Thông tin về việc tàu ngầm Hải quân Việt Nam cứu hộ tàu hàng của Nga gặp nạn trên biển

Chiều 17/12, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã thông tin về một số hoạt động đối ngoại trong thời gian tới và trả lời các câu hỏi phóng viên quan tâm.

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông báo một số hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Ảnh: TTXVN phát

Cứu nạn tàu hàng của Nga gặp nạn trên biển

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ngày 10/12 vừa qua, Lữ đoàn Tàu ngầm, Quân chủng Hải quân cho biết đã cứu hộ tàu hàng Sokol của Nga gồm 6 thuyền viên bị nạn gần khu vực Vịnh Cam Ranh, Khánh Hòa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông tin:

“Chúng tôi đã trao đổi với Bộ Quốc phòng và được biết theo Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, ngày 9/12, tàu Sokol mang quốc tịch Nga đang trên hải trình vận chuyển hàng hóa trên Biển Đông, khi đi qua khu vực biển cách Vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa  khoảng 120 hải lý theo hướng Đông-Đông Bắc bị chết máy và trôi dạt trên biển”.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Sở Chỉ huy Quân chủng Hải quân đã chỉ đạo các cán bộ, thủy thủ tàu 991, Hải đội 418, Lữ đoàn tàu ngầm 189 của Quân chủng Hải quân khẩn trương đến vị trí cứu nạn tàu bị nạn đồng thời lai dắt tàu Sokol cùng với 6 thuyền viên cập cảng an toàn.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm, hiện nay, tình hình sức khỏe của các thuyền viên nói trên bình thường và tinh thần ổn định.

Trên tinh thần nhân đạo, trách nhiệm và hợp tác quốc tế, thời gian qua, các lực lượng trên biển của Việt Nam đã nhiều lần cứu hộ, cứu nạn thành công các tàu nước ngoài gặp nạn trên các vùng biển thuộc chủ quyển, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Việt Nam đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững lưu vực sông Mekong

Liên quan đến công cụ giám sát đập trên sông Mekong, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến đóng góp vào nỗ lực chung hợp tác quản lý và sử dụng bền vững công bằng hợp lý nguồn nước sông Mekong. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và hợp tác một cách phù hợp để có thể đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững lưu vực sông Mekong”.

Việt Nam luôn ủng hộ, đảm bảo thực thi quyền tự do báo chí

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước thông tin từ Tổ chức quốc tế Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho rằng chính sách quản chế tự do báo chí của Chính phủ Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm khắc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu mà Tổ chức Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đưa ra về tình hình Việt Nam.

Việt Nam luôn ủng hộ và đảm bảo thực thi quyền tự do báo chí. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan, được thể hiện rõ ràng qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong thời gian qua. Tính đến hết năm 2019, Việt Nam có 868 cơ quan báo chí, 125 kênh truyền hình; mạng di động phủ sóng 99,7% dân số, trong đó mạng 3G và 4G phục vụ 98% dân số; hơn 64 triệu người dân Việt Nam đang sử dụng Internet và hơn 62 triệu người dân sử dụng mạng xã hội.

Ở Việt Nam cũng như ở bất cứ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai nếu có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xét xử theo đúng trình tự tố tụng đã được quy định trong pháp luật hiện hành".

21 du học sinh Việt Nam mắc COVID-19 ở Hàn Quốc được chăm sóc tốt

Liên quan đến việc 21 du học sinh Việt Nam mắc COVID-19 trong một ổ dịch ở Hàn Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Thông tin về 21 sinh viên Việt Nam bị mắc COVID-19 tại Hàn Quốc, chúng tôi đã nhận được qua Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul. Theo đó, từ ngày 14 - 16/12 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết có 21 du học sinh Việt Nam sống tại Ký túc xá trường Đại học Ajou Motor (thành phố Boryeong, tỉnh Chungcheong Nam, Hàn Quốc) đã được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2”.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm: Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul (Hàn Quốc) đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng Hàn Quốc, yêu cầu cung cấp thông tin cụ thể, có biện pháp cách ly, điều trị tích cực, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho các sinh viên.

Hiện nay, các sinh viên này đang được chăm sóc tốt và tình trạng sức khỏe ổn định. Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc giữ liên lạc thường xuyên với các sinh viên Việt Nam và sẵn sàng có các biện pháp bảo hộ trong trường hợp cần thiết.

Việt Nam duy trì đối thoại và tham vấn với phía Hoa Kỳ để xử lý các vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ chính thức xác định Việt Nam và Thụy Sỹ là quốc gia thao túng tiền tệ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Theo tôi được biết, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tin cụ thể về việc này. Trong 25 năm qua, đặc biệt từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại và đầu tư. 

Chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ, thực hiện nghiêm túc các cam kết cấp cao, thỏa thuận thương mại giữa hai nước cũng như các cam kết thương mại đa phương.

Việt Nam duy trì đối thoại và tham vấn trên tinh thần xây dựng với phía Hoa Kỳ để xử lý các vấn đề vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương theo hướng bền vững và hài hòa lợi ích của cả hai bên".

Hồng Điệp-Việt Đức (TTXVN)
21 du học sinh Việt Nam mắc COVID-19 ở Hàn Quốc được chăm sóc tốt
21 du học sinh Việt Nam mắc COVID-19 ở Hàn Quốc được chăm sóc tốt

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi của phóng viên về việc 21 du học sinh Việt Nam mắc COVID-19 trong một ổ dịch ở Hàn Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN