Tin nổi bật trong tuần từ ngày 8-14/2

Tuần qua là đợt nghỉ Tết của người dân cả nước, tuy nhiên công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn đặt lên hàng đầu. Vì vậy, bên cạnh những hoạt động vui xuân, thông tin cập nhật về số người mắc virus SARS-CoV-2 mới cũng như truy vết F1, F2 vẫn liên tục thực hiện nhanh và nghiêm túc tại các tỉnh, thành phố đang có dịch. Ngoài ra, thông tin biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng được nhiều người quan tâm nhất trong tuần, từ ngày 8-14/2. 

Việt Nam đã có 2.228 ca mắc COVID-19

Tính đến 18h ngày 14/2/2021, Việt Nam đã ghi nhận 2.228 ca mắc COVID-19. Trong đó, có tổng cộng 1330 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước; số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 637 ca. Riêng chiều ngày 14/2, Việt Nam có thêm 33 ca mắc mới COVID-19, đều là ca cộng đồng tại Hải Dương và Hà Nội.

Chú thích ảnh
Tầm soát, xét nghiệm các trường hợp F1. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, có 31 ca bệnh từ BN2196- BN2205 và từ BN2208- BN2228 đều ghi nhận tại tỉnh Hải Dương. Trong đó 29 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly tập trung từ trước, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng và 2 ca trong khu vực đã được cách ly phong tỏa.

Ca bệnh 2206 (BN2206) ghi nhận tại Hà Nội: Nữ, 58 tuổi, huyện Mê Linh, TP Hà Nội.

Ca bệnh 2207 (BN2207) ghi nhận tại Hà Nội: Nữ, 8 tuổi, huyện Mê Linh, TP Hà Nội.

BN2206, BN2207 là F1 của BN2142, đã được cách ly từ 30/1/2021. Kết quả xét nghiệm ngày 13/2/2021 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Ngoài ra, có 1 ca bệnh mới phát hiện trong ngày 14/2, chưa công bố số bệnh nhân. Đó là người Nhật Bản, từng đi từ TP Hồ Chí Minh tới Hà Nội. Theo đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang truy vết ca bệnh này từng đến. 

Cụ thể: Khách sạn IBIS, TP Hồ Chí Minh, đêm 31/1/2021; Chuyến bay VN254, từ 11 giờ-13 giờ 20 phút ngày 1/2/2021, từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội; Khách sạn Somerset West Point, số 2 đường Tây Hồ, Quảng An, Tây Hồ, từ 1-13/2/2021; Tòa nhà Sun Red River, số 23 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm (P903 và Nhà hàng Tokyo Red Grill tầng 2 (12-13 giờ ngày 2/2); Nhà hàng Hachi Ju Hachi số 168 Xuân Diệu, Quảng An, Tây Hồ, 18-20 giờ ngày 3/2/2021; Phòng khám bệnh Rafles Medical, số 51 Xuân Diệu, Quảng An, Tây Hồ, sáng 4/2/2021, ngày 8/2/2021; Nhà hàng Torikichi số 75 Kim Mã Thượng, Linh Lang, Ba Đình, 19-21 giờ ngày 5/2/2021.

Thủ tướng đồng ý giãn cách xã hội một số quận, địa bàn có ca lây nhiễm

Trước đó, chiều 8/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, các thành phố lớn đang có dịch được áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan các ổ dịch ra cộng đồng, gồm cả việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với những ổ dịch có diễn biến xấu.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh, các tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Hải Phòng tiếp tục thực hiện các phương án đã nêu. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải có cách xử lý riêng với cách làm phù hợp. Ví dụ như thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng, giãn cách xã hội ở một số khu vực thấy cần thiết, tán thành đề xuất Bộ Y tế về giãn cách xã hội một số quận, địa bàn có ca lây nhiễm khi tình huống xấu có thể xảy ra. Hệ thống y tế, kể cả hệ thống chính trị, người dân phải được báo động mạnh mẽ hơn, nhất là các phương tiện truyền thông thông tin phải nói rõ tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng ở thành phố lớn để chúng ta có biện pháp hạn chế đi lại và các biện pháp mạnh mẽ."

Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương kiên quyết không cho tổ chức các hoạt động tập trung đông người nếu thấy không cần thiết. Ngành y tế theo dõi thường xuyên để cùng Ban Chỉ đạo đưa ra biện pháp cụ thể để xử lý, kịp thời hỗ trợ các địa phương.

Hà Nội phạt nặng người trốn khai báo y tế

Ngày 8/2, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo các trường hợp bệnh nhân cố tình không khai báo y tế, để lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng sẽ bị xử lý thật nghiêm, cần thiết xem xét xử lý hình sự. Người không đeo khẩu trang nơi công cộng có thể bị phạt tới hàng trăm triệu đồng.

Cụ thể trường hợp ở đây là nữ bệnh nhân 2009 - trong thời gian tiếp xúc với F0 đến khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 là 12 ngày. Theo chu kỳ dịch, cô gái này có khả năng lây nhiễm trong vòng 10 ngày qua và tiếp xúc với rất nhiều người trên địa bàn 2 quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) mà không khai báo y tế, không khai báo thành khẩn với các cơ quan chức năng.

Lấy mẫu xét nghiệm khẩn cấp gần 1.000 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh

Cũng liên quan đến COVID-19, ngày 11/2, ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm khẩn cấp gần 1.000 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Mắt Thành phố do có liên quan đến một trường hợp mắc COVID-19. 

Việc cán bộ, nhân viên phải lấy mẫu xét nghiệm là do có một bệnh nhân mắc COVID-19 từng ghé qua bệnh viện. Người này đã đến thăm một người thân đang nằm viện tại Bệnh viện Mắt trước khi được xác định mắc COVID-19. 

Hạn chế tối đa việc đi lại, họp mặt và chúc Tết 2021

Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có thông báo khẩn yêu cầu toàn bộ người dân thành phố hạn chế tối đa việc đi lại, thăm hỏi, liên hoan, họp mặt và chúc Tết. Đồng thời, đề nghị khi ra khỏi nhà và đến nơi công cộng bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Chú thích ảnh
Một địa điểm tại thành phố Thủ Đức đang áp dụng biện pháp phong tỏa vì có liên quan đến ca nghi nhiễm COVID-19.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp vì chưa xác định được nguồn lây nhiễm cũng như thời điểm khởi đầu tại Thành phố, trong đó có khoảng 80 % ca bệnh không có triệu chứng và có thể còn lây nhiễm ra cộng đồng trong thời gian tới.

Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu toàn bộ người dân thành phố hạn chế tối đa việc đi lại, thăm hỏi, chúc Tết, liên hoan, họp mặt; đề nghị khi ra khỏi nhà và đến nơi công cộng phải đeo khẩu trang. Xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang hoặc không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo yêu cầu của Bộ Y tế và UBND TP; vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, công nhân viên tổ chức làm việc trong dịp tết, sinh hoạt tại chỗ ...

Chùm ca bệnh COVID-19 ở sân bay Tân Sơn Nhất không có triệu chứng, âm tính nhanh

Liên quan đến chùm ca bệnh mắc COVID-19 sân bay Tân Sơn Nhất, các bác sĩ điều trị tại bệnh viện Dã chiến Củ Chi cho biết, hầu hết bệnh nhân đều không có triệu chứng, không có trường hợp nào có dấu hiệu nặng và bệnh nhân có kết quả âm tính với COVID-19 trong thời gian điều trị rất ngắn.

Ngày 14/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trong đợt dịch này, Thành phố đã ghi nhận hiện có 35 trường bệnh nhân mắc COVID-19 tại cộng đồng, tất cả đều liên quan đến chuỗi ca bệnh trong sân bay Tân Sơn Nhất. Các ca bệnh đều là nhân viên sân bay hoặc người nhà của nhân viên sân bay. Tính từ sáng ngày 10/2 đến nay ngày 14/2, Thành phố chưa ghi nhận thêm ca nghi nhiễm mới.

Chú thích ảnh
Chùm ca bệnh ở sân bay Tân Sơn Nhất không có triệu chứng, nhiều trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 rất nhanh sau một thời gian ngắn được cách ly điều trị tại bệnh viện. Ảnh: TTXVN

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, ngay từ khi ghi nhận những ca bệnh đầu tiên, ngành y tế đã tiến hành truy vết thần tốc tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân, đồng thời mở rộng xét nghiệm ở cộng đồng để vừa giám sát chủ động ca bệnh vừa đánh giá toàn diện nguy cơ dịch bệnh tại Thành phố.

Theo thông tin từ việc theo dõi điều trị của Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, hầu hết bệnh nhân ở ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất đều không có triệu chứng. Một số ít người có triệu chứng rất nhẹ, không có trường hợp nào có dấu hiệu nặng trong chùm bệnh nhân này. Đặc biệt, nhiều trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 rất nhanh sau một thời gian ngắn được cách ly điều trị tại bệnh viện.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, qua đánh giá sơ bộ chùm 33 ca bệnh cho thấy, diễn tiến lâm sàng rất nhẹ và âm tính rất nhanh. Trung tâm sẽ phối hợp với các bệnh viện điều trị và các đơn vị chuyên môn, các chuyên gia để thu thập các dữ liệu về dịch tễ, dấu hiệu lâm sàng, kết quả xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể, giải trình tự gene… để có thể đánh giá sâu hơn về chùm ca bệnh này nếu có đầy đủ thông tin, dữ liệu khoa học.

Như đã thông tin trước đây, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh và đơn vị nghiên cứu lâm sàng của ĐH Oxford (OUCRU) cũng đã thực hiện giải trình tự gen đối với bộ gen thu thập được từ 3 bệnh nhân trong đội bốc xếp tại sân bay, ghi nhận chủng virus liên quan đến ổ dịch này là chủng A 23.1 phát hiện lần đầu ở Rwanda vào tháng 10/2020, sau đó cũng được phát hiện ở một số quốc gia khác. Tuy nhiên, chủng này chưa gây diễn tiến bất thường gì ở các quốc gia này.

Học sinh, giáo viên Trường Tiểu học Xuân Phương sẽ được về nhà ngày mùng 3 Tết

Niềm vui của thầy/cô và trò Trường Tiểu học Xuân Phương, Quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng đã đến trong ngày 14/2 (tức mùng 3 Tết Nguyên đán Tân Sửu) khi được về nhà sau 14 ngày cách ly tập trung. 

Chú thích ảnh
Phụ huynh và học sinh Trường tTểu học Xuân Phương hồi hộp trở về nhà. Ảnh: TTXVN

Tại khu cách ly Trường Tiểu học Xuân Phương trước đó đã cách ly 137 người. Đến ngày 10/2 đã có 15 học sinh, 13 phụ huynh hoàn thành xong công tác cách ly sau khi xét nghiệm đủ 3 lần. Những người này đã được chuyển về nhà cách ly theo quy định. Với những trường hợp còn lại (109 ca) đã lấy mẫu xét nghiệm ngày 12/2 (mùng 1 Tết) và cho kết quả âm tính.

Học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh được nghỉ đến ngày 28/2

Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp, ngày 14/2, UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn số 505/UBND-VX về việc chấp thuận kéo dài thời gian nghỉ học sinh, sinh viên, học viên tại TP Hồ Chí Minh đến ngày 28/2 để bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19. 

Chú thích ảnh
Học sinh, sinh viên tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục được nghỉ học sau Tết đến ngày 28/2 để phòng dịch bệnh COVID-19.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện nay tình hình chuỗi ca bệnh liên quan đến dịch bệnh COVID -19 trên địa bàn cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, do thời điểm sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, nhiều người về quê ăn Tết sẽ quay trở lại Thành phố làm việc và học tập, để bảo đảm an toàn sức khỏe và kiểm tra tình hình dịch bệnh trên địa bàn và xét đề nghị của giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tại số 429 /TTr-SGDĐT ngày 14/2/2021, UBND Thành phố đã có văn bản khẩn; cho phép học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố được nghỉ học sau Tết đến hết ngày 28/2, tiếp tục học trên internet để đảm bảo kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 theo quy định.

Hà Nội xem xét cho học sinh nghỉ học phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 17/2

Tương tự, chiều 14/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có tờ trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt cho học sinh tạm dừng đến trường, nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 17/2 đến khi có thông báo mới của thành phố.

Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt cho học sinh, học viên các cấp học, bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên -chuyên nghiệp, trung cấp chuyên nghiệp; Trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hoá, bồi dưỡng kỹ năng, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở giáo dục mầm non tạm dừng đến trường, nhằm đảm bảo công tác phòng dịch COVID-19 từ ngày 17/2 đến khi có thông báo mới của thành phố.

Trong thời gian học sinh nghỉ ở nhà để phòng chống dịch COVID-19 các trường tiểu học, THCS, THPT; trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tổ chức dạy học trực tuyến qua internet theo hướng dẫn trước đó.  

Ba ngày Tết Tân Sửu: Số bệnh nhân khám, cấp cứu giảm gần 50%

Trong 3 ngày nghỉ Tết đầu tiên, các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện khám, cấp cứu cho 125.371 bệnh nhân, giảm gần 50 % so với 3 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 52.700 lượt người, giảm 66,4%.

Chiều 13/2, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ngày 13/2 (tức ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Tân Sửu), tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh là 68.426 người. 

Trong 3 ngày nghỉ Tết đầu tiên, các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện khám, cấp cứu cho 125.371 bệnh nhân, giảm gần 50 % so với 3 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 52.700 lượt người, giảm 66,4%.

Các cơ sở y tế đã thực hiện 6.709 ca phẫu thuật, trong đó 1.588 ca do tai nạn. Các bác sĩ đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 7.623 trẻ chào đời và cho xuất viện 59.066 bệnh nhân điều trị khỏi về nhà ăn Tết. Có 1.588 lượt bệnh nhân đã được vận chuyển bằng xe cứu thương của bệnh viện.

Cả nước hiện còn 5.037 người bệnh cách ly, điều trị tại các bệnh viện, trong đó 620 người bệnh COVID-19. Trong số các bệnh nhân COVID-19 có một bệnh nhân nguy kịch phải chạy phổi nhân tạo (ECMO), một trường hợp máy thở xâm nhập, hai trường hợp sử dụng máy thở không xâm nhập và hai trường hợp thở oxy gọng kính. Có 106 bệnh nhân biểu hiện lâm sàng nhẹ (16,4%) và lâm sàng mức độ vừa là 10 bệnh nhân (1,6%).  

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Tin nổi bật ngày 13/2
Tin nổi bật ngày 13/2

Những thông tin nổi bật ngày 13/2 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận gồm: Hà Nội đề xuất giãn cách các cửa hàng dịch vụ tại di tích đền, chùa; học sinh, giáo viên Trường Tiểu học Xuân Phương sẽ được về nhà ngày mùng 3 Tết; chiều mùng 2 Tết, Việt Nam ghi nhận thêm 53 ca mắc mới COVID-19; xử lý 258 lái xe vi phạm nồng độ cồn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN