Hòa thượng Thích Gia Quang

Vu Lan là lễ hội của tình thương

Nhân lễ Vu Lan năm 2023, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trò chuyện với Hòa thượng, TS. Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về ý nghĩa sự kiện này.

Video Hòa thượng Thích Gia Quang trả lời phỏng vấn báo Tin tức:

Lễ Vu Lan trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt được coi là lễ báo hiếu. Xin Hòa thượng cho biết rõ hơn về ý nghĩa của sự kiện này?

Phải nói rằng, hiếu đạo nói chung của nhân loại, đặc biệt là người Việt Nam nói riêng rất đáng quý và luôn được coi trọng. 

Hiếu đạo được các cụ, cha ông ta ngày xưa đã dạy: "Bách thiện thì hiếu vi tiên", nghĩa là tất cả những việc thiện lành mà chúng ta đã và đang làm đều là việc hiếu đạo là điều tốt đẹp nhất. Có hiếu đạo tốt là điều đáng trân trọng, mà cái hiếu đạo này rất phù hợp với truyền thống người Việt Nam chúng ta.

Người Việt luôn tôn trọng đạo hiếu từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên… rộng ra là đến quốc gia, dân tộc, chúng sinh. Ông cha ta đã dạy: "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ, kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con". Đó là lòng quý trọng, là truyền thống của người Việt Nam chúng ta đồng thời cũng rất phù hợp với đạo Phật.

Đạo Phật cũng dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Cho nên đạo hiếu luôn được đề cao trong Kinh Phật.

Phật dạy người nào có hiếu là người làm việc thiện nhất, người nào bất hiếu là người ác nhất. Qua đó chứng tỏ rằng hiếu đạo rất được tôn trọng, rất được đề cao. 

Ngày nay, trong xã hội của chúng ta tiếp nối truyền thống của cha ông, nên đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn", tri ân, báo ân, "Đền ơn đáp nghĩa" đã làm cho đạo đức xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Đạo hiếu rất quan trọng và rất quý báu, mỗi một người dân cần phải giữ, phải tôn trọng và đạo hiếu ấy cần được vinh danh để làm đẹp hơn trong xã hội.

Vậy thưa Hòa thượng, hiếu đạo trong Phật giáo Việt Nam nên được hiểu như thế nào?

Đức Phật đã răn dạy các đệ tử, phật tử rất nhiều trong kinh sách khi nói về hiếu đạo. Hiếu đạo theo Phật giáo rất rộng nhưng tập trung vào 4 Tứ trọng ân, đó là: Ân quốc gia xã hội; Ân cha mẹ sinh thành; Ân Tam bảo Sư trưởng và Ân chúng sinh vạn loại.

Chú thích ảnh
Hòa thượng Thích Gia Quang.

Đạo Phật du nhập vào nước ta hàng ngàn năm, Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố và thăng hoa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nếp sống nhớ ơn đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam. Đức Đại Hiếu Mục Kiền Liên tôn giả, một vị thánh tăng đại đệ tử của đức Phật có lòng chí hiếu với mẹ cảm động thấu tận 9 tầng trời. Từ sự tích đó, trong kinh sách đã bắt đầu có truyền thống Vu Lan báo hiếu ra đời bổ sung cho vườn hoa Phật giáo những giá trị đạo đức cao cả.

Ngay thời đức Phật tại thế, sau khi giác ngộ thành Đạo Bồ Đề, Ngài đã thuyết pháp độ Mẫu Thân, khi Phụ Hoàng Tịnh Phạn băng hà, đức Phật đã tự tay khiêng quan tài của vua cha đến nơi hỏa táng.

Ngày nay đường hướng hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xác định đó là đạo pháp, dân tộc, cho nên luôn Phật giáo luôn hướng dẫn cho các phật tử nhận ra được hiếu hạnh và chúng sinh đã tiếp thu được rất nhiều, làm tốt công tác báo đáp Tứ trọng ân mà Phật giáo gọi là tri ân và báo ân mà truyền thống người Việt thường gọi là "Đền ơn đáp nghĩa".

Ngày nay, trong xã hội, các cấp, các ngành và nhân dân rất quan tâm đến vấn đề này và mọi người đều nhận thấy rất là thiết thực, trân quý, đáng trân trọng và noi theo, làm theo. Tứ trong ân trong Phật giáo cũng là đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" rất phù hợp. Vì vậy mà chúng ta cần phải phát huy điều đó mạnh hơn nữa, tốt hơn nữa để xã hội đẹp nên nhiều. 

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thông điệp gì về lễ Vu Lan năm nay, thưa Hòa thượng?

Vu Lan báo hiếu là ngày lễ trọng của Phật giáo cho nên từ đầu tháng 7 (âm lịch) Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Thông báo hướng dẫn về việc tổ chức lễ Vu Lan 2023 làm sao vừa trang nghiêm, tiết kiệm và vừa phát huy vai trò đạo hiếu của người Việt. 

Đồng thời đây cũng là dịp để nhắc nhở cho thế hệ trẻ biết đến ngoài ân của cha mẹ, ông bà, tổ tiên còn phải biết đến ân các bậc lão thành cách mạng, ân chiến sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; ân đến những người cao tuổi và biết được đạo lý "Đền ơn đáp nghĩa". Qua đó để ngày càng tô thắm thêm truyền thống quý báu, đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn. Đây không những chỉ trong thời điểm hiện tại, không chỉ bây giờ mà còn mãi mãi về sau. 

Cho nên lễ Vu Lan hàng năm không chỉ là gói gọn trong tôn giáo mà nó đã trở thành một lễ hội, là nghi lễ của tình người, tình thương và là lễ hội mang tính chất nhân văn rất đẹp đẽ trong cuộc sống, để mọi người thương yêu nhau hơn, sống tốt đẹp hơn.

Xin trân trọng cảm ơn Hòa thượng!

Bài, ảnh, video: Viết Tôn/Báo Tin tức (thực hiện)
Vu Lan báo hiếu góp phần lan tỏa khơi dậy tinh thần tri ân
Vu Lan báo hiếu góp phần lan tỏa khơi dậy tinh thần tri ân

Ngày nay lễ Vu Lan không chỉ đơn thuần là một ngày lễ Phật giáo thiêng liêng, mà còn là ngày lễ của tình người có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, trở về với đạo lý uống nước nhớ nguồn, với tổ tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN