Xuân Oanh - cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng! - Phần 3

Nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, 100 năm ngày sinh nhạc sỹ Xuân Oanh, báo Tin tức xin trân trọng giới thiệu bài viết vào năm 2015 của tác giả Đỗ Lê Châu, con trai cả của nhạc sỹ Xuân Oanh.

Phần 3: Xuân Oanh – Nhà Ngoại giao nhân dân

Bạn bè, đồng nghiệp các thế hệ luôn dành cho Xuân Oanh danh xưng "Nhà Ngoại giao Nhân dân", cho dù ông chẳng được học lấy một ngày về nghề này. Không những thế, họ còn gọi ông là "Anh Cả" trong nghề. Sự ưu ái ấy có lẽ xuất phát từ thực tế rằng ông là một trong những người đầu tiên cử sang công tác hoà bình, quốc tế nhân dân từ năm 1951, khi Cách mạng nước ta bắt đầu kết nối được với Liên Xô, Trung Quốc và Phong trào hoà bình thế giới. Từ đại bản doanh Chiến khu Việt Bắc, Xuân Oanh và các cán bộ thế hệ đầu ấy của Uỷ ban Bảo vệ Hoà bình Thế giới của Việt Nam liên tục thực hiện các chuyến công tác ra nước ngoài, đặc biệt đến với những hoạt động quốc tế vì tiến bộ, hoà bình để tuyên truyền cho sự nghiệp chính nghĩa và vận động bạn bè quốc tế ủng hộ nhân dân Việt Nam. Và cũng chính từ những chuyến đi như vậy, Xuân Oanh học được vô cùng nhiều điều sau này trở thành kinh điển cho các thế hệ cán bộ làm công tác ngoại giao nhân dân.

Chú thích ảnh
Bà Merle Ratner, đảng viên Đảng cộng sản Mỹ, người đã tham gia hoạt động chống chiến tranh tại Việt Nam từ năm 13 tuổi, hiện là đồng sáng lập và điều phối tổ chức Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc Da cam Việt Nam. Bà là người bạn thân thiết của gia đình nhạc sĩ Xuân Oanh. (Trong ảnh, bà đang cầm bức tranh của nhạc sĩ Xuân Oanh vẽ tặng mình).

Khác với ngoại giao chính thức của Nhà nước và Chính phủ được thực hiện theo những khuôn mẫu, quy định đã thành luật pháp, ngoại giao nhân dân là những hoạt động quốc tế xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của nhân dân các nước tìm đến với nhau và cũng chỉ tuân theo những quy định giữa họ với nhau. Vì thế, thay vì phải đúng khuôn mẫu, phép tắc, ngoại giao nhân dân rất linh hoạt, uyển chuyển và luôn đặt hiệu quả lên đầu. Trong ngoại giao nhân dân, diễn đàn có thể là bất kỳ chỗ nào, từ một phòng học đủ cho mọi người đứng, ngồi cho đến một bãi đất trống đủ cho vài trăm người tụ tập, diễn thuyết, bày tỏ quan điểm. Người dự các hoạt động này có thể không cần quan tâm đến diễn giả mà quay ra nói chuyện, tranh luận với nhau hay làm bất kỳ việc gì khác. Những người tổ chức hay diễn giả của các cuộc tập hợp nhân dân này vì vậy phải rất linh hoạt, bắt mạch được cử toạ của mình mà quyết định cách tiếp cận sao cho nhanh nhất, hấp dẫn nhất để làm cho cử toạ phải quan tâm đến ý kiến của mình... Đã nhiều lần Xuân Oanh phải thức thâu đêm cùng bạn bè quốc tế, thậm chí chui vào túi ngủ ngoài công viên cùng họ để tâm sự, vận động, nhất là với các bạn Mỹ trong phong trào Híp-pi vì hoà bình...

Bí quyết của Xuân Oanh đến với bạn bè quốc tế không gì khác là sự "đồng cảm" cao và lối tiếp cận bắt đầu từ "văn hoá". Ông lý giải đơn giản, "muốn thuyết phục ai ủng hộ mình, đi cùng mình thì trước hết phải hiểu họ, hiểu được suy nghĩ và cách làm việc của họ rồi mới có thể lái họ đi cùng mình". Theo Xuân Oanh, "ngoại giao văn hoá" là ngoại giao hiệu quả, văn minh và lâu bền nhất, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao nhân dân. Vì thế, ngay từ những ngày tháng chiến tranh ác liệt, khi mà mọi liên lạc giữa Việt Nam ra thế giới bên ngoài còn rất khó khăn, khi mà mỗi cán bộ đối ngoại khi đó phải làm việc gấp 5-6 lần, ông vẫn rất cần mẫn, chăm chút trả lời từng bức thư, bức điện của bạn bè quốc tế. Mỗi bức thư của ông cũng đều toát lên vẻ ân cần, lịch thiệp, chân thành nhất. Ngay cả những bức thư gửi những người bạn Mỹ bàn về tội ác chiến tranh của Mỹ với nhân dân Việt Nam, ông cũng luôn dùng những ngôn từ, hình ảnh gần gũi nhất với họ để những người bạn của ông có thể "tự rút ra kết luận"! Chẳng hạn, trong bức thư đề ngày 28/6/1969 viết từ Paris cho bà Cora Weiss, một nhà hoạt động của phong trào chống cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn Gia đình tù binh Mỹ ở Việt Nam, ông mở đầu bức thư bằng chính hình ảnh từ cuộc gặp gỡ giữa nhóm của Cora Weiss với ông và đại diện Đoàn Việt Nam tại cuộc đàm phán Paris về hoà bình ở Việt Nam.

Chú thích ảnh
Bà Cora Weiss, Chủ tịch Liên đoàn Gia đình tù binh Mỹ ở Việt Nam, có thân nhân bị bắt giữ tại Việt Nam, một người bạn thân thiết của nhạc sĩ Xuân Oanh. Ảnh chụp tại nhà riêng của bà Cora Weiss năm 2023.

"Tôi hy vọng bức thư này sẽ đến tay bà thì bà đã về đến nhà. Hy vọng mọi người đều mạnh khoẻ sau chuyến đi dài ngày, vất vả. Mấy cháu nhỏ bà mang theo cùng khiến tất cả chúng tôi cảm thấy vừa vui, vừa buồn, vui vì sự có mặt của chúng mà buồn vì chúng làm chúng tôi nhớ nhà. Chúng tôi thật mừng thấy nhân dân nước khác có cơ hội được sống trong hoà bình, hạnh phúc với tất cả những người thân yêu của mình. Daniel (con trai út bà Cora Weiss) có lẽ chẳng bao giờ hình dung được là Chi, con trai thứ ba của tôi bằng tuổi con bà, cũng rất thích có được một người bạn như Daniel để chơi bóng đá hay đi bơi, đi câu ngoài biển quê hương của cha mình. Nhưng giờ thì Chi đang phải sơ tán ở nông thôn, sống trong túp lều tranh, học bài dưới ánh đèn dầu, tự mấy anh em nấu ăn và thỉnh thoảng gửi sang cho tôi mấy chữ hứa sẽ chăm sóc mẹ cẩn thận dù chuyện gì xảy ra. Thật đau lòng khi nghĩ tới việc trẻ con như các cháu bị tước mất quyền chơi, vui và sống hạnh phúc. Judy, Tammy và Dan (ba người con của bà Cora Weiss), các cháu đều là những đứa trẻ tuyệt vời.

Trở về với công việc nhé: .... Về chuyện thư từ (của tù binh Mỹ gửi về cho gia đình - TG), lý do duy nhất các gia đình không nhận được nhiều thư là đàn ông không chịu viết thư. Chẳng ai bắt họ viết thư được nếu như họ không thích viết. Chỉ có Chúa mới biết tại sao. Tôi đoán là họ cũng có thể đã bắt đầu hiểu rằng 'ấn định được ngày' rút quân là đồng bào của họ sẽ được về nước, hơn là chỉ nghe tin từ nhà mà chẳng có bất kỳ hy vọng khi nào thì họ mới được trả tự do nếu như Nixon cứ tiếp tục cái trò ông ta đang chơi. Bà có nghĩ vậy không?”.

Chú thích ảnh
Bà Judy Gumbo (tóc trắng), lãnh đạo phong trào Híp-pi tại Mỹ, đã được nhạc sĩ Xuân Oanh cảm hóa,  tham gia chống chiến tranh tại Việt Nam. Bà đã giúp nhạc sĩ Xuân Oanh chuyển rất nhiều thư từ của phi công Mỹ ở Hỏa Lò tới các gia đình Mỹ, góp phần phát động mạnh mẽ phong trào đòi chính quyền Mỹ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Bức ảnh chụp khi bà tới thăm nhà nhạc sĩ Xuân Oanh vào năm 2022.

Đoạn trích trên của một trong hàng ngàn bức thư Xuân Oanh gửi cho các bạn Mỹ trong thời gian ông công tác tại Phái đoàn Việt Nam tại cuộc đàm phán Paris về hoà bình Việt Nam rất đặc trưng cho cách ông thuyết phục bạn bè quốc tế: Đi vào những gì họ quan tâm nhất, sử dụng ngôn, hình ảnh từ gần gũi dễ tạo cảm xúc mạnh cho họ. Đoạn ông viết trả lời thắc mắc của Liên đoàn các Gia đình tù binh Mỹ tại Việt Nam cho thấy ông hiểu rất rõ văn hoá Mỹ, cách lý giải mọi việc của người Mỹ, vì thế có thể "hoá giải" một câu hỏi cực kỳ hóc búa một cách nhẹ nhàng, hợp lý mà không phải "nói dối" hay từ chối họ vì thời gian đó thông tin trong nước sang Phái đoàn không phải lúc nào cũng cập nhật, nhất là thông tin từ trong trại giam tù binh Mỹ. Không những vậy, trên cái nền nhẹ nhàng và có phần hóm hỉnh ấy, ông vẫn cài được vào lập trường của Việt Nam là đòi Mỹ phải nhanh chóng rút quân về nước thông qua những phỏng đoán mà ông gán cho tù binh Mỹ. Trao lại cho các con trai ông hàng trăm bức thư ông gửi cho bà trong thời gian Hội nghị Paris, bà Cora Weiss bảo: "Bố cháu thực sự là một thiên tài. Ông hiểu người Mỹ chúng tôi còn hơn cả chúng tôi. Chúng tôi trân trọng mọi kỷ vật về ông nhưng có lẽ các cháu cũng muốn có được một phần những kỷ vật ấy".

Không chỉ hiểu văn hoá, con người các nước để vận dụng trong công tác của mình, Xuân Oanh còn luôn chủ động giới thiệu hình ảnh, văn hoá, phong tục tập quán của dân tộc mình ra quốc tế. Không ít lần, trong những bức thư gửi cho bạn bè quốc tế, ông còn viết luôn bằng thơ để chuyển tải ý mình. Một số bài là ông tự dịch thơ của ông ra tiếng Anh, nhưng hầu hết đó là những bài thơ viết thẳng bằng tiếng Anh với lý do "ngôn ngữ quá bất đồng". Thơ của ông cũng được bạn bè Mỹ chia sẻ trên trang web, Facebook của mình như những tâm sự, triết lý của cuộc đời.

Phần cuối: Bài hát Mười chín Tháng Tám đã ra đời như thế nào?

Đỗ Lê Châu
Xuân Oanh - cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng!  - Phần 2
Xuân Oanh - cánh chim Oanh của mùa Xuân Cách mạng! - Phần 2

Nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, 100 năm ngày sinh nhạc sỹ Xuân Oanh, báo Tin tức xin trân trọng giới thiệu bài viết vào năm 2015 của tác giả Đỗ Lê Châu, con trai cả của nhạc sỹ Xuân Oanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN