Bạc Liêu chinh phục gió trời

Chúng tôi có mặt trên công trình xây dựng Nhà máy Điện gió Bạc Liêu lớn nhất nhì Đông Nam Á vào những ngày cuối tháng 5, khí thế lao động của tập thể cán bộ, công nhân, kỹ sư thật tất bật, tất cả vì mục tiêu kịp hòa vào lưới điện quốc gia.

Những cỗ máy đồ sộ trên đầm lầy


Cuối năm 2012, Đan Mạch đã chính thức cùng hợp tác với Việt Nam để thực hiện các dự án trong lĩnh vực phong điện, góp phần mở ra nhiều triển vọng phát triển chinh phạt gió trời tại nước ta. Đã có 10 cối xay gió khổng lồ được xây dựng tại vùng biển Bạc Liêu và hàng chục dự án khác đang manh nha tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).


Những trụ điện gió trang điểm thêm vẻ đẹp các vùng bãi biển tỉnh Bạc Liêu.

Nhà đầu tư điện gió Bạc Liêu, ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Công Lý cho biết: “Tôi có một khu du lịch gọi là du lịch bãi Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Những công trình phục vụ du lịch ở đó năm nào cũng bị sóng đánh hư hỏng, tốn rất nhiều tiền sửa chữa. Chủ yếu là do tác động của gió, triều cường. Khi đó, thấy gió nhiều là lo. Một hôm ngồi xem truyền hình thấy ở Bình Thuận khởi công nhà máy điện gió, tôi nảy ra ý định làm điện gió”.

 

Tuy nhiên, thời điểm đó, những tư liệu đáng tin cậy về tiềm năng gió ở Việt Nam gần như chưa có gì, nhà đầu tư phải lặn lội thuê các chuyên gia giúp đỡ. Phải tốn hàng năm trời, các chuyên gia mới xác định Bạc Liêu là một trong những địa chỉ đỏ cho điện gió tại ĐBSCL. Và thêm một năm để chuẩn bị, đến ngày 9/9/2010, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, nhà máy điện gió thứ hai của Việt Nam chính thức khởi công với qui mô lớn hơn Nhà máy Điện gió Bình Thuận. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng, với 62 tuốc bin gió, công suất thiết kế 99MW, tương đương với sản lượng điện khoảng 400 triệu kWh/năm.


Điều đặc biệt đối với điện gió Bạc Liêu là vị trí đặt các cỗ máy xoay gió thuộc vùng đất đầm lầy ven biển, nơi gần như không thuộc đất sản xuất của dân cư, người dân gần như không bị ảnh hưởng bởi dự án.

 

Dàn trận đón gió


Sự thành công bước đầu của điện gió Bạc Liêu đang mở ra hướng phát triển mạnh mẽ lĩnh vực điện gió cho các nhà đầu tư và chính quyền các địa phương. Riêng tại ĐBSCL đang dự kiến triển khai hàng chục dự án điện gió. Tại Sóc Trăng, theo kế hoạch sẽ xây dựng 4 nhà máy điện gió, thuộc các huyện Vĩnh Châu, Trần Đề, với tổng công suất 300 MW. Huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh cũng đang xúc tiến đầu tư nhà máy điện gió với công suất 200 MW.


Tháng 10/2011, Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ đã chính thức ký cam kết cho Việt Nam vay 1 tỷ USD để tài trợ cho các chương trình phát triển điện gió tại các tỉnh ĐBSCL trong 5 năm 2011 - 2015. Ngày 8/11/2012, nhà sản xuất tuốc bin gió lớn nhất thế giới Vesta đã ký thỏa thuận hợp tác trong công tác lập kế hoạch và phát triển các nhà máy điện gió tại Việt Nam với Công ty Công Lý. Quan hệ hợp tác này được thực hiện dưới sự bảo trợ của cơ quan hợp tác phát triển thuộc Bộ Ngoại giao của Đan Mạch, mở đầu thời kỳ hợp tác giữa hai nước trong việc phát triển năng lượng xanh.


Trước đó, ngày 26/9/2011, Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển lĩnh vực điện gió (bằng Quyết định 37/2011/QĐ-TTg), với nhiều nội dung khuyến khích phát triển điện gió tầm quốc gia và các địa phương. Với nhiều sự hỗ trợ đặc biệt từ Nhà nước và cơ chế pháp lý khá thuận lợi, các nhà đầu tư điện gió Việt Nam đang có nhiều cơ hội. Với các nhà máy điện gió dự kiến ở trên, trong một tương lai không xa, các bờ biển lộng gió của Việt Nam sẽ được khai thác để trở thành nguồn cung cấp năng lượng điện dồi dào cho đất nước.

Trong chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á, Ngân hàng Thế giới đã có một khảo sát chi tiết về năng lượng gió khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo đó, trong bốn nước được khảo sát thì Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất và hơn hẳn các quốc gia lân cận là Thái Lan, Lào và Campuchia. Trong khi Việt Nam có tới 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng từ tốt đến rất tốt để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn thì diện tích này ở Campuchia là 0,2%, ở Lào là 2,9%, và ở Thái Lan cũng chỉ là 0,2%. Tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360 MW, tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La hiện nay. Nếu xét tiêu chuẩn để xây dựng các trạm điện gió cỡ nhỏ phục vụ cho phát triển kinh tế ở những khu vực khó khăn thì Việt Nam có đến 41% diện tích nông thôn có thể phát triển điện gió loại nhỏ. Con số này với Campuchia là 6%, Lào 13% và Thái Lan là 9%.

 

Bài và ảnh: Huỳnh Sử - Trần Vũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN