Tổng hợp COVID-19 ngày 1/3: Thêm 98.762 ca mắc mới; sẵn sàng các phương án y tế cho đỉnh dịch

Thông tin thời sự về dịch COVID-19 ngày 1/3 tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội là cả nước có thêm 98.762 ca mắc mới COVID-19, riêng Hà Nội 13.323 ca và Hà Nội sẵn sàng các phương án đáp ứng y tế cho đỉnh dịch COVID-19.

Việt Nam có 98.762 ca mắc mới COVID-19; riêng Hà Nội 13.323 ca

Tính từ 16 giờ ngày 28/2 đến 16 giờ ngày 1/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 98.762 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Hà Nội tiếp tục có số ca nhiễm cao nhất cả nước.

Chú thích ảnh
Người dân mua thuốc và kit xét nghiệm ở khu vực nhà thuốc đường Giải Phóng. Ảnh: L.C.

Trong các ca nhiễm mới có 19 ca nhập cảnh và 98.743 ca ghi nhận trong nước (tăng 4.367 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 66.861 ca trong cộng đồng). Ngày 1/3, Sở Y tế Hà Giang đăng ký bổ sung 15.382 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Hà Giang.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Quảng Ninh (giảm 5.094 ca), Lai Châu (giảm 618 ca), Quảng Trị (giảm 454 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Gia Lai (tăng 1.392 ca), Thái Nguyên (tăng 1.296 ca), Sơn La (tăng 984 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 80.898 ca/ngày. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.557.629 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 36.014 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 3.550.249 ca, trong đó có 2.477.066 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (536.115), Bình Dương (298.294), Hà Nội (285.273), Đồng Nai (101.399), Tây Ninh (90.932). Trong ngày 1/3, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 40.932 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.479.883 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.851 ca.

Từ 17 giờ 30 ngày 28/2 đến 17 giờ 30 ngày 1/3 ghi nhận 86 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 94 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.338 ca, chiếm tỷ lệ 1,1% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Trong ngày 1/3, có 574.507 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 194.970.502 liều, trong đó tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 178.190.280 liều, tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là 16.780.222 liều.

Hà Nội sẵn sàng phương án đáp ứng y tế cho đỉnh dịch COVID-19

“Dịch ở Hà Nội có thể đạt đỉnh trong hai tuần tới, tạo áp lực cho y tế cơ sở” là đánh giá của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của thành phố ngày 27/2. Dẫn nhận định trên của chuyên gia, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh hai tuần tới là thách thức rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp đưa ra giải pháp phù hợp.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: TTXVN.

Có thể dễ dàng nhận thấy tốc độ gia tăng F0 trên địa bàn Hà Nội đã tác động đến mọi mặt đời sống của người dân trong những ngày gần đây. Các cơ quan, trụ sở vắng vẻ; các khuôn viên nhiều khu chung cư sau 9 giờ tối đã vắng người; nhiều quầy thuốc luôn thông báo “cháy hàng” đối với các vật tư y tế thiết yếu như nước sát khuẩn tay, máy đo nồng độ ô-xy trong máu, bộ sinh phẩm xét nghiệm, thuốc hạ sốt… Đặc biệt, nhiều trường hợp F0 phản ánh liên hệ, thông báo với y tế phường, xã khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 rất khó khăn khi điện thoại không có người nghe máy.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, thời gian qua đã xảy ra tình trạng quá tải tại một số Trạm y tế do người dân đến xét nghiệm và xin xác nhận F0 hay hết thời gian cách ly. Để giảm tải cho các Trạm Y tế cũng như xác nhận kịp thời cho các trường hợp F0, theo bà Trần Thị Nhị Hà, người dân có thể tự test nhanh khi được nhân viên y tế giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp (thực hiện online). Các xã, phường cần sử dụng tốt phần mềm quản lý F0 (có thể in được các quyết định hết cách ly, hưởng Bảo hiểm xã hội); huy động thêm Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ để đủ nhân lực phục vụ.

Số ca F0 tăng nhanh trên địa bàn Hà Nội trong những ngày gần đây với trên 10.000 ca mỗi ngày gây áp lực cho công tác điều trị. Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, Hà Nội đã phối hợp, huy động thêm cơ sở y tế của Trung ương, trực thuộc bộ, ngành để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Đến nay đã chuẩn bị được 2.180 giường cho bệnh nhân tầng 2, 3, nhưng mới sử dụng khoảng 1.000 giường. Hiện, F0 điều trị tại nhà của Hà Nội chiếm 96%, chưa đến 4% người mắc điều trị ở tầng 2 và 3.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, để tránh việc quá tải, các khu điều trị thực hiện việc hạ tầng bệnh nhân một cách hợp lý theo tiến triển điều trị. Cụ thể, đối với bệnh nhân tầng 2 và 3 chuyển biến tốt sẽ được cho về nhà tự cách ly, điều trị thay vì phải chờ đủ 10 ngày để xuất viện như trước đây. Bà Trần Thị Nhị Hà khẳng định, ngành y tế Hà Nội vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải trong điều trị cho bệnh nhân, kể cả khi số ca mắc tăng gấp đôi như hiện nay, thành phố đã có phương án đáp ứng được.

Để hạn chế tối đa ca bệnh nặng và nguy kịch, ngành y tế thành phố đã lập và quản lý chặt chẽ danh sách các nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, nhiều bệnh lý nền, cao huyết áp, suy thận mạn tính, chạy thận nhân tạo, suy giảm miễn dịch, ung thư... để tập trung ưu tiên tiêm chủng, đặc biệt là các mũi tiêm bổ sung. Đây cũng là nhóm cần xét nghiệm sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm, điều trị kịp thời tránh chuyển biến nặng. Bên cạnh đó quản lý tốt bệnh nhân ở tầng 1 để hạn chế chuyển nặng, khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nặng thì cần chuyển tuyến kịp thời, điều phối hợp lý giữa tầng 2, 3 là cách hiệu quả nhất để giảm tải, ngăn chặn ca tử vong.

Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ tiêm vaccine Pfizer liều 0,2ml

Ngày 1/3, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 457/QĐ-BYT sửa đổi Điều 1 Quyết định số 2908/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19.

Theo Quyết định 457, vaccine được phê duyệt có tên Comirnaty (Tên khác: Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine). Về thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng, theo Quyết định này: Người từ 12 tuổi trở lên được tiêm mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vaccine mRNA COVID-19 (được bọc trong các hạt nano lipid). Vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg.

Vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: 1 khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều; 1 hộp chứa 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều. Vaccine này do Công ty Pfizer Manufacturing Belgium NV (Bỉ);  BioNTech Manufacturing GmbH (Đức); Pharmacia and Upjohn Company LLC (Hoa Kỳ); Hospira Incorporated (Hoa Kỳ) sản xuất. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 1/3, bãi bỏ Quyết định số 4035/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 tuần từ 21-27/2: Hơn 476.000 ca mắc mới; F0 là trẻ em gia tăng
Tổng hợp COVID-19 tuần từ 21-27/2: Hơn 476.000 ca mắc mới; F0 là trẻ em gia tăng

Từ ngày 21-27/2, số người mắc COVID-19 liên tục tăng cao, nâng tổng số ca mắc trong tuần lên hơn 476.000 ca. Hà Nội vẫn đứng đầu ca mắc mới với tổng số ca mắc cộng dồn trong tuần là 60.856 ca. Đáng chú ý trong tuần, học sinh mầm non và tiểu học ở nhiều tỉnh, thành học bán trú trở lại nên số ca mắc trong trường học cũng tăng nhanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN