Tin nổi bật ngày 8/2

Ngày 8/2, hàng loạt thông tin “nóng” liên quan tới dịch bệnh COVID-19 được dư luận đặc biệt quan tâm: Thủ tướng đồng ý giãn cách xã hội một số quận, địa bàn có ca lây nhiễm; Hà Nội thông báo thêm các ca bệnh đã đi nhiều nơi; Thành phố chủ trương xử lý hình sự với người trốn khai báo y tế; Ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất có thể nhiều hơn 29 ca mắc… Bên cạnh đó là thông tin khuyến cáo việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Phú Quốc…

Thủ tướng đồng ý giãn cách xã hội một số quận, địa bàn có ca lây nhiễm

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Chiều 8/2, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về phòng, chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, các thành phố lớn đang có dịch được áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan các ổ dịch ra cộng đồng, gồm cả việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với những ổ dịch có diễn biến xấu.

Thủ tướng nhấn mạnh, các tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Hải Phòng tiếp tục thực hiện các phương án đã nêu. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải có cách xử lý riêng với cách làm phù hợp. Ví dụ như thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng, giãn cách xã hội ở một số khu vực thấy cần thiết, tán thành đề xuất Bộ Y tế về giãn cách xã hội một số quận, địa bàn có ca lây nhiễm khi tình huống xấu có thể xảy ra. Hệ thống y tế, kể cả hệ thống chính trị, người dân phải được báo động mạnh mẽ hơn, nhất là các phương tiện truyền thông thông tin phải nói rõ tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng ở thành phố lớn để chúng ta có biện pháp hạn chế đi lại và các biện pháp mạnh mẽ."

Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương kiên quyết không cho tổ chức các hoạt động tập trung đông người nếu thấy không cần thiết. Ngành y tế theo dõi thường xuyên để cùng Ban Chỉ đạo đưa ra biện pháp cụ thể để xử lý, kịp thời hỗ trợ các địa phương.

Hà Nội phạt nặng người trốn khai báo y tế

Ngày 8/2, Sở Y tế Hà Nội đưa ra thông báo về việc ghi nhận thêm ca các dương tính mới với virus SARS-CoV-2, trong đó một bệnh nhân đã từng tiếp xúc với nhiều người. Hà Nội đang tích cực điều tra, truy vết các trường hợp liên quan đến các ca bệnh trên để có biện pháp phòng dịch kịp thời.

Chú thích ảnh
Tòa nhà Garden Hill  tại số 99 phố Trần Bình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã bị phong tỏa vào sáng 8/2/2021.

Tại cuộc họp Thường trực Thành uỷ Hà Nội chiều 8/2, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ chỉ đạo: Các trường hợp bệnh nhân cố tình không khai báo y tế, để lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng sẽ bị xử lý thật nghiêm, cần thiết xem xét xử lý hình sự. Người không đeo khẩu trang nơi công cộng có thể bị phạt tới hàng trăm triệu đồng.

Cụ thể trường hợp ở đây là nữ bệnh nhân 2009 - trong thời gian tiếp xúc với F0 đến khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 là 12 ngày. Theo chu kỳ dịch, cô gái này có khả năng lây nhiễm trong vòng 10 ngày qua và tiếp xúc với rất nhiều người trên địa bàn 2 quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mà không khai báo y tế, không khai báo thành khẩn với các cơ quan chức năng.

Trong cuộc họp chiều 82, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội tiếp tục xử phạt nghiêm với mức xử phạt cao nhất đối với người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng; xử lý nghiêm người đăng thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận về dịch bệnh COVID-19.

Thành lập bệnh viện dã chiến ngay trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, ngày 8/2, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội triển khai xây dựng Bệnh viện dã chiến nhằm hỗ trợ công tác chống dịch COVID - 19 ngay tại khuôn viên Bệnh viện.

Bệnh viện dã chiến được xây dựng tại khu hành chính cũ - cổng số 2 của Bệnh viện Bạch Mai; tiến độ hoàn thành nhanh chóng với 8 nhà bạt sức chứa 64 giường bệnh.

Bệnh viện dã chiến này được bố trí làm khu sàng lọc bệnh nhân COVID - 19; được bố trí khép kín cho các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở. Bệnh viện cũng được trang bị đầy đủ các thiết bị như: Máy siêu âm, điện tâm đồ, chụp X.quang... Với các bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ sẽ được thăm khám ngay tại vị trí sàng lọc, nhằm khoanh vùng yếu tố nguy cơ, không để xâm nhập vào khu điều trị hoặc lây lan ra xung quanh.

Theo đó, khu bệnh viện dã chiến sẽ là nơi chăm sóc cho những bệnh nhân nặng có yếu tố nghi ngờ trong khi chờ kết quả xét nghiệm.

Đặc biệt, trong trường hợp nếu dịch COVID-19 bùng phát mạnh, vượt quá khả năng đáp ứng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì Bệnh viện dã chiến này sẽ sẵn sàng là nơi "chia lửa", hỗ trợ tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân mắc COVID - 19

Số ca lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ không dừng lại ở 29

Chú thích ảnh
Nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Tại cuộc họp khẩn về công tác phòng chống dịch COVID-19 với TP Hồ Chí Minh ngày 8/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, số ca lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ không dừng lại ở con số 29, mà có thể thêm những ca đã khỏi hoặc mới nhiễm.

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, Thành phố đã xét nghiệm 149 người tiếp xúc với bệnh nhân 1979 và 20 ca nghi ngờ, phát hiện 24 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện 6 quận, huyện trên địa bàn thành phố có ca bệnh, gồm Quận 1, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp và Quận 12 đã được phong tỏa, xử lý.

Liên quan đến ổ dịch ở sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng số ca lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ không dừng lại ở con số 29 mà có thể thêm những ca đã khỏi hoặc mới nhiễm. Tuy nhiên, ổ dịch này nằm trong khu vực ngoài trục cảng hàng không nên khả năng lây nhiễm với hành khách, nhân viên phục vụ phía ngoài sẽ khó xảy ra.

"Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự giao lưu của nhóm người này với cộng đồng dân cư tại TP Hồ Chí Minh là rất lớn. Chúng tôi đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở TP Hồ Chí Minh đang phức tạp, cần hành động quyết liệt, khẩn trương hơn một bước", ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Sau khi có thêm các trường hợp dương tính với virus SASR-CoV-2 liên quan ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh ngày 8/2, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện "dành nhiều thời gian và không ra khỏi thành phố, tập trung toàn lực cho Thành phố chống dịch".

Quyết liệt kiểm soát bệnh cúm gia cầm

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 163/CĐ-TTg về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người.

Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã xảy ra 40 ổ dịch cúm gia cầm tại 14 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày, buộc phải tiêu hủy trên 100.000 con gia cầm. Nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 tiếp tục lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao. Để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 đang xảy ra tại các địa phương, đồng thời chủ động ngăn chặn các chủng virus cúm gia cầm xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương bố trí các nguồn lực để tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm theo đúng nội dung tại Quyết định số 172/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025".

Khuyến cáo việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên đảo Phú Quốc

Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vừa ra thông báo khuyến cáo các tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về đất đai để tránh xảy ra rủi ro, tranh chấp.

Chú thích ảnh
Một góc huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: TTXVN

Theo đó, ngành chức năng thành phố Phú Quốc phối hợp với xã, phường tăng cường thông báo, tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao dịch về quyền sử dụng đất cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý của thửa đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như yêu cầu khác liên quan đến giao dịch quyền sử dụng đất để tránh tình trạng tranh chấp, khiếu nại về sau.

Cụ thể, thông tin về tính pháp lý của thửa đất, mục đích sử dụng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xác định nhu cầu sử dụng phù hợp. Đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có giấy tờ, nguồn gốc, chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận, chưa đủ điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất… sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Thành phố Phú Quốc chỉ đạo các xã, phường tăng cường quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn; kịp thời ngăn chặn và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng và lâm nghiệp, nhất là hành vi lấn, chiếm đất nhà nước quản lý và đất rừng; xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai khác.

PV/Báo Tin tức
Hai ca bệnh COVID-19 ở quận Nam Từ Liêm khai báo không trung thực, có thể bị xử lý hình sự
Hai ca bệnh COVID-19 ở quận Nam Từ Liêm khai báo không trung thực, có thể bị xử lý hình sự

Lãnh đạo thành phố Hà Nội đề nghị quận Nam Từ Liêm khẩn trương huy động cơ quan Công an quận vào cuộc, có biện pháp khai thác lịch trình cụ thể và xử lý hình sự 2 ca bệnh COVID-19 trên địa bàn vì khai báo không trung thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN