Vang dội chiến công Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê

Cuộc chiến đấu anh dũng của Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê diễn ra vào ban ngày, nằm giữa lòng thành phố Đà Nẵng vào ngày 26/12/1968 là một trong những trận đánh đi vào lịch sử; là biểu tượng cao quý của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về đức hy sinh và lòng dũng cảm của người dân Việt Nam cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chú thích ảnh
Tượng đài Mẹ Nhu được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận là công trình kiến trúc có giá trị của thành phố tại lễ kỷ niệm. 

Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh

Sau chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, thực hiện Chỉ thị của Đặc khu ủy Quảng Đà, các cơ sở cách mạng được dần hình thành trong nội đô. Khu vực Thanh Khê khi ấy trở thành một vùng căn cứ lõm cách mạng ngay cửa ngõ vào thành phố Đà Nẵng. Đêm 23/12/1968, sau trận tập kích vào đồn Bảo An, cầu Phú Lộc của Ngụy, các đồng chí biệt động quận Nhì (nay là quận Thanh Khê, Đà Nẵng) được đưa về trú ẩn tại nhà Mẹ Nhu (tên thật của mẹ là Lê Thị Dãnh) và nhà Mẹ Hiền trong khu phố Thanh Khê.

Do sự phản bội của tên Lữ Hùng (quận đội phó quận đội Nhì) đầu hàng địch và chỉ điểm nên các cơ sở trú ẩn của ta bị địch phát hiện. Sáng 26/12/1968 rất đông quân địch gồm nhiều lực lượng đã bao vây nhà Mẹ Nhu và Mẹ Hiền. Bị địch bao vây bất ngờ, các chiến sĩ biệt động của ta đã nhanh chóng xuống hầm bí mật và sẵn sàng chiến đấu. Lúc này anh Phạm Phú Long, con trai của Mẹ Nhu bị địch bắt tại nhà và tra hỏi dã man, nhưng anh Long vẫn kiên quyết không khai. Sau thời gian tra hỏi vẫn không khai thác được gì, chúng bắt anh Long đi và chuyển qua tra khảo Mẹ Nhu, nhưng mẹ vẫn phản ứng quyết liệt và không khai; chúng đánh, hăm dọa mẹ và nổ súng vào mẹ. Mẹ Nhu đã hy sinh ngoan cường để bảo vệ, che chở cho bộ đội.

Lúc này, quân địch hùng hổ tiếp tục tổ chức tìm kiếm và phát hiện hầm, dưới hầm bí mật trong nhà Mẹ Nhu đang có 3 đồng chí là Nguyễn Thị Tám, Nguyễn Văn Huề, Trần Thanh Trung đang ẩn trú, các đồng chí đã bật nắp hầm, tung lựu đạn tiêu diệt địch… và thoát ra khỏi hầm, vừa đánh địch vừa di chuyển về phía nhà mẹ Hiền để phối hợp cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu.

Tại nhà Mẹ Hiền cũng đang diễn ra cuộc chiến đấu chống trả quyết liệt của các đồng chí Trần Chi, Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Đình Năm, Nguyễn Văn Phương cố thủ trong công sự được chất bằng những bao muối của Mẹ Hiền, để đánh trả quyết liệt.

Sau thời gian dài chiến đấu, các dũng sĩ Trần Thanh Trung, Nguyễn Thị Tám, Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Văn Phương đã vượt qua vòng vây an toàn, trở về vùng căn cứ. Riêng hai dũng sĩ Trần Chi và Nguyễn Đình Năm trong lúc tìm cách thoát về căn cứ bị địch bắt đưa đi đày cho đến ngày ta giải phóng hoàn toàn miền Nam. Mặc dù  trận chiến diễn ra không cân sức, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường, mưu trí và được sự đùm bọc, chở che của Mẹ Nhu, Mẹ Hiền và nhân dân Thanh Khê. 7 chiến sĩ biệt động của ta đã làm thất bại cuộc vây ráp tấn công của 3 tiểu đoàn Mỹ - ngụy có xe, pháo và máy bay yểm trợ, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên địch. Trong trận chiến đấu này, Mẹ Nhu và đồng chí Nguyễn Văn Huề đã anh dũng hy sinh.

Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng

Chú thích ảnh
Ban Tổ chức trao hoa cho Dũng sĩ Thanh Khê, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tám tại lễ kỷ niệm. 

Những ngày cuối năm 2023, chính quyền và nhân dân quận Thanh Khê tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 55 Chiến công Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê (26/12/1968 - 26/12/2023) nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Khê Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, các hoạt động dâng hương, hoa, tổ chức lễ kỷ niệm, chương trình nghệ thuật, thăm hỏi, tặng quà các gia đình được tổ chức để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Nhu, Mẹ Hiền và 7 Dũng sĩ Thanh Khê và người dân đã kề vai sát cánh, gánh vác sự nghiệp cách mạng, cống hiến tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần lập nên chiến công vang dội ngày 26/12/1968 trên mảnh đất Thanh Khê anh hùng.

Chiến công của Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê được Đặc khu ủy Quảng Đà tuyên dương công trạng. Chiến công này đã góp phần để nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân Thanh Khê được vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ của Chủ tịch nước phong tặng vào tháng 6/2003. Đặc biệt, năm 1985, nhân kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, nhân dân thành phố vô cùng tự hào, xúc động khi Tượng đài Mẹ Nhu được xây dựng sừng sững, uy nghi, đứng giữa con đường Điện Biên Phủ - cửa ngõ dẫn vào trung tâm của thành phố.

“Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa có quyết định công nhận Tượng đài Mẹ Nhu vào danh mục công trình kiến trúc có giá trị của thành phố Đà Nẵng và công bố biểu trưng quận Thanh Khê, trong đó hình tượng Mẹ Nhu và đây là giá trị cao quý nhất để nhân dân thành phố Đà Nẵng và cả nước biết đến một Thanh Khê anh hùng, giàu truyền thống lịch sử - văn hóa và đang phát triển ngày càng giàu mạnh, văn minh”, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt nói.

Chú thích ảnh
Ban Tổ chức công bố biểu trưng mới của quận Thanh Khê có hình Tượng đài Mẹ Nhu tại lễ kỷ niệm.

Chia sẻ về chiến công của Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê, đảng viên Lê Văn Tú ở quận Thanh Khê cho biết, đây là một trong những trận đánh đi vào lịch sử, là biểu tượng cao quý của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về đức hy sinh và lòng dũng cảm của người dân Việt Nam. Đồng thời là niềm tự hào về lịch sử và là tấm gương cho các thế hệ trẻ học tập và phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Phạm Tấn Xử cho hay, nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị Khu di tích Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê; Sở và UBND quận Thanh Khê vừa tổ chức khởi công trùng tu, tôn tạo khu di tích trên. Đây là khu di tích có giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật; sau thời gian dài sử dụng bị xuống cấp. Sau khi tu bổ, khu di tích sẽ là địa chỉ đỏ góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử văn hóa của người dân và phục vụ tham quan cho du khách trong nước và quốc tế. Nhà lưu niệm Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng vào năm 2009.

Bài và ảnh: Trần Lê Lâm (TTXVN)
Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023), sáng 18/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân liên khu dân cư xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN