Tổng hợp COVID-19 tuần từ 21-27/2: Hơn 476.000 ca mắc mới; F0 là trẻ em gia tăng

Từ ngày 21-27/2, số người mắc COVID-19 liên tục tăng cao, nâng tổng số ca mắc trong tuần lên hơn 476.000 ca. Hà Nội vẫn đứng đầu ca mắc mới với tổng số ca mắc cộng dồn trong tuần là 60.856 ca. Đáng chú ý trong tuần, học sinh mầm non và tiểu học ở nhiều tỉnh, thành học bán trú trở lại nên số ca mắc trong trường học cũng tăng nhanh.

Trung bình 7 ngày số ca mắc mới gần 68.000 ca/ngày

Từ ngày 21-27/2, Việt Nam ghi nhận có hơn 476.000 ca mắc mới COVID-19, trung bình mỗi ngày gần 68.000 ca. Hà Nội vẫn là địa phương có số mắc mới cao nhất cả nước với 60.856 ca trong tuần qua. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 92 ca.

Đáng chú ý, số ca mắc mới COVID-19 tăng dần từng ngày. Theo đó, ngày 27/2 cả nước có số mắc mới cao nhất trong tuần qua với 86.990 ca F0; trong đó, Hà Nội cũng có ca mắc mới cao nhất trong tuần với 11.517 ca, tiếp tục lập kỷ lục mới về số ca mắc. 

Chú thích ảnh
Người dân đi mua thuốc điều trị COVID-19. Ảnh: Trung Nguyên

So với ngày trước đó (26/2), các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất là: Nghệ An (giảm 1.044 ca), Lai Châu (giảm 475 ca), Tuyên Quang (giảm 387 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất là: Lạng Sơn (tăng 3.960 ca), Quảng Ninh (tăng 3.438 ca), Bắc Ninh (tăng 996 ca).

Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 205 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron.

Kể từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.313.653 ca, trong đó có 2.409.095 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (532.303), Bình Dương (297.055), Hà Nội (259.100), Đồng Nai (101.130), Tây Ninh (90.175).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 35.866 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.411.912 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.190 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.144 ca, chiếm tỷ lệ 1,2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Trong ngày 26/2, cả nước có 125.533 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 193.408.292 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 176.651.604 liều gồm: Mũi 1 là 70.856.765 liều; mũi 2 là 67.205.932 liều; mũi 3 là 1.442.190 liều; mũi bổ sung là 13.699.350 liều; mũi nhắc lại là 23.447.367 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.756.688 liều gồm: Mũi 1 là 8.621.505 liều; mũi 2 là 8.135.183 liều.

Hà Nội có thể đạt đỉnh trong nửa tháng tới

Về vấn đề Hà Nội vẫn là địa phương có số ca nhiễm mắc cao nhất cả nước, lãnh đạo Hà Nội lý giải do biến chủng Omicron song hành với Delta, dẫn đến tốc độ lây lan COVID-19 rất nhanh.

Chú thích ảnh
Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội phát biểu tại cuộc họp.

Ngày 27/2, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội cho biết, diễn biến dịch tại Hà Nội đang rất phức tạp và ngày 26/2 đã có trên 10.000 ca mắc COVID-19; 74 xã phường (12/8%) đã chuyển sang cấp độ 3 (vùng cam). Tuy nhiên, số bệnh nhân thể nhẹ, không triệu chứng chiếm tới 96%, (trong đó 95% tổng số ca nhiễm điều trị tại nhà). Thành phố luôn theo dõi, nắm bắt chặt diễn biến dịch bệnh, số chuyển tầng, số ca điều trị tầng 2, tầng 3 vẫn được kiểm soát.

“Diễn biến này đã gây áp lực ngày càng tăng cho y tế các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Trong đó gánh nặng đang là thủ tục xác nhận F0 và khỏi bệnh, trong khi chúng ta vẫn phải tiếp tục tập trung rà soát đối tượng nguy cơ, người già có bệnh nền… chưa được tiêm đủ mũi; bên cạnh đó là nguy cơ lây nhiễm với lực lượng tuyến đầu”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông Chu Ngọc Anh yêu cầu các sở, ngành và các địa phương làm rõ các nội dung quan trọng như: Giảm tải, quản lý người nhiễm qua phần mềm, số ca nhiễm (những mô hình tốt, hiệu quả), tăng cường điều phối lực lượng để giảm tải hệ thống y tế cơ sở ra sao, đặc biệt với địa bàn có mật độ dân cư cao; đảm bảo an toàn trường học thế nào…

Hà Nội ra công điện hỏa tốc đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa COVID-19

Trước đó, việc biến thể SARS-CoV-2 lây lan nhanh, tối 24/2, UBND TP Hà Nội đã ra công điện hỏa tốc số 02/CĐ-UBND về kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, biến thể SARS-CoV-2, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19...

Công điện nêu rõ: Trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố tăng nhanh, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo lắng; đã có tình trạng một số mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch tăng giá đột biến.

Để kiểm soát kịp thời diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị mỗi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Thành phố; nhận biết các dấu hiệu khi bệnh chuyển nặng để liên hệ với các cơ sở y tế kịp thời hỗ trợ; tránh “tâm lý chủ quan” hoặc “hoang mang, lo sợ cực đoan không cần thiết”.

Về vấn đề vaccine ngừa COVID-19, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm vét mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 17 tuổi; hoàn thành tốt chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” và “ tiêm chủng vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước”.

Đáng chú ý, liên quan đến việc một số mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch tăng giá đột biến trong thời gian quan, Chủ tịch TP Hà Nội đề nghị Cục Quản lý thị trường Thành phố, Công an Thành phố, Cục thuế Thành phố phối hợp các Sở, ngành Thành phố và địa phương triển khai ngay việc kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở, cá nhân kinh doanh dược, sản phẩm, dịch vụ test COVID-19; xử lý nghiêm các vi phạm về giấy phép, việc trục lợi, tăng đột biến giá, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như sức khỏe của cộng đồng, tránh gây bức xúc trong dư luận.

Đảm bảo oxy y tế điều trị bệnh nhân COVID-19

Liên quan đến việc Hà Nội tăng nhanh ca mắc COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn yêu cầu đảm bảo oxy y tế tại một số bệnh viện tuyến đầu điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chú thích ảnh
Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo chống COVID-19 vào chiều 23/2/2022.

Song song đó, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng nặng, tử vong. Đây là mục tiêu cao nhất, phải làm bằng được, phải được thực hiện bằng mọi nỗ lực...

Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về xử trí ca mắc COVID-19 trong trường học

Trước số ca nhiễm COVID-19 tăng cao, trong đó số ca nhiễm trong học đường ngày càng nhiều, trong tuần Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh trường THPT Chuyên Tuyên Quang. Ảnh minh họa: Quang Cường/TTXVN

Cụ thể, quy trình xử trí khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19 trong cơ sở giáo dục gồm 4 bước:

Bước 1: Khi có trường hợp F0, báo ngay Hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường. Cán bộ y tế trường học hoặc Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường chuyển ngay trường hợp F0 xuống phòng cách ly tạm thời của trường học theo lối đi riêng đã được phân luồng.

Bước 2: Hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường thông báo đồng thời ngay cho trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để ngay lập tức đến xử lý cùng.

Bước 3: Đối với lớp học có học sinh F0, giáo viên chủ nhiệm cho học sinh ngồi yên tại chỗ. Cán bộ y tế trường học và Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế (việc xác định trường hợp là F1 thực hiện theo Công văn số 11042/BYT-DP ngày 29/12/2021 của Bộ Y tế về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19).

Cán bộ y tế trường học và Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó, nếu trường hợp có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 thì được xác định là F0 và xử lý theo qui định. Nếu không phải là F1 và kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính, cho những học sinh này đi học trở lại bình thường.

Nếu là F1 và kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính, cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 5 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) ngày thứ 5 đối với những học sinh là F1 và đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine phòng COVID-19 (được ghi trên giấy xác nhận đã tiêm vaccine COVID-19, phần mềm ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc PC-Covid) theo qui định, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày; hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19).

Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 5 được đi học trực tiếp trở lại, nhà trường và phụ huynh học sinh tiếp tục theo dõi sức khoẻ cho học sinh trong 5 ngày tiếp theo và hướng dẫn học sinh thực hiện thông điệp 5K.

Đối với những học sinh là F1 và chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vacine phòng COVID-19, cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) ngày thứ 7. Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 được đi học trực tiếp trở lại, nhà trường và phụ huynh học sinh tiếp tục theo dõi sức khoẻ cho học sinh trong 3 ngày tiếp theo và hướng dẫn học sinh thực hiện thông điệp 5K.

Bước 4, đối với lớp có học sinh F0, sau khi xác định đối tượng là F1, cho học sinh không phải là F1 di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học. Đối với học sinh các lớp học khác, nếu không có sự giao lưu tiếp xúc với F0 thì cho đi học bình thường. Nếu xác định có học sinh tiếp xúc gần (F1) với trường hợp F0 thì tiến hành xét nghiệm kháng nguyên nhanh với trường hợp là F1 đó và xử lý F1 như bước 3…

Quảng Ninh cho học sinh tiểu học quay lại học trực tuyến từ ngày 28/2

Liên quan số ca nhiễm trong các trường học tăng cao, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh ra thông báo từ ngày 28/2, học sinh tiểu học tiếp tục học trực tuyến, trẻ mầm non nghỉ học.

Chú thích ảnh
Học sinh trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long). Ảnh tư liệu: baoquangninh.com.vn

Theo đó, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh chỉ đạo, đối với cấp mầm non: Tiếp tục cho trẻ em nghỉ học từ ngày 28/2/2022 đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, nếu gia đình trẻ nào do điều kiện không có người chăm sóc, trông coi trẻ ở nhà và có nguyện vọng đưa trẻ đến trường thì cơ sở giáo dục vẫn bố trí đón trẻ, tổ chức các hoạt động giáo dục đảm bảo an toàn. Đối với cấp tiểu học, tiếp tục cho học sinh học trực tuyến từ ngày 28/2/2022 đến khi có thông báo mới.

Trẻ mắc COVID-19 tăng gấp 3 lần, TP Hồ Chí Minh ra công văn khẩn sẵn sàng thu dung điều trị

Sau gần 1 tuần cho trẻ mầm non và học sinh cấp 1 học bán trú, số trẻ mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh tăng gấp 3 lần so với tuần trước. Cụ thể, từ ngày 14/2 đến ngày 22/2, số trẻ nhiễm COVID-19 tăng gấp 3 lần so với khoảng thời gian từ ngày 7/2 đến 13/2. Theo đó, ngày 25/2, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi đến các đơn vị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh về việc tăng cường chăm sóc, thu dung điều trị trẻ mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh yêu cầu các bệnh viện khẩn trương rà soát lại giường bệnh.

Lý giải về số ca mắc ở trẻ tăng, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng này là do Thành phố vừa trải qua kỳ nghỉ Tết dài, mật độ giao lưu trong xã hội tăng, nên tăng khả năng lây nhiễm bệnh. Mặt khác, sau Tết, học sinh các cấp tại Thành phố đã tham gia học trực tiếp tại trường. Bên cạnh đó, qua khảo sát và nghiên cứu, trong số ca dương tính được xét nghiệm thì số ca nhiễm biến chủng Omicron chiếm ưu thế - đây là chủng có mức độ lây lan nhanh.

Lãnh đạo Sở Y tế cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến số trẻ mắc COVID-19 tăng do trẻ đi học trực tiếp trở lại làm tăng nguy cơ tiếp xúc, biến chủng Omicron là tác nhân gây bệnh chiếm đa số đối với những người mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, nhất là trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm chủng, Sở Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố khẩn trương triển khai các hoạt động thu dung, điều trị trẻ em mắc COVID-19.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng giao cho 3 bệnh viện nhi đồng thành phố, đảm bảo mỗi bệnh viện có khoa COVID-19 150 giường trong đó có 50 giường hồi sức tích cực và sẵn sàng mở rộng quy mô khoa COVID-19.

Trước đó, chiều 21/2, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 2 ngày đã có trên 200 học sinh mắc COVID-19. Cụ thể, chỉ trong ngày 17/2, Thành phố ghi nhận 95 học sinh mắc COVID-19 trong trường học và ngày 18/2 ghi nhận thêm 112 học sinh. Riêng đối với khối mầm non, trong tuần đầu đi học, Thành phố ghi nhận 13 trẻ F0 và 75 học sinh tiểu học tại trường.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, ngành giáo dục phối hợp với ngành y tế triển khai ngay văn bản này đến các cơ sở giáo dục và thống nhất thực hiện chung toàn thành phố từ ngày 21/2. Song song đó, ngành giáo dục và ngành y tế sẽ có tờ trình gửi UBND TP Hồ Chí Minh về phương án kiểm soát dịch trên địa bàn thành phố trong cơ sở giáo dục và trong đó có quy định xử lý F0, F1 để tăng cường công tác phòng, chống dịch; đảm bảo an toàn cho học sinh trong giai đoạn sắp tới khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng linh hoạt ứng phó khi các ca F0 trong trường học. Theo đó, các trường đã có phương án kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch, đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo quy định của ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố nhằm thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa đảm bảo môi trường an toàn trong cơ sở giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập trực tiếp tại trường.

Trước đó, ngày 21/1, hai chùm ca F0 tại TP Hồ Chí Minh đã được kiểm soát. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, hai chùm ca bệnh F0 được phát hiện trong tuần qua tại thành phố là chùm ca bệnh tại một tu viện ở quận Gò Vấp và một chùm ca bệnh tại một chung cư ở Quận 1. Qua nhận định, ổ dịch tại tu viện ở quận Gò Vấp có đặc điểm phức tạp hơn khi có 140 học sinh học tại 7 trường học khác nhau.

“Ngành y tế cũng đã lấy mẫu ngẫu nhiên các trường hợp mắc COVID-19 tại đây để giải trình tự gene giám sát biến thể Omciron nhưng chưa có kết quả. Việc khống chế thành công ổ dịch tại tu viện đã đảm bảo không lây lan, an toàn cho cộng đồng”, ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin thêm.

Bình Dương đang kiểm soát tốt dịch COVID-19, học sinh học trực tiếp bình thường

Mặc dù sát TP Hồ Chí Minh, nhưng tỉnh Bình Dương đang kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Theo bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, căn cứ vào tình hình thực tế và qua làm việc với các Phòng Giáo dục và các trường, Sở Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã nhận định các cơ sở giáo dục vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và đề xuất vẫn tiếp tục cho học sinh học trực tiếp bình thường.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh Trường chuyên Hùng Vương, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh tư liệu: Văn Hướng/TTXVN

Tuy nhiên, trước biến chủng virus mới Omicron, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cũng đã yêu cầu các cấp nhanh chóng hoàn thiện bổ sung kế hoạch hành động ứng phó với biến chủng mới, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Đồng thời, yêu cầu ngành Giáo dục làm tốt mô hình y tế học đường, phân luồng học sinh, kiểm soát chặt dịch bệnh, phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh chăm lo sức khỏe, học tập cho học sinh.

Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, củng cố kiện toàn cơ sở điều trị đảm bảo trang thiết bị vật tư, thuốc, xử lý nghiêm các nhà thuốc trục lợi, ép giá ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Phú Yên duy trì việc học trực tiếp trong điều kiện thích ứng với dịch COVID-19

Tương tự, ngày 22/2 UBND tỉnh Phú Yên cũng đã yêu cầu các trường học phải chủ động các phương án phòng dịch để duy trì việc dạy học trực tiếp được an toàn.

Chú thích ảnh
Học sinh đến lớp học trực tiếp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Hiện nay, thành phố Tuy Hòa vẫn là địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất của tỉnh Phú Yên. Qua hai tuần dạy học trực tiếp, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 200 học sinh từ bậc Tiểu học đến Trung học phổ thông dương tính với SARS-CoV-2. Trung tâm Y tế thành phố Tuy Hòa đã có hướng dẫn cụ thể đối với các trường học về nâng cao các biện pháp chủ động phòng, chống dịch COVID-19.

Số ca mắc COVID-19 của tỉnh Phú Yên trong những ngày qua liên tục tăng cao (ngày 22/2 ghi nhận 656 ca mắc mới). Tỷ lệ tiêm vaccine của địa phương ở mức cao, đạt 95,95% dân số trên 18 tuổi. Riêng độ tuổi từ 12 đến 18, tỷ lệ tiêm chủng đạt 99,09%. Cùng với sự chủ động trong phòng dịch của các trường, tỉnh Phú Yên vẫn duy trì việc học trực tiếp trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19.

Tăng cường phòng dịch COVID-19 tại trường học tại Lâm Đồng

Trong khi đó, chiều 22/2, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo cùng các huyện, thành phố trên địa bàn tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại trường học.

Sở Y tế Lâm Đồng đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các trường học triển khai phòng, chống dịch COVID-19 theo phương án đã xây dựng; phối hợp với UBND các huyện, thành phố căn cứ cấp độ dịch để chỉ đạo kịp thời việc học tập của học sinh các cấp.

Các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh chưa tiêm vaccine tại địa bàn có cấp độ dịch 3, 4 để hạn chế lây lan. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi khi có chỉ đạo của Bộ Y tế; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các trường học, cơ sở giáo dục không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Tương tự, Cao Bằng, Đắk Nông điều chỉnh hình thức học của trẻ Mầm non, học sinh Tiểu học

Mạng lưới thầy thuốc đồng hành hỗ trợ các bệnh nhi mắc COVID-19

Trước số trẻ mắc COVID-19 tăng cao, mạng lưới thầy thuốc đồng hành mở kênh tiếp nhận thông tin và hỗ trợ các bệnh nhi mắc COVID-19, đồng hành cùng phụ huynh chăm sóc sức khỏe cho các bé từ 12 tuổi trở xuống.

Theo đó, gia đình có trẻ nhiễm COVID-19 tại Hà Nội đăng ký nhận tư vấn miễn phí từ các bác sỹ chuyên khoa Nhi và tình nguyện viên y tế tại đường link: https://bit.ly/ttdhhn_nhi

Sau khi đăng ký thông tin, gia đình có trẻ mắc COVID-19 cần để ý điện thoại và nhấc máy khi tổng đài 024 1022 gọi đến để hỗ trợ, tư vấn.

Điều trị tại nhà, những điều F0 cần lưu ý

Cùng với số ca mắc tăng cao, số F0 điều trị tại nhà cũng tăng mạnh tại nhiều địa phương. Sự quá tải của hệ thống y tế địa phương dẫn đến việc các F0 khó hoặc chậm được tiếp cận y tế, phải tìm hiểu thông tin trên mạng hoặc gọi bạn bè, bác sĩ quen để xin đơn thuốc, tự điều trị.

Chú thích ảnh
Khách hàng mua thuốc tại nhà thuốc tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Theo đó, Bộ Y tế đã có Quyết định 250/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19. Theo hướng dẫn mới nhất này, có 5 mức độ phân loại bệnh COVID-19, gồm: không có triệu chứng lâm sàng, nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch.

Trước đó, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 của Bộ Y tế chỉ phân loại các bệnh nhân COVID-19 theo 4 mức độ bệnh gồm nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch

Như vậy, trong hướng dẫn mới của Bộ Y tế đã có thêm nhóm F0 không triệu chứng. F0 được xếp vào nhóm này nếu không có triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời.

Theo "Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà" ban hành kèm theo tại Quyết định 261/QĐ-BYT của Bộ Y tế, người bệnh mắc COVID-19 được quản lý, điều trị tại nhà nếu đáp ứng điều kiện: Người mắc COVID-19 (được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên theo quy định hiện hành) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị;

Người mắc COVID-19 không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy; nhịp thở < 20 lần/phút; SpO2 > 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.

Chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ

Chiều 25/2, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo nguồn cung ứng và tăng cường khả năng tiếp tận thuốc mới trong điều trị bệnh COVID-19, ngày 17/2/2022, Bộ Y tế đã có Quyết định số 69/QĐ-QLD cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện đối với 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước, cụ thể: Thuốc Molnupiravir 200mg của Công ty CP Hoá - Dược phẩm Mekophar; Molnupiravir 400mg của Công ty TNHH Liên doanh StellaPharm; Molnupiravir 400mg của Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam.

Chú thích ảnh
Thuốc Molnupiravir Stella 400 của Công ty Stellapharm. Ảnh: TTXVN phát

Thuốc chứa Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế. Người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc, vì việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do nguy cơ do các phản ứng có hại của thuốc.

Theo Cục Quản lý Dược, Molnupiravir được sử dụng để điều trị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày; không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp.

Đặc biệt, Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.

Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Bên cạnh đó, dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.

Đối với nam giới, Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc nêu trên. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sỹ hoặc dược sỹ để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Đặc biệt lưu ý người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.

Số ca mắc COVID-19 giảm mạnh, Trà Vinh kết thúc nhiều bệnh viện dã chiến

Trong khi các tỉnh, thành phía Bắc tăng nhanh ca mắc COVID-19, một số tỉnh miền Tây đã kiểm soát tốt tình hình dịch. Cụ thể, tỉnh Trà Vinh vừa quyết định kết thúc nhiều bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 để chuyển về công năng ban đầu do tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát, số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 giảm mạnh.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người dân tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh.

Trước đó, dịch COVID-19 ở Trà Vinh diễn biến rất phức tạp với số ca mắc liên tục ở mức cao, mỗi ngày ghi nhận trên 500 ca. Tỉnh đã thành lập 7 bệnh viện dã chiến, có khả năng thu dung khoảng 1.100 bệnh nhân và nhiều cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng. Từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, số ca mắc trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh ghi nhận dưới 50 ca mắc mới.

Theo đánh giá tiêu chí kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tỉnh Trà Vinh và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã đạt trạng thái bình thường mới, tức ở cấp độ dịch 1. Về cấp xã, tỉnh chỉ còn 8/106 xã, phường, thị trấn có cấp độ dịch 2; các đơn vị còn lại đều ở cấp độ dịch 1.

Lạng Sơn: Phấn đấu đến 27/2 hoàn thành tiêm cho 100% người dân có chỉ định

Với tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh chỉ đạo chậm nhất đến ngày 27/2 phải hoàn thành việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% người dân có chỉ định.

Theo đó, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu: Bí thư Huyện ủy, Thành ủy – Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nội dung: Tập trung mọi nguồn lực thực hiện chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân; chậm nhất đến ngày 27/2/2022 phải hoàn thành việc tiêm cho 100% người dân trên địa bàn có chỉ định và đến thời gian tiêm được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo loại vaccine đã được cấp phát.

Các địa phương quyết liệt chống dịch

Chú thích ảnh
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Y tế, hiện nay, với tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên toàn quốc, dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát; tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số trường hợp mắc, kể cả số trường hợp tăng nặng và nguy kịch đang có xu hướng gia tăng.

Bộ Y tế dự báo, trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, có thể tiếp tục ghi nhận chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền).

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19; Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) điện và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể:

Các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về chủ động phòng chống dịch COVID-19. UBND các cấp thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định số 218/QĐ-BYT của Bộ Y tế; tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị,...), hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân đảm bảo khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội.

Các địa phương tổ chức điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; tổ chức thu dung, điều trị hiệu quả ở các tuyến. Các đơn vị cung ứng và bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang bị phòng hộ... đặc biệt là oxy y tế tại các cơ sở điều trị; tăng cường tổ chức cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà; công tác kết nối, hội chẩn, theo dõi, tư vấn điều trị từ xa; kịp thời chuyển tuyến, chuyển tầng điều trị; không để xảy ra tình trạng người mắc COVID-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế, cấp phát thuốc điều trị.

Các địa phương tiếp tục triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 “thần tốc hơn nữa”; đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi. Các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn; tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.

Bộ Y tế cũng yêu cầu đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong trường học. Các địa phương căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương (đến địa bàn cấp xã), tổ chức sớm đưa học sinh trở lại trường để tổ chức dạy, học trực tiếp; chủ động các biện pháp xử lý khi có trường hợp F0, F1 trong trường học một cách phù hợp, tránh xử lý cực đoan; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tạo sự yên tâm, đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường an toàn.

Giảm thời gian cách ly đối với F1 đã tiêm đủ liều vaccine xuống còn 5 ngày

Trước đó, chiều 21/2, Bộ Y tế ban hành công văn số 762/BYT-DP gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế về việc cách ly y tế đối cách ly y tế đối với ca bệnh COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc gần (F1). Theo đó, Bộ Y tế quy định giảm thời gian cách ly đối với F1 xuống còn 5 ngày.

Công văn này thay thế Công văn số 10696/BYT-MT ngày 16/12/2021 của Bộ Y tế về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19. Tại công văn 10696, Bộ Y tế quy định, F1 tiêm đủ mũi vaccine phải cách ly tế 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Ngoài ra, thực hiện xét nghiệm 2 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7).

Theo Công văn mới số 762/BYT-DP, Bộ Y tế quy định: Với F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine phòng COVID-19, liều cuối cùng tiêm ít nhất đã qua 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 thì thực hiện cách ly y tế 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.

F1 này cần thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 5 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K.

Đối với các ca bệnh COVID-19, tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 250/QĐ-BYT ngày 28/1/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.

Tại Quyết định 250/QĐ-BYT, Bộ Y tế quy định, F0 cách ly tại nhà sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi cách ly, điều trị đủ 7 ngày và kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa. Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccine theo quy định và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vaccine theo quy định.

Đối với F0 điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị sẽ được xuất viện nếu thỏa 3 điều kiện: Cách ly, điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị ít nhất 5 ngày; Các triệu chứng lâm sàng đỡ, giảm nhiều, hết sốt (không dùng thuốc hạ sốt) trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; Xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc Ct ≥ 30 hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính ; trường hợp Ct < 30 hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (không nhất thiết phải làm lại xét nghiệm).

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 26/2: Cả nước có gần 78.000 ca nhiễm mới; Mạng lưới thầy thuốc mở thêm kênh hỗ trợ trẻ F0
Tổng hợp COVID-19 ngày 26/2: Cả nước có gần 78.000 ca nhiễm mới; Mạng lưới thầy thuốc mở thêm kênh hỗ trợ trẻ F0

Ngày 26/2, Việt Nam ghi nhận 77.982 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội cao nhất cả nước. Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ em dưới 12 tuổi mắc COVID-19 ngày càng tăng. Theo đó, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành mở kênh tiếp nhận thông tin và hỗ trợ các bệnh nhi mắc COVID-19 từ 12 tuổi trở xuống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN