàn, an ninh thông tin mạng còn ít. Đội ngũ được đào tạo bài bản còn ít.

"Chúng ta chỉ có khoảng 500 cán bộ chuyên trách về an toàn, an ninh thông tin, trong khi con số này ở Trung Quốc là 40.000 người, Mỹ - Đức cũng có đến 15.000 - 20.000 người.", Phó Thủ tướng dẫn chứng.

Phó Thủ tướng nêu thực trạng: Người dùng internet vẫn chưa nhận thức được nguy cơ mất an toàn thông tin. Tin nhắn đến điện thoại là bấm ok đọc ngay. Thấy email khuyến mại là bấm vào đọc. Cách sử dụng internet dễ dãi dẫn đến nguy cơ bị mất thông tin cá nhân, phục vụ cho mục đích kinh doanh hoặc lợi dụng để lừa đảo, tống tiền, làm việc có hại.

Trong khi người dân các nước 60% nhận thức được nguy cơ lây nhiễm mã độc thì chỉ 11% người dân Việt Nam nhận thức được sự nguy hiểm. Từ thực tế này, Phó Thủ tướng lưu ý: An ninh mạng rất quan trọng không chỉ với các cá nhân và còn với an toàn thông tin quốc gia. Chính phủ xác định phải giữ chủ quyền trong không gian này.

Có thái độ kiên quyết với mạng xã hội nước ngoài

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trên thế giới có 52% dân số dùng Internet, 42% đã dùng mạng xã hội. Việt Nam có 67% người dùng Internet và 60% người dùng mạng xã hội.

Mặc dù tỷ lệ người dùng internet và mạng xã hội Việt Nam cao hơn thế giới nhưng điều đáng lưu ý chủ yếu Việt Nam đang sử dụng ứng dụng công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, các công ty nước ngoài chiếm 95% thị phần mạng xã hội, 98% thị phần công cụ tìm kiếm, 98% thị phần dịch vụ thư điện tử chiếm đến 98% từ các nhà cung cấp tên tuổi như Yahoo và Gmail, Facebook, Google.... Đặc biệt, riêng thị trường quảng cáo trực tuyến thì Facebook và Youtube đã chiếm 80%.

Các nước đều phải quản lý các nhà cung cấp các ứng dụng mạng xã xã và internet. Trung Quốc có mạng riêng. Với mạng Facebook, nhà mạng này chỉ đứng thứ 6 ở Hàn Quốc và thứ 7 ở Nhật Bản.

"Các nước thường tránh để xảy ra tình trạng độc quyền trong cung cấp dịch vụ và dùng biện pháp kĩ thuật để chặn thông tin độc hại. Do đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông phải có thái độ dứt khoát và kiên quyết hơn, phù hợp cam kết quốc tế và pháp luật Việt Nam để kiểm soát thông tin", Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Thúc đẩy Chính phủ điện tử để cải cách hành chính
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Thúc đẩy Chính phủ điện tử để cải cách hành chính

Trong phiên trả lời chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ thúc đẩy việc xây dựng Chính phủ điện tử để cải cách thủ tục hành chính, mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN