Thể chế hóa một số nhóm chính sách lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 26/10, Quốc hội nghe các báo cáo và thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Theo đó, các đại biểu thống nhất việc đầu tư xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia để dùng chung, thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thời hạn, lộ trình hoàn thành việc này để phục vụ cho công tác quản lý, quản trị tài nguyên nước theo công nghệ số của Trung ương và địa phương. Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. 

Đối với dự án Luật này, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí đánh giá, hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện hơn dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp trước, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung các quy định, thể chế hóa một số nhóm chính sách lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước, xã hội hóa ngành nước, kinh tế tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác…

Để tránh chồng chéo và khó áp dụng trong thực tế, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị làm rõ việc phân vùng chức năng nguồn nước được xác định trong quy hoạch tổng thể lưu vực sông liên tỉnh, quy hoạch tỉnh và nguồn nước nội tỉnh; đồng thời bổ sung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra. 

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đề nghị bổ sung quy định về thời hạn, lộ trình hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia nhằm phục vụ cho công tác quản lý, quản trị tài nguyên nước theo công nghệ số của Trung ương và địa phương. 

Chiều 26/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). 

Cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nội dung về việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. 

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cho biết, đối với quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án: quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê nhằm nâng cao tính khả thi.

Tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê sẽ góp phần bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, đồng thời cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp. 

Căn cứ vào những định hướng chính sách của Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/4/2023, với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được 1 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn; đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, quy định như Điều 76 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là chưa hoàn toàn phù hợp, chưa xác định rõ và chưa đầy đủ đối tượng được hưởng chính sách, trong đó chính sách hỗ trợ quan trọng nhất là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. 

Tại phiên họp, các đại biểu cũng quan tâm thảo luận nhiều nội dung như: Phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân; hình thức sử dụng đất được đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại...; việc hoàn thiện chính sách để phát triển, quản lý chung cư mini; quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư...

Hiền Hạnh (TTXVN)
Đề xuất mở rộng đối tượng được thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư
Đề xuất mở rộng đối tượng được thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 26/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Nội dung về việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN