Xác định cụ thể mâu thuẫn, bất cập trong các văn bản pháp luật

Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 18, chiều 12/10, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 101/2023/QH15, trong đó giao Chính phủ tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư, đầu tư công… và các lĩnh vực khác đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân kiến nghị. Việc rà soát phải đáp ứng yêu cầu xác định cụ thể những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân từ Trung ương đến địa phương. Quá trình rà soát có sự phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan. Các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã tổ chức rà soát cơ bản đầy đủ đối với những văn bản thuộc đối tượng và phạm vi rà soát. Việc tổng hợp, phân loại, nghiên cứu, cho ý kiến độc lập và việc đề xuất xử lý đối với kết quả rà soát của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, hiệp hội và phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, bài bản.

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm của Chính phủ trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 101/2023/QH15. Phạm vi rà soát Chính phủ thực hiện cơ bản bám sát yêu cầu của Nghị quyết. Các văn bản được rà soát cơ bản đầy đủ và bảo đảm tính hệ thống từ luật, nghị quyết, pháp lệnh tới các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện pháp luật, hạn chế ở mức thấp nhất tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật, một số ý kiến đề nghị, Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, bảo đảm chất lượng. Khi dự kiến quy định vấn đề mới, khác với hiện hành cần phải tiến hành rà soát kỹ các văn bản pháp luật có liên quan để trình, sửa đổi đồng bộ, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu nghiêm túc ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định các dự án luật, pháp lệnh, bảo đảm đúng tiến độ; chú trọng bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong quá trình thẩm định...

Phan Phương (TTXVN)
Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Sáng 12/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 18, thẩm tra dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN